1.Tôi thực sự bất ngờ khi bước vào phòng làm việc của Công an xã Thượng Long, huyện Yên Lập. Đó chỉ là căn phòng rộng khoảng 20m2 ở đầu hồi trong dãy nhà cấp bốn cũ kỹ, mái lợp Proximăng nằm phía sau trụ sở UBND xã Thượng Long. Không những thế, ở cửa căn phòng ấy vẫn còn nguyên tấm biển: "Thường trực Hội người cao tuổi"; trên 4 bức tường trong căn phòng này vẫn treo kín các loại bằng khen, giấy khen của Hội Người cao tuổi xã.
Thấy tôi ngạc nhiên, Trung úy Nguyễn Tuấn Vũ, Phó trưởng Công an xã phụ trách Công an xã Thượng Long, bảo rằng đây là nơi ngồi nhờ, vì Công an xã được giao 1 phòng ở dãy nhà phía trước nhưng vì chật chội quá, không đủ chỗ cho 5 anh em làm việc nên Hội Người cao tuổi của xã cho mượn thêm căn phòng này để có chỗ tiếp dân. Để có chỗ nấu cơm, khi anh em về nhận nhiệm vụ, UBND xã cho cơi nới thêm bằng cách quây tôn 1 gian rộng chừng 10m2 ngay phía sau căn phòng này để làm bếp.
|
Công an xã Quang Húc, huyện Tam Nông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
|
Chỉ hai cái giường sắt kê ở góc phòng, Trung úy Vũ bảo đấy là của anh em Công an xã bán chuyên trách để lại cho, tài sản đáng giá nhất trong căn phòng này ngoài mấy cái tủ sắt chuyên dụng đựng hồ sơ, có lẽ là chiếc điều hòa nhiệt độ anh em góp tiền mua khi về nhận trụ sở và chiếc tivi mới được Công an tỉnh cấp hồi đầu tháng 9 vừa rồi. Hàng tháng, Ủy ban xã vẫn "bao" cho tiền điện, nước sinh hoạt.
Tôi ngó quanh căn phòng đi mượn này mà không khỏi ái ngại vì nhà… cũ quá. Dãy nhà này xây từ năm 1974. Ngày xưa, làm nhà chỉ có tường gạch xây bằng vữa vôi cát chứ lấy đâu ra vữa xi măng như bây giờ. Sau mấy chục năm dãi dầu mưa nắng, giờ đây cả dãy nhà đều đã xuống cấp, mưa là ngấm dột. Mới tháng 6 vừa rồi, trong một trận mưa lại có gió mạnh khiến dãy nhà này tốc cả mái.
Vì thế trong căn phòng này, cả trần nhà và bốn bức tường chỗ nào cũng thấy ố mốc, thậm chí trên trần còn chằng chịt những vết mốc xanh. Ở chỗ giường nằm, anh em phải căng thêm cái bạt nilon cho đỡ bụi. Sau lần nhà tốc mái, bây giờ cứ mưa to là mấy anh em lại gói ghém hồ sơ sổ sách cho vào tủ rồi sang trụ sở ủy ban ngồi nhờ cho an toàn. Theo kế hoạch thì UBND xã sẽ bố trí một địa điểm khác cho Công an xã làm trụ sở, nhưng trong lúc chờ đợi thì cứ đành ở tạm thế đã.
Cũng như Công an xã Thượng Long, trụ sở Công an xã Quang Húc, huyện Tam Nông, cũng chỉ là 3 căn phòng trong dãy nhà cấp bốn, mái lợp bằng tấm lợp Proximăng cũ kỹ, nằm chênh vênh bên bờ sông Bứa, bên hông trụ sở UBND xã Quang Húc. Dãy nhà này cũng đã xây từ cách đây mấy chục năm, vốn là trụ sở của Hợp tác xã nông nghiệp.
