Được lên ý tưởng và ấp ủ thực hiện từ cuối năm 2021 nhưng đến thời điểm hiện tại, vở nhạc kịch “Người cầm lái” mới bắt đầu được Nhà hát CAND triển khai. Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thuý Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND cho biết, đây là vở nhạc kịch đầu tiên và cũng là dự án nghệ thuật đặc biệt được đầu tư cả về quy mô và chất lượng nghệ thuật của Nhà hát. “Người cầm lái” do Nhà hát CAND chủ trì, phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện.
Nhạc kịch được dàn dựng theo kịch bản của TS Nguyễn Xuân Thắng. Th.S Nguyễn Tuyết Minh làm tổng đạo diễn. PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cố vấn âm nhạc. Phụ trách phần múa có tới 3 biên đạo gồm Tuyết Minh, NSƯT Nguyễn Văn Dũng và Mạnh Quyền. Chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng tài năng Trần Nhật Minh. Ước tính, tham gia vở nhạc kịch này có khoảng 170-180 nghệ sĩ, trong đó có các nghệ sĩ dàn hợp xướng và 2 dàn nhạc gồm 1 dàn nhạc giao hưởng và 1 dàn nhạc dân tộc.
Nội dung của vở nhạc kịch “Người cầm lái” ca ngợi lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Vở nhạc kịch tập trung khai thác cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước, chèo lái con thuyền cách mạng, đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng và thống nhất đất nước. Vở nhạc kịch tập trung khai thác khoảng thời gian sau khi Người bôn ba ở nước ngoài, trở về nước hoạt động cách mạng. Tác phẩm tập trung khai thác đậm nét hình tượng Bác Hồ với lực lượng CAND. Dự kiến, nhạc kịch “Người cầm lái” sẽ được công diễn đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Nhà hát CAND (24/4/1982 – 24/4/2022).
Nhạc kèn “Khúc khải hoàn ca” của Đoàn Nghi lễ CAND lần đầu ra mắt khán giả
Dự kiến được dàn dựng và biểu diễn lần đầu tại Hà Nội, trong dịp chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Nhà hát CAND, chương trình nghệ thuật “Khúc khải hoàn ca” sẽ do các nghệ sĩ Đoàn Nghi lễ CAND thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phối hợp biểu diễn cùng một số nghệ sĩ của Nhà hát CAND. Đây cũng là một trong những chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) và 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022).
Dự kiến, các tiết mục biểu diễn trong chương trình, chiếm đa số là biểu diễn nhạc kèn. Một số tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc và tốp ca do nghệ sĩ Nhà hát CAND biểu diễn. Nội dung chương trình tập trung ngợi ca Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ, ca ngợi truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND. Bên cạnh các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam, đặc biệt là tác phẩm nổi tiếng về miền Nam, về Bác Hồ, về lực lượng CAND, các nghệ sĩ dự kiến sẽ biểu diễn một số tác phẩm âm nhạc nước ngoài, đặc biệt là các bài chào mừng chiến thắng.
Đoàn kịch CAND thuộc Nhà hát CAND cũng vừa khởi dựng vở kịch nói “Trả giá”. Ê kíp sáng tạo vở diễn, ngoài tên tuổi quen thuộc là đạo diễn, NSND Lê Hùng còn có nhiều nghệ sĩ uy tín khác đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như nhạc sĩ viết ca khúc, hoạ sĩ thiết kế, biên đạo hình thể, đạo diễn âm thanh, ánh sáng…
Vở kịch “Trả giá” dàn dựng theo kịch bản của nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương. Đây cũng là vở diễn đặc biệt phục vụ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022). Tác phẩm tập trung tôn vinh những thành tích, chiến công, sự hy sinh dũng cảm của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm lợi ích nhóm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Khán giả gắn bó lâu năm với nghệ sĩ sân khấu kịch trong lực lượng CAND sẽ có cơ hội xem lại vở kịch “Bản danh sách điệp viên” với phiên bản mới. Khai thác đề tài phản gián, chuyện kịch dựa trên câu chuyện có thật về chiến công của một chiến sĩ điệp báo của Công an Hà Nội. Kịch bản “Bản danh sách điệp viên” của cố tác giả Văn Báu, kể về câu chuyện đầy cảm động và bi tráng về sự hy sinh thầm lặng của lực lượng điệp báo, đặc biệt là các điệp báo viên Công an Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp. Kịch bản được Đoàn nghệ thuật không chuyên của Công an Hà Nội dàn dựng từ năm 1970, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả ở trong và ngoài lực lượng CAND nhiều năm. Sau này, vở diễn được nhiều đơn vị nghệ thuật dựng lại nhiều lần, trong đó có các bản dựng của Đoàn Kịch nói CAND (nay thuộc Nhà hát CAND).
Vở kịch “Bản danh sách điệp viên” của các nghệ sĩ CAND không chỉ được đông đảo khán giả cả nước đón nhận mà còn được đánh giá cao về mặt chuyên môn tại Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” năm 2005 và Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2014. Bản dựng lần này của Nhà hát CAND không chỉ được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn trong hoạt động nghệ thuật của Công an năm 2022 mà còn mang đến một “diện mạo” mới hơn cho một vở diễn thuộc hàng “kinh điển” về lực lượng CAND.
Nguồn: Báo CAND