Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã lắng nghe đại diện lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trình bày báo cáo kết quả công tác Đảng, công tác chuyên môn năm 2022, chương trình công tác năm 2023. Theo đó, thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Chính phủ và chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Bộ Công an, trong năm 2022, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã chủ trì xây dựng 5 dự án luật để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, hoàn thành xây dựng 1 nghị định, 5 thông tư; tiếp tục xây dựng 2 nghị định, 1 thông tư liên tịch, 3 thông tư.
Cụ thể, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân; Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…
Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cũng đã nghiên cứu và tham gia xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị trong và ngoài ngành xin ý kiến. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự. Tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế do các đơn vị gửi đến đả bảo chất lượng và tiến độ. Công tác tổng hợp, tham mưu, tư vấn pháp luật, công tác rà soát kiểm tra, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và thực hiện chức năng cơ quan đầu mối về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù được thực hiện tốt (đã xử lý 42 yêu cầu dẫn độ, chuyển giao người kết án phạt tù, tăng 27 yêu cầu so với năm 2021).
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong và ngoài ngành trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân. Tổ chức tốt công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong CAND làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và số hóa các biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong CAND. Chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ ban hành kịp thời các băn bản chỉ đạo để định hướng cho Công an các đơn vị, địa phương tạo sự chuyển biến đồng bộ, có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trong toàn lực lượng Công an ( số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an được phân cấp đạt tỷ lệ 24,73%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao 20%). Đội ngũ cán bộ được bổ sung, nâng cao chất lượng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, chiến sĩ Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp trong việc hoàn thành khối lượng công việc lớn, ý nghĩa năm 2022. Cùng với đó, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh một số nội dung. Cụ thể, cần quán triệt trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đồng thời lan tỏa tầm quan trọng, vị trí của công tác xây dựng pháp luật. Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ chung không chỉ riêng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, và đặt trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương. Xây dựng pháp luật tập trung thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu, ngay từ đầu năm 2023, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cần triển khai tổ chức hội nghị chuyên đề xây dựng pháp luật, huy động sức mạnh của toàn bộ cấp ủy, địa phương vào công tác xây dựng pháp luật, cụ thể hóa công tác xây dựng pháp luật cho từng đơn vị, địa phương năm 2023. Đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật thông qua việc tăng cường các hội thảo khoa học cấp bộ, cấp cơ sở đối với từng dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; trưng cầu ý kiến các chuyên gia. Trong hội đồng thẩm định các dự án luật, cần phải có các chuyên gia tham gia đồng thời tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan soạn thảo và có kế hoạch truyền thông kịp thời.
Nguồn: Báo CAND