Sau này dùng làm trụ sở của Hội Phụ nữ và Quân sự và Công an. Khi anh em Công an chính quy về, để có nơi ăn nghỉ, làm việc vì cả 5 người nhà đều ở xa, UBND xã cải tạo thêm cho một gian làm nhà bếp. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tá Hoàng Văn Khải, Trưởng Công an xã, bảo rằng từ tháng 3-2020 tới giờ, dãy nhà này đã 2 lần… tốc mái.
Để cho đỡ bụi và có thể lắp được điều hòa nhiệt độ, sau khi lợp lại mái, các anh phải "gia cố" thêm lớp trần bạt cho kín chứ không thì lắp điều hòa cũng bay hết hơi mát. Dù đã sửa chữa, gia cố nhưng vì nhà cũ quá nên bây giờ mỗi khi có mưa to là anh em chỉ lo nhà lại tốc mái.
|
Phòng làm việc đi mượn của Công an xã Thượng Long, huyện Yên Lập.
|
Nhưng chuyện khó khăn về trụ sở làm việc của Công an xã cũng đang là khó khăn chung vì hầu hết Công an xã ở Phú Thọ đều chưa có trụ sở làm việc riêng. Kinh phí của địa phương eo hẹp, không những thế việc quy hoạch đất làm trụ sở cho Công an xã cũng chưa có nên tất cả vẫn cứ chấp nhận ở tạm, khắc phục khó khăn để làm việc.
2.Dù làm việc trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, nhưng từ khi được bố trí về xã, lực lượng Công an chính quy đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh, phức tạp về an ninh trật tự. Do nắm chắc địa bàn mà đã có những vụ án được khám phá trong thời gian rất nhanh. Ngày 23-4-2020 Công an xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, nhận thông tin về việc cháu ngoại ông Hà Khắc Ch, ở khu 4 tử vong ở Việt Trì đưa về quê an táng. Theo gia đình thì cháu bé bị ngã cầu thang tại nhà 1 người quen ở TP. Việt Trì.
Mặc dù cháu đã được cấp cứu ở bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Tiếp nhận thông tin, bằng linh cảm nghề nghiệp, Thiếu tá Bùi Bá Tuyên, Trưởng Công an xã Chí Tiên, một mặt báo cáo nhanh thông tin về vụ việc và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, đồng thời trao đổi với gia đình cho hoãn thời gian tổ chức đám tang. Ngay trong đêm đó, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng có mặt để tiến hành khám nghiệm tử thi. Từ đây, một vụ án giết người hết sức thương tâm đã được cơ quan Công an làm rõ, mà thủ phạm không ai khác chính là nhân tình của mẹ đẻ cháu bé…
Nhưng đó chỉ là một trong những vụ án được phát hiện nhờ công tác nắm địa bàn của lực lượng Công an xã. Theo thống kê của Công an tỉnh Phú Thọ, 6 tháng đầu năm 2020, tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh đã giảm 10,59%; tình hình an ninh nông thôn và các vụ việc phát sinh tại cơ sở được phát hiện và giải quyết kịp thời; nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội đã được lực lượng Công an xã kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của công an tỉnh, công an huyện đấu tranh triệt phá.
Ngoài đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, một công việc khiến anh em Công an xã mất rất nhiều thời gian là thu thập dữ liệu về dân cư. Hôm chúng tôi đến Công an xã Thượng Long, dù đã cuối giờ chiều nhưng cả mấy anh em Công an xã vẫn đang tất bật bên những chồng hồ sơ. Trung úy Vũ bảo rằng thời điểm này anh em đang phải "vắt chân lên cổ" để thu thập cơ sở dữ liệu về dân cư vì ngày 31-10 phải hoàn tất.
