Một trong những điểm nhấn quan trọng để có thành công đó chính là sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành trong việc đảm bảo ANTT ở địa phương.
1. Để một mô hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả thiết thực; được cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ủng hộ thật không đơn giản, nhớ lại những ngày đầu triển khai 2 mô hình “Rà soát tình hình ANTT tại thôn, cụm dân cư hằng tháng” và “Xã, thị trấn an toàn về an ninh nông thôn”, các cán bộ làm công tác phong trào đã gắn bó với Công an huyện Thanh Trì hàng chục năm vẫn còn nhớ mãi.
Cũng như các huyện ngoại thành của Hà Nội, vào những năm đầu của thập kỷ 20, Thanh Trì có hàng trăm dự án công trình trọng điểm về giao thông, đô thị, khu công nghiệp; dự án đấu giá quyền sử dụng đất và hàng trăm hecta đất nông nghiệp phải thu hồi. Cùng với đó là cơn lốc đô thị hóa, số người từ tỉnh ngoài về cư trú, tạm trú, làm việc.., các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT, hoạt động của tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Những vấn đề đó đã tác động không nhỏ đến tình hình ANTT trên địa bàn.
|
Công an huyện Thanh Trì bàn giao cháu bé bị bắt cóc cho gia đình.
|
Nếu lực lượng Công an “đơn thương, độc mã” thì không thể góp phần làm giảm tình hình tội phạm, đó là những điều mà Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an (thời điểm đó đang là Trưởng Công an huyện Thanh Trì) trăn trở. Từ thực tiễn tại địa bàn cho thấy cần có một mô hình phù hợp với tình hình địa bàn; huy động được sự vào cuộc của cấp ủy và chính quyền địa phương; sự phối hợp của nhân dân; phát huy được vai trò của cán bộ cơ sở vào công tác đảm bảo ANTT ở địa phương. Từ đó, lực lượng Công an không phải “đơn thương, độc mã” trong công tác đảm bảo ANTT.
Từ trăn trở của người đứng đầu Công an huyện khi đó, tháng 3-2005, Công an huyện Thanh Trì đã báo cáo Công an TP Hà Nội đăng ký triển khai chuyên đề “Nâng cao chất lượng rà soát tình hình liên quan đến ANTT tại các thôn hằng tháng”. Sau khi được Công an TP đồng ý, đơn vị đã báo cáo Huyện ủy, UBND chỉ đạo thực hiện chuyên đề; tham mưu cho Ban chỉ đạo 197 huyện có công văn gửi Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo và tổ chức rà soát. Trên cơ sở xác định mục đích, yêu cầu, nội dung của buổi rà soát cần đạt được, Công an huyện đã xây dựng quy trình, nội dung tổ chức rà soát thống nhất trong toàn huyện. Hằng năm, Ban Chỉ đạo 138 huyện đều xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện chuyên đề tại các xã, thị trấn gắn với công tác đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trong các buổi họp này, ngoài việc kiểm điểm, đánh giá kết quả các công việc thực hiện trong các buổi rà soát trước, những việc chưa làm được để tìm ra nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện còn động viên các thành phần tham gia gồm: Công an huyện, các xã gồm đại diện Ban Chỉ huy Công an xã, Bí thư chi bộ, Trưởng, Phó thôn và Công an viên, cán bộ các ngành, đoàn thể, đại diện nhân dân..., tham gia rà soát, phát hiện, cung cấp các tình hình liên quan dến ANTT, hoạt động của các loại đối tượng, các vấn đề bức xúc trong nội bộ nhân dân... Quá trình triển khai thực hiện, hiệu quả của mô hình đã được phát huy và duy trì đến hiện nay.
2. Thời điểm đó, tình hình ANTT cơ bản ổn định nhưng an ninh nông thôn lại tiềm ẩn phức tạp. Điển hình là các vụ khiếu kiện vượt cấp; những phức tạp trong quá trình giải phóng mặt bằng... Một số cán bộ thôn, xóm vi phạm các nguyên tắc về tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, đi ngược lại chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vào thời điểm đó, chưa có Công an xã chính quy, Công an xã bán chuyên trách nắm toàn diện tình hình địa bàn.
Muốn đảm bảo ANTT phải thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Bởi ở một số nơi, chính quyền đã buông lỏng, coi đó là trách nhiệm của lực lượng Công an, các ngành, đoàn thể chưa tham gia tích cực. Để tăng cường hơn nữa và có chiến lược dài hơi, biện pháp đồng bộ để chấm dứt, ổn định tình hình tháng 7-2007, chuyên đề xây dựng “Xã, thị trấn an ninh nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Trì” đã được ra đời.
