Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo các Cục, đơn vị thuộc Bộ và Công an các tỉnh, thành bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, tập trung nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, cùng chính quyềnđịa phương phòng, chống dịch.
Việc chống dịch thời gian qua rất hiệu quả và được đánh giá rất cao như: Công an Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… nơi xảy ra tâm dịch ở làn sóng thứ 2 thứ 3 vừa qua. Công an cácđịa phương và lực lượng của Bộ tăng cường tập trung thống nhất các giải pháp đồng bộ và cơ bản đã làm tốt được nhiệm vụ giao phó.
|
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
|
Địa bàn phía Nam thời gian vừa qua, tình hình, cấp độ dịch bệnh ở mỗi địa phương tuy khác nhau, nhưng đều có nguy cơ bùng phát với số ca bệnh thường xuyên tăng cao và diễn biến phức tạp. 25 tỉnh, thành phía Nam từ Bình Thuận trở vào có nhiều địa phương là trung tâm kinh tế thương mại của cả nước, tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, tình hình dịch bệnh phức tạp với nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây, gây hậu quả nặng nề.
Hiện TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn một số tỉnh, thành khác cũng đang trong tình trạng dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp. Bộ Công an đã cử Thứ trưởng Lê Quốc Hùng làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương - Bộ Công an cùng với Văn phòng Bộ và các Cục nghiệp vụ, Bệnh viện 30-4, Giám đốc Công an 25 tỉnh, thành phía Nam, từ Bình Thuận trở vào và 5 tỉnh Tây Nguyên, miền Trung tiếp tục triển khai thực hiện thống nhất liên vùng, liên ngành, liên tuyến tạo hiệu ứng tham gia dập dịch hiệu quả nhất. Mục đích của việc này là tập trung khoanh vùng dập dịch sớm, khống chế đợt dịch này đưa các tỉnh phía Nam trở lại cuộc sống bình thường.
Thời gian qua, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, lực lượng các Cục, đơn vị của Bộ cũng như Công an các tỉnh, thành phía Nam đã quán triệt các chủ trương, quyết định của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương, khi phát hiện ca nhiễm, đã cùng với các lực lượng liên quan tổ chức truy vết và triển khai chống dịch với các trường hợp có yếu tố dịch tễ, tổ chức truy vết khoanh vùng cách ly. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện “5K” nơi công cộng; củng cố hồ sơ chứng cứ, xử lý các vi phạm liên quan tới công tác phòng, chống dịch như đưa người nhập cảnh trái phép, đăng tải các thông tin sai sự thật, đảm bảo răn đe và tuyên truyền tới người dân.
Lực lượng Công an cũng phối hợp với các Sở Y tế và chính quyền, lực lượng chức năng đảm bảo an toàn khu cách ly, kiểm soát người, phương tiện ra ngoài tỉnh, thành phố; tham gia các chốt, trạm kiểm tra liên ngành ở các cửa ngõ ra vào, đảm bảo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành.
Ngoài ra, lực lượng Công an cũng tăng cường nắm tình hình, tuyên truyền người dân không quá hoang mang, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh. Tăng cường quản lý, xử lý các trường hợp, vụ việc gây rối trật tự công cộng, cướp giật, xử lý các doanh nghiệp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm an ninh, an toàn nhà tạm giữ, trại giam, trại tạm giam…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã giao công việc, trách nhiệm cụ thể cho từng Cục nghiệp vụ, các đơn vị của Bộ Công an phối hợp với Công an các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã yêu cầu, Công an các tỉnh, thành phải thường xuyên cập nhật các báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh cho Bộ Chỉ huy tiền phương.
Ngoài ra, các tình hình đột xuất, bất ngờ, phải báo cáo bằng các phương tiện thông tin liên lạc nhanh nhất cho Bộ Chỉ huy tiền phương, không cần đợi văn bản. Lãnh đạo Công an các địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ Công an nếu để xảy ra dịch bệnh trong đơn vị. Với tình hình này, các địa phương tuyệt đối không giấu dịch, phải công khai minh bạch và bằng mọi cách thông tin nhanh nhất cho những người có trách nhiệm để chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phải là Trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống dịch của Công an tỉnh, thành, không thể ủy quyền cho cấp phó. Giám đốc Công an tỉnh, thành phải là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước lãnh đạo Bộ Công an.
Công an các tỉnh, thành phía Nam cần phát huy “4 tại chỗ”, chủ động “bịt kín” các đường lây. Lực lượng Công an phải là chủ công tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành để hình thành ngay lực lượng phản ứng nhanh liên ngành và lực lượng Công an đương nhiên phải tham gia vào lực lượng này. Bên cạnh đó, Công an phải sử dụng các biện pháp công nghệ để truy vết, đưa ra các chứng cứ điện tử thuyết phục để người bệnh phải khai báo chi tiết, trung thực lịch trình di chuyển…
Đặc biệt, Công an các tỉnh, thành cần phối hợp với Cục An ninh mạng, Bộ Công an, để xử lý, xóa bỏ các thông tin xấu, độc về tình hình dịch bệnh trên không gian mạng để tránh rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Qua đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, các công nhân hiểu biết việc khi doanh nghiệp có ca mắc COVID-19 thì nên làm gì, phản ứng ra sao để có thể kiểm soát được tình hình.
Hiện nay, các Cục nghiệp vụ cần phải cùng Công an các tỉnh, thành thống nhất hướng dẫn, tiến hành áp dụng luồng xanh cho lưu thông an toàn khi áp dụng Chỉ thị 16 tại các địa phương để thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch, cũng như tạo điều kiện cho các phương tiện, các doanh nghiệp trong công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Việc phòng, chống dịch ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ trên địa bàn các tỉnh, thành phải thực hiện nghiêm ngặt. Phải tiến hành lập các khu sàng lọc, cách ly riêng ngay trong khuôn viên của các cơ sở giam giữ. Tuyệt đối không giải quyết thăm nuôi can phạm, phạm nhân thời gian này…
Nguồn: Báo CAND