Theo Thượng tá Phạm Bá Duy, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La, năm nay là năm có số lượng phạm nhân được đặc xá đông nhất từ trước tới nay và có thể thấy đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta.
Từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 9 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 92.000 phạm nhân. Trong những năm qua, Trại tạm giam Công an tỉnh đã luôn luôn chú trọng đến việc giáo dục và cải tạo phạm nhân, giúp họ nhận ra sai lầm và có định hướng đúng đắn khi trở về với xã hội. Đặc biệt, các phạm nhân được đặc xá lần này đều đã trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt về sự cải tạo tiến bộ và ý thức chấp hành pháp luật.
Về công tác đặc xá năm 2024, Thượng tá Phạm Bá Duy, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La cho hay, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến cho phạm nhân hiểu rõ đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN ngày 30/7/2024 của Chủ tịch nước, Trại tạm giam Công an tỉnh đã hướng dẫn cho phạm nhân có đủ điều kiện viết đơn đề nghị đặc xá trước khi tổ chức cuộc họp các tổ, đội phạm nhân bình xét, bỏ phiếu giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện để hội đồng trại giam thẩm định, lập hồ sơ trình Hội đồng Tư vấn đặc xá thẩm tra, xét duyệt. Tất cả đều đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng và minh bạch.
Tiểu ban chỉ đạo về công tác đặc xá của Công an tỉnh đã phân công các thành viên khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục trong việc đặc xá đối với từng trường hợp theo danh sách đề nghị xét không để xảy ra sai sót. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã trực tiếp kiểm sát việc thực hiện công tác đặc xá tại Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh; Công an tỉnh đã báo cáo tổ thẩm định liên ngành thuộc Hội đồng tư vấn đặc xá về thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá năm 2024.
Năm nay, tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La có 9 phạm nhân được đề nghị đặc xá. Phạm nhân Nguyễn Thị Huệ (SN1963, trú tại huyện Mai Sơn, Sơn La) là một trong số những phạm nhân được đặc xá lần này. Phạm nhân Huệ cho biết: Chị phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và bị tuyên phạt 20 tháng tù. Ước mơ trở về với gia đình nay đã trở thành hiện thực khi được đặc xá dịp này.
“Tôi cảm thấy vô cùng ân hận và xấu hổ, sau nhiều tháng chấp hành án tại đây tôi mới thấy rằng, bản thân mình có lỗi với xã hội một thì có lỗi với gia đình hàng trăm, hàng nghìn lần, nhưng chính gia đình và mọi người trong Trại đã giúp tôi cần nỗ lực cải tạo để sớm trở về với gia đình, với xã hội. Từng là cán bộ cơ quan Nhà nước nên thời điểm đầu khi bị bắt, bản thân tôi cũng thấy buồn, mặc cảm nhưng rồi các cán bộ trong Trại lúc nào cũng động viên, các chị em trong buồng tâm sự, chia sẻ thì tôi cũng luôn đặt ra mục tiêu cao nhất là cố gắng để sớm được khoan hồng” – Phạm nhân Huệ cho biết.
Đối với những phạm nhân chưa đủ tiêu chuẩn được đề nghị đặc xá lần này, Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La cũng tuyên truyền, giáo dục giúp họ hiểu hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó yên tâm cải tạo, cố gắng phấn đấu lao động, học tập, chấp hành tốt nội quy trại giam để sớm được trở về với gia đình và hòa nhập cùng xã hội. Phạm nhân T.T.T (Trú tại Tổ 5, phường Chiềng Lề, TP Sơn La) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị tuyên án 5 năm tù, chị đã chấp hành án được 19 tháng tù. “Khi thấy các phạm nhân khác được đặc xá, đây cũng là động lực để tôi nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, để những đợt sau mình cũng thuộc diện được đặc xá, trở về với con mình”- Chị T.cho biết.
Công tác đặc xá đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Về kinh tế, việc đặc xá tha tù trước thời hạn góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, giảm áp lực cho các trại giam, tạo điều kiện cho các trại giam nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng.
Nguồn: Báo CAND