Việc xây dựng và ban hành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) giúp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Cần thiết sửa đổi, bổ sung
Theo Bộ Công an, Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác thi hành án hình sự từng bước đi vào nền nếp, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của người chấp hành án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Các phạm nhân đọc sách trong trại giam.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, phù hợp với điều kiện, tình hình mới. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, do vậy cần phải sửa đổi các quy định về hệ thống cơ quan thi hành án hình sự cho phù hợp.
Mục đích xây dựng và ban hành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2019 từ đó nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân; phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đề xuất Công an cấp xã được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự
Theo Bộ Công an, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) cơ bản được giữ nguyên so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019, trong đó, sửa đổi 108/207 điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, bổ sung 10 điều, bỏ 25 điều; những quy định được sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết những tồn tại, khó khăn trong thực tiễn hiện nay và đáp ứng yêu cầu công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới.
Theo đó, dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, dự thảo Luật quy định như sau: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự bao gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an; Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Hệ thống cơ quan thi hành án hình sự bao gồm: Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam); Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh); Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).
Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu (sau đây gọi là trại tạm giam); UBND cấp xã; đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương (sau đây gọi là đơn vị quân đội); Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Công an cấp xã). Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự.
Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Công an cấp xã theo hướng:
UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; phối hợp giáo dục người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành hình phạt quản chế; trường hợp người chấp hành án chết, UBND cấp xã nơi người chấp hành án cư trú hoặc nơi người chấp hành án chết có trách nhiệm phối hợp cơ quan thực hiện thủ tục khai tử để thực hiện khai tử đối với người chấp hành án; gửi trích lục khai tử cho cơ quan thực hiện thủ tục khai tử; phối hợp trong việc quản lý, giám sát các đối tượng nêu trên.
Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, giám sát người được hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát người chấp hành hình phạt quản chế.