Đề án với 7 quan điểm chỉ đạo lớn, 5 nhóm nhiệm vụ
Với tinh thần "Đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết", ngày 6/1/2022, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia ký, ban hành Quyết định số 06 phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đề án này đã lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, với thời gian hoàn thành ngắn (khoảng 1 tháng), điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ.
Mục tiêu tổng thể của đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích. Và để đạt được mục tiêu trên, đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình cụ thể của từng năm, từng giai đoạn, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Đề án do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng và đại diện lãnh đạo 10 bộ, ngành tham gia.
Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, đã đạt được kết quả rất quan trọng, lực lượng CAND đã phát huy tốt vai trò thường trực, tiên phong gương mẫu đi đầu, từng bước thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu của đề án được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, ngành Công an có nhiệm vụ cung cấp 11 dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng kí thường trú; đăng kí, cấp biển số môtô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình; cấp lại, đổi thẻ CCCD; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trữ; xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ CCCD; thủ tục làm con dấu mới và cấp chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Đặc biệt, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tập trung nguồn lực, phối hợp triển khai thí điểm cho 8 địa phương: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Cần Thơ, Thái Nguyên, Hà Nam, Nghệ An, Nam Định, Bình Dương. Riêng việc thực hiện số hóa 1,13 triệu dữ liệu hộ tịch tại Thái Nguyên trong 47 ngày đã giúp thông tin dữ liệu được chính xác, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng và thời gian, đồng bộ thống nhất dữ liệu phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính tại địa phương.
Những con số "biết nói"
Theo số liệu thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ giải quyết trên cổng dịch vụ công Bộ Công an đã tăng lên. Nếu như 6 tháng đầu năm là dưới 10% thì nay đã tăng lên gần 15%. Số lượng tài khoản đăng kí sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công Bộ Công an tăng từ gần 66.000 tài khoản tại thời điểm đầu tháng 8, lên đến trên 340.000 tài khoản ở thời điểm hiện tại, tức tăng hơn 5 lần.
Đến nay, đã có trên 76 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử đã được cấp và được tích hợp nhiều thông tin như: Thông tin cá nhân, bảo hiểm y tế (BHYT), giấy phép lái xe, thẻ ATM phục vụ người dân chỉ sử dụng một loại giấy tờ CCCD khi đi khám bệnh, giao dịch hành chính hay ngân hàng. Bộ Công an đã thực hiện thành công triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu nằm trong nhiệm vụ của Đề án 06.
Bộ Công an đã cung cấp tất cả 11/11 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó nhiều dịch vụ công đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, điển hình như: Ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và CCCD gắn chip để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), tiết kiệm gần 50 tỷ đồng cho học sinh, giảm tình trạng tai nạn giao thông; phân cấp triển khai đăng ký xe máy về hơn 2.000 cấp xã, tổ chức cấp hộ chiếu online; sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT trong khám chữa bệnh, thay thế thẻ ATM trong giao dịch ngân hàng… Đáng chú ý, đã triển khai kết nối, chia sẻ với 12 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông, 16 địa phương để xác thực, làm sạch dữ liệu cho các đơn vị và làm giàu dữ liệu dân cư... Đồng bộ gần 40 triệu thông tin mã BHXH đã có 11.171/13.150 cơ sở y tế sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ trên 85% với gần 1,7 triệu công dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip đi khám chữa bệnh; đồng bộ gần 98 triệu mũi tiêm vaccine từ Bộ Y tế; tổ chức xác thực trên 20 triệu thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone để làm sạch, nhằm giải quyết tình trạng sim rác. Từ CCCD gắn chip đã ứng dụng xác thực danh tính tại các quầy giao dịch ngân hàng và thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại một số tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, ngày 18/7, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ là một trong các phương thức giúp người dân sử dụng thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy từ ngày 1/1/2023. Điều này thể hiện cố gắng nỗ lực rất lớn của toàn lực lượng, và quan trọng nhất là từng bước thay đổi thói quen của người dân, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.
Đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành mức độ 3, 4 đối với 187/224 dịch vụ công của ngành Công an. Qua đó, công dân có thể nộp hồ sơ đăng ký cư trú trên cổng dịch vụ công trực tuyến mà không cần phải trực tiếp tới cơ quan đăng ký cư trú. Cơ quan đăng ký cư trú thực hiện quy trình giải quyết đăng ký cư trú từ bước tiếp nhận hồ sơ, xác minh, xử lý hồ sơ, phê duyệt, trả kết quả trên hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu về cư trú, ngay sau khi giải quyết đăng ký cư trú thì thông tin về cư trú của công dân sẽ được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan quản lý cấp trên có thể theo dõi, kiểm tra quá trình giải quyết cư trú của cơ quan đăng ký cư trú ngay trên hệ thống phần mềm mà không cần phải qua các báo cáo, tổng hợp số liệu. Việc giải quyết cư trú trên hệ thống phần mềm sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, giảm bớt số thủ tục cần thực hiện (ví dụ trước đây để đăng ký thường trú tại nơi mới công dân phải thực hiện 3 thủ tục gồm cắt giấy chuyển hộ khẩu, đăng ký thường trú mới và xóa đăng ký thường trú thì hiện nay công dân chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú). Công dân có thể nhận kết quả giải quyết đăng ký cư trú bằng nhiều hình thức khác nhau như email, sms, cổng dịch vụ công…
Có được những kết quả ấn tượng nêu trên là do có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an với quyết tâm chính trị cao, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở.
Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, sáng tạo, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là các đồng chí ở cấp xã rất vất vả ngày đêm để hoàn thiện dữ liệu, phục vụ nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất..., góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó cũng đã khẳng định vai trò, vị thế và sự cống hiến, đồng góp của lực lượng CAND đối với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ này trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nguồn: Báo CAND