Thứ Sáu, 18/7/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
“Địa chỉ đỏ” lưu giữ, tôn vinh truyền thống anh hùng của lực lượng CAND

Với những giá trị lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa tiêu biểu của mình, khu Di tích lịch sử, văn hóa căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho lực lượng CAND và giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.

trung1.jpg -0
Thiếu tướng Vũ Như Hà, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh ghi cảm tưởng tại Bảo tàng CAND.

Sau phong trào đồng khởi năm 1960, chính quyền cơ sở của địch ở nhiều nơi bị tan rã, lực lượng vũ trang cách mạng được thành lập. Trong hoàn cảnh ấy, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng, đảm bảo khối đại đoàn kết dân tộc đặt ra yêu cầu phải có một tổ chức An ninh. Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam Bộ, tháng 7/1960, Ban bảo vệ An ninh Xứ ủy được thành lập tại căn cứ Chàng Riệc (Tây Ninh) với ký hiệu C93B do đồng chí Phạm Thái Bường, Xứ ủy viên phụ trách làm Trưởng ban; đồng chí Cao Đăng Chiếm làm Phó trưởng ban.

Đến tháng 8/1962, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam quyết định đổi tên Ban bảo vệ An ninh Xứ ủy thành Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam làm Trưởng ban; đồng chí Cao Đăng Chiếm làm Phó trưởng ban. Đây là cơ quan thường trực của Bộ Công an tại chiến trường miền Nam trực thuộc Trung ương Cục trực tiếp tổ chức và lãnh đạo lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật, an toàn tuyệt đối các cơ quan trực thuộc Trung ương Cục; vừa trực tiếp đánh địch tại chiến trường, vừa cài cắm luồn sâu trong hàng ngũ của địch nhằm cung cấp cho lãnh đạo những tài liệu phục vụ hoạch định chiến lược, chiến dịch và đề ra chủ trương chỉ đạo chiến tranh giải phóng miền Nam.

Các chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã cung cấp, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang và phong trào quần chúng chọn đúng thời điểm, thời cơ, mục tiêu chiến đấu tiến công địch bảo vệ cơ sở cách mạng, giữ vững vùng giải phóng.

Dù chiến đấu công khai hay thầm lặng, các chiến sĩ an ninh luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân, với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Trong khói lửa đạn bom của kẻ thù, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo lực lượng An ninh toàn miền Nam nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí quật cường, dũng cảm, mưu trí, vượt qua biết bao khó khăn, chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực phản cách mạng đồng thời cùng với quân và nhân dân miền Nam chống các trận càn quét, bảo vệ an toàn các cơ quan, ban, ngành Trung ương Cục miền Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong quá trình chiến đấu gian khổ, ác liệt có trên 670 CBCS của các tiểu ban thuộc Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã anh dũng hy sinh; nhiều đồng chí bị thương tật và còn nhiều đồng chí chiến đấu đơn tuyến đã lặng lẽ hy sinh trở thành những chiến sĩ vô danh tô thắm thêm những trang sử vàng truyền thống của lực lượng CAND. Với những chiến công đó, Nhà nước đã tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 tập thể và 2 cá nhân của các tiểu ban thuộc Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Từ khi thành lập (tháng 7/1960) cho đến khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử ngày 30/4/1975, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam phải cơ động, di chuyển nơi trú đóng quân đến 8 địa điểm khác nhau. Cuối năm 1972, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đóng quân tại Bảy Bàu, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cho đến ngày giải phóng 30/4/1975. Đây là địa điểm cuối cùng được Bộ Công an giữ gìn, tôn tạo thành di tích lịch sử, được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia để tôn vinh, lưu lại những chiến tích về cuộc chiến đấu ngoan cường, gương hy sinh quả cảm của CBCS CAND một thời đánh Mỹ oanh liệt, hào hùng, nơi giáo dục truyền thống cho lực lượng CAND.

Hiện nay, Khu di tích lịch sử và văn hóa căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là chỉnh thể kiến trúc khép kín mang tính thẩm mỹ và giáo dục cao. Những công trình chính tại khu di tích, gồm: Nhà làm việc các đồng chí lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, hội trường, nhà bảo vệ, nhà nghiên cứu tổng hợp, bếp Hoàng Cầm, hầm chữ A, hệ thống giao thông hào; quần thể tượng đài bảo vệ ANTQ, phù điêu lịch sử lực lượng CAND và bia ghi danh các liệt sĩ CAND; Nhà bảo tàng CAND tại khu di tích Ban An ninh Trung ương cục miền Nam với 448 hiện vật; khu tượng đài đồng chí Phạm Hùng, phù điêu 6 điều Bác Hồ dạy CAND; Nhà trưng bày 70 hiện vật về cố Bộ trưởng Phạm Hùng; Nhà bia tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tây Ninh đồi 82; 40 Nhà bia truyền thống của các Tổng cục và Công an các tỉnh, thành phía Nam (từ Quảng trị đến Cà Mau).

Hàng năm, vào các ngày lễ lớn, Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành và các sở, ban, ngành đều tổ chức cho CBCS về nguồn để tìm hiểu thêm về những chiến công, sự mất mát hy sinh của người đi trước, để thấy mình lớn thêm hơn, nâng cao trách nhiệm với lịch sử dân tộc, với truyền thống lực lượng CAND. Từ đó, lực lượng CAND tiếp tục không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân,  kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm đảm bảo vững chắc an ninh chính trị của đất nước.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi