Thứ Hai, 12/5/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Dấu ấn của Bộ Công an trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chủ động từ nhận diện, phát hiện đến tấn công, xử lý

Ngay từ đầu năm 2024, Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch công tác chuyên đề, đồng thời chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm trong quản lý kinh tế, đấu thầu, đầu tư công, tài chính - ngân sách, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản…

Dấu ấn của Bộ Công an trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực -0
Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp ngày 13/11/2024.

Từ ngày 15/9/2024 đến 14/4/2025, lực lượng Công an toàn quốc đã phát hiện và xử lý 512 vụ với 1.057 người phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Đây là kết quả có ý nghĩa cảnh báo và răn đe rất cao, cho thấy sự quyết liệt trong chuyển hướng từ bị động sang chủ động đấu tranh.

Cùng thời gian, lực lượng Công an cũng đã phát hiện 2.847 vụ/4.822 cá nhân và tổ chức vi phạm về trật tự quản lý kinh tế, khởi tố 1.411 vụ hàng cấm, 75 vụ hàng giả, 110 vụ trốn thuế, với số tiền thất thoát ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Công an không chỉ dừng ở việc xử lý hành vi phạm pháp mà còn tham mưu hoàn thiện thể chế, tăng cường minh bạch hóa hoạt động quản lý, hạn chế tối đa các “lỗ hổng” về pháp lý và cơ chế dễ bị lợi dụng để tham nhũng.

Nhiều vụ án lớn được điều tra, xử lý nghiêm minh

Giai đoạn 2024-2025 đánh dấu nhiều chuyên án lớn được Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý quyết liệt, trong đó có các vụ sai phạm tại những địa bàn, lĩnh vực vốn được coi là “nhạy cảm”, liên quan đến những người có chức vụ cao. Tiêu biểu là vụ án tại tỉnh Khánh Hòa, nơi nhiều cán bộ lãnh đạo sở, ngành bị khởi tố vì hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng trong các dự án đô thị, du lịch.

Vụ việc tại Bình Dương là một điển hình, với hàng chục đối tượng bị khởi tố vì lập các hợp đồng liên doanh, liên kết “ảo” để rút ruột ngân sách thông qua đầu tư công. Trong lĩnh vực y tế, các vụ án nâng khống giá thiết bị, vật tư tiếp tục bị điều tra mở rộng. Một số giám đốc bệnh viện tuyến Trung ương đã bị khởi tố, trong đó có những người từng giữ chức vụ cao trong ngành. Vụ án không chỉ bóc trần thủ đoạn lợi dụng đại dịch, mà còn cho thấy sự tha hóa quyền lực khi các nguyên tắc quản lý bị phá vỡ vì lợi ích cá nhân, nhóm.

Đặc biệt, Bộ Công an đã kịp thời phát hiện và triệt phá nhiều vụ rửa tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các nền tảng tài chính số, giao dịch tiền ảo, đa cấp biến tướng, với số lượng người bị hại lên đến hàng chục nghìn, tổng thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Các chuyên án này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong đấu tranh với các dạng tham nhũng “phi truyền thống”, gắn với không gian mạng, xuyên biên giới, rất khó phát hiện nếu không có năng lực điều tra chuyên sâu và sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Điểm sáng nổi bật trong công tác chỉ đạo của Bộ Công an là sự nghiêm minh, khách quan, xử lý không né tránh kể cả đối với cán bộ trong ngành vi phạm. Một số cán bộ cấp cao trong lực lượng Công an khi có dấu hiệu vi phạm đã bị điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật. Điều đó thể hiện tinh thần “tự soi, tự sửa”, làm gương của lực lượng thi hành pháp luật trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Không chống được tham nhũng trong lực lượng thực thi pháp luật thì không thể nói đến chống tham nhũng ngoài xã hội. Phải nghiêm từ bên trong, trong sạch từ chính những người cầm cân nảy mực”.

Thông điệp ấy đã được cụ thể hóa mạnh mẽ trong chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Công an. Như Đại tướng, Bộ trưởng Lương Tam Quang từng khẳng định: “Phòng, chống tham nhũng không chỉ là trừng trị, mà quan trọng hơn là làm cho cơ chế quản lý không còn kẽ hở, làm cho cán bộ không dám, không thể, không muốn tham nhũng”.

Dấu ấn của Bộ Công an trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực -0
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái xây dựng phương án điều tra, bắt giữ đối tượng phạm tội.

Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và răn đe

Công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Công an không chỉ dừng lại ở việc phát hiện và xử lý, mà đặc biệt chú trọng đến phòng ngừa từ xa, từ sớm. Nhiều chương trình phối hợp giữa Bộ Công an với các cơ quan Trung ương, các tổ chức tài chính, ngành ngân hàng, thanh tra, kiểm toán đã được triển khai nhằm kiểm soát rủi ro, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường trong luân chuyển cán bộ, đấu thầu, chuyển nhượng tài sản công…

Đồng thời, Bộ Công an cũng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai hàng nghìn buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, công chức và toàn xã hội. Việc ngăn chặn hơn 17.000 trang web, tài khoản mạng xã hội vi phạm pháp luật cũng là một nỗ lực lớn trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng để công kích, lôi kéo, rửa tiền hoặc gây rối trật tự công cộng, tạo điều kiện phát sinh hành vi tiêu cực.

Lan tỏa niềm tin - xây dựng nền hành chính công liêm chính.

Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Bộ Công an đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, thể hiện rõ vai trò chủ công, xung kích trong việc bảo vệ công lý và kỷ cương pháp luật. Những con số biết nói, những vụ án điểm được xử lý nghiêm minh, những cá nhân có chức vụ bị đưa ra ánh sáng… chính là minh chứng thuyết phục cho tinh thần “lấy dân làm gốc” trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, chấn chỉnh bộ máy Nhà nước.

Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn tiếp diễn lâu dài, gian nan, đòi hỏi sự kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo và bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhưng từ những gì đã đạt được, có thể khẳng định rằng: lực lượng CAND đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vững trận địa, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Đảng trong sạch, Nhà nước liêm chính, xã hội kỷ cương, văn minh.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi