Trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) còn phù hợp với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ trong thời gian qua cũng như yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Điều 9 Luật CSCĐ đã quy định 9 nhóm nhiệm vụ của CSCĐ.
So với Pháp lệnh CSCĐ, Luật CSCĐ đã bổ sung quy định 2 nhóm nhiệm vụ trên thực tế CSCĐ đang thực hiện (tại khoản 5 và khoản 8, Điều 9), cần được luật hóa để đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành.
Tăng cường tính chính quy, thống nhất
Khoản 5, Điều 9 Luật CSCĐ quy định CSCĐ có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong CAND. Thực hiện Đề án của Bộ Công an về tổ chức lại công tác huấn luyện, bồi dưỡng và sắp xếp hệ thống Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ trong CAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Công an các địa phương (trước đây được giao nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ trong CAND của địa phương; huấn luyện, đào tạo về công tác bảo vệ cho các cơ quan, tổ chức ngoài ngành Công an) được tổ chức lại thành đơn vị cấp Đội trực thuộc phòng và không được giao nhiệm vụ nêu trên (trừ các trung tâm thuộc Công an TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đơn vị phòng).
Đối với Bộ Tư lệnh CSCĐ, hiện có 2 trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ là đơn vị cấp phòng, được bổ sung thêm về chức năng, nhiệm vụ và quy mô, đối tượng huấn luyện, đào tạo gồm: Huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, rèn luyện thể chất đối với học viên mới tuyển vào thuộc các học viện, trường CAND; huấn luyện công dân tham gia thực hiện nghĩa vụ trong CAND cho Công an các đơn vị, địa phương; tập huấn điều lệnh, quân sự, võ thuật hàng năm cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Việc tổ chức huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật cho cán bộ, học viên trong CAND nhằm tăng cường tính chính quy, thống nhất trong toàn lực lượng CAND thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CAND cách mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2023.
Bên cạnh đó, nhằm luật hóa nội dung về hoạt động huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương, tại Khoản 5 của Điều 9 đã quy định CSCĐ có nhiệm vụ “tham gia huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật”. Hiện nay, hoạt động huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương đang được quy định tại Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 9/11/2013 của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
Cũng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 của Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013, Bộ Công an được giao chủ trì “tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố”. Căn cứ quy định của Luật Phòng, chống khủng bố, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 38/2021/TT-BCA ngày 9/4/2021, trong đó giao Bộ Tư lệnh CSCĐ trực tiếp tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chống khủng bố cho các cơ quan, đơn vị và Công an tham gia phòng, chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ. Trong đó, Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng về công tác phòng, chống khủng bố; sẵn sàng ứng phó giải quyết các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang, đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm… Do vậy, tại khoản 5 Điều 9 của Luật quy định CSCĐ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng được huy động tham gia chống khủng bố là phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố và thực tế phân công nhiệm vụ của Bộ Công an.
Nhóm nhiệm vụ phối hợp
Khoản 8, Điều 9 của Luật CSCĐ quy định, CSCĐ có nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các lực lượng trong CAND và cơ quan, tổ chức, đơn vị, các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Xuất phát từ chức năng là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, CSCĐ thường xuyên được cấp có thẩm quyền điều động phối hợp, hỗ trợ với các cơ quan, đơn vị, lực lượng có liên quan trong đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm đặc biệt là những chuyên án lớn, phức tạp, đối tượng sử dụng vũ khí nóng, manh động…; phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ…
Do vậy, khoản 8 Điều 9 Luật CSCĐ đã quy định mang tính khái quát về nhóm nhiệm vụ phối hợp. Việc luật hóa các quy định trên nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho CSCĐ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nguồn: Báo CAND