Năm 2008, trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp thành phố Những giải pháp xây dựng “Xã, thị trấn an toàn về an ninh nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Trì trong điều kiện hiện nay” lúc đó do Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc làm chủ nhiệm, quá trình xây dựng mô hình, chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm mô hình tại xã Tân Triều và đã thu được kết quả quan trọng bước đầu. Nhằm phát huy tác dụng, hiệu quả của mô hình, Công an huyện Thanh Trì đã tham mưu cho Huyện ủy, ban hành Chỉ thị số 12/CT-HU ngày 6-8-2007 về việc lãnh đạo thực hiện chuyên đề...
Một cuốn sách đã được phát hành về các giải pháp xây dựng xã, an toàn, về an ninh nông thôn. Từ đó đến nay, mô hình được duy trì hằng năm và mang lại những kết quả quan trọng.
Những con số biết nói đã thể hiện rõ nét kết quả thực hiện chuyên đề. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Trì, chuyên đề “Rà soát tình hình an ninh, trật tự tại thôn, cụm dân cư hàng tháng” được tổ chức thực hiện bài bản, thường xuyên. Đội ngũ cán bộ cơ sở thôn, tổ dân phố, cụm dân cư đã tổ chức thực hiện chuyên đề hiệu quả. Hàng tháng, duy trì tổ chức các buổi rà soát với hơn 95 nghìn lượt đại biểu tham gia. Từ đó, tạo thành phong trào mạnh mẽ, khí thế sôi nổi của cán bộ, nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực cung cấp hơn 12 nghìn thông tin về những vấn đề liên quan đến ANTT, đời sống dân sinh, công tác quản lý Nhà nước của cấp chính quyền.
|
Công an huyện Thanh Trì tổ chức buổi “Rà soát tình hình ANTT tại thôn 3, xã Vạn Phúc”.
|
Thông qua các thông tin thu được, Công an huyện đã nắm chắc tình hình, tổ chức xác minh, đồng thời tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn giải quyết có hiệu quả, không để phát sinh tình hình phức tạp... Chỉ riêng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, thông qua nguồn tin do cán bộ, nhân dân cung cấp tại các buổi rà soát, Công an huyện đã bắt giữ, xử lý 720 vụ vi phạm pháp luật hình sự; 104 vụ việc vi phạm về kinh tế, môi trường...
Điển hình qua rà soát tình hình ANTT tại khu vực Cầu Bươu được cán bộ, nhân dân phản ánh tình trạng hoạt động mua bán trái phép chất ma túy tại một khu vực trên địa bàn, Công an huyện Thanh Trì đã xây dựng kết hoạch triệt phá, đến nay tình hình đã ổn định. Ngoài ra, đã vận động trên 40 đối tượng có quyết định truy nã, trốn thi hành án ra đầu thú; giúp cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng giải quyết gần 5.000 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Cùng với thông tin về phòng, chống tội phạm là việc xử lý các thông tin phục vụ công tác của chính quyền các cấp trong quản lý Nhà nước; các thông tin phục vụ công tác xây dựng lực lượng CAND.
Trong quá trình tổ chức rà soát tình hình ANTT tại thôn, cụm dân cư hằng tháng, Công an huyện đã chủ động đưa nội dung góp ý kiến của cán bộ cơ sở và nhân dân... đối với lực lượng Công an, nhất là về tư thế, lễ tiết, tác phong, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân. Thông qua thực hiện chuyên đề đã giúp CBCS nâng cao bản lĩnh chính trị, hiểu biết về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ý thức pháp luật. Trong 10 năm qua, số cán bộ trưởng thành từ công tác cơ sở được bổ nhiệm giữ các chức vụ không ngừng tăng lên.
Chuyên đề xây dựng “Xã, thị trấn an toàn về an ninh nông thôn” cũng phát huy hiệu quả rõ nét. Trong hơn 10 năm thực hiện chuyên đề, chính quyền các xã, thị trấn không ngừng được kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu lực quản lý. Đồng thời, củng cố và phát huy vai trò của các ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đội ngũ cán bộ cấp xã trong sạch, có trình độ đạt chuẩn; phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị xã hội nòng cốt các xã, thị trấn trong đảm bảo ANTT và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân đã góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trích nguồn: Báo CAND