Xã Thượng Long có 13 thôn, thôn xa nhất cách trung tâm xã 6km. Xã có 6.600 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Giao và dân tộc Mường. Nếu ở thành phố thì việc thu thập thông tin dân cư khá đơn giản, nhưng ở địa bàn này, việc thu thập thông tin về dân cư lại mất rất nhiều thời gian. Phong tục của người dân tộc ở đây đàn ông khi lấy vợ sẽ ở rể và sẽ đổi theo họ vợ, vì thế có những người trong giấy khai sinh một họ, nhưng trong các giấy tờ khác lại có họ khác. Cũng do trước kia việc lưu hồ sơ không chặt chẽ nên phần lớn những người sinh năm 1970 trở về trước đều không có hồ sơ gốc để đối chiếu…
Chỉ những chồng hồ sơ để kín trên bàn, Trung úy Vũ bảo đó là phiếu thu thập thông tin dân cư và phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư mà anh em đang phải đối chiếu, chỉnh sửa cho phù hợp thực tế. "Anh cứ hình dung mỗi người sẽ có 1 phiếu thu thập dân cư để khai thông tin. Nhưng có gia đình có tới 10 người mà trong số đó có người sửa thông tin cá nhân từ dân tộc Kinh sang dân tộc Mường, có người cải sửa số chứng minh thư nhân dân. Tất cả những thay đổi ấy Công an xã đều phải rà soát, đối chiếu cho đúng rồi mới cập nhật chính thức, vì thế nên rất mất thời gian".
|
Trụ sở làm việc của Công an xã Quang Húc nằm ngay bên bờ sông Bứa.
|
3.Nhớ lúc nói chuyện với Trung tá Hoàng Văn Khải, Trưởng Công an xã Quang Húc, nghe tôi hỏi công việc ở xã có khác biệt nhiều so với ở đội nghiệp vụ Công an huyện không, anh Khải cười bảo rằng: "Khi còn là Đội phó Đội Thi hành án Công an huyện Tam Nông thì chỉ phải lo một mảng việc, về xã là phải làm tất, ngoài công việc chuyên môn của Công an ra còn phải phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức ở xã, vì thế nên có những việc cứ phải vừa làm vừa học". Từ khi về xã, do làm tốt công tác nắm địa bàn nên khi phát hiện có tình trạng cờ bạc, Công xã đã phát hiện và bắt ngay, nên trong xã không còn vấn đề về an ninh trật tự nữa.
Anh Khải bảo rằng so với khi ở Công an huyện, dù công việc nhiều hơn nhưng cả mấy anh em giờ đều đã quen việc và yên tâm công tác; chính quyền địa phương ghi nhận nên trong Đại hội Đảng bộ xã, anh Khải được tới 99% số phiếu bầu vào Thường vụ Đảng ủy xã. Nhưng không chỉ riêng anh Khải, qua kỳ đại hội Đảng bộ các xã, hầu hết các Trưởng Công an xã đều đạt tỷ lệ phiếu bầu rất cao vào Thường vụ Đảng ủy xã, điều đó thể hiện sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở với lực lượng Công an.
Theo lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Phú Thọ, để có được kết quả ban đầu rất tốt hiện nay là do Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã ưu tiên lựa chọn các đồng chí có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng dân vận để bố trí đảm nhiệm về Công an các xã, thị trấn.
Đặc biệt, để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này, Công an tỉnh phối hợp với các học viện, trường CAND tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đồng chí Công an chính quy được tăng cường về xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lớp bồi dưỡng đã giúp cho các đồng chí nắm vững những kiến thức cơ bản về pháp luật, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể ở cơ sở.
Sau khi đề án được triển khai, đã có hàng trăm đoàn viên thanh niên ưu tú thuộc các phòng Công an tỉnh và Công an các huyện, thành, thị tình nguyện viết đơn đăng ký về công tác tại địa bàn các xã, thị trấn. Vì vậy các đồng chí được bố trí về các xã, thị trấn đã nhanh chóng bám địa bàn cơ sở, tăng cường quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, từ đó chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhiều giải pháp nhằm góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Trích nguồn: Báo CAND