Dịch vụ công thiết yếu
Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ và Bộ Công an đưa vào nghị quyết và chương trình công tác hằng năm. Theo đó, Bộ Công an đã chủ động rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Tham mưu cho Đảng, Nhà nước rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các TTHC. Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ để phục vụ CCHC cũng được chú trọng qua việc điều động, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh tinh giản biên chế, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, bồi dưỡng Công an xã chính quy.
Công an phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội phát tờ rơi, hướng dẫn tuyên truyền Đề án 06 tới người dân.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì, tham mưu Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án 06: “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Bộ Công an đã thực hiện thành công triển khai 11/25 dịch vụ công thiết yếu nằm trong nhiệm vụ của Đề án 06. Cụ thể, xác nhận chứng minh nhân dân 9 số đạt tỷ lệ 100% hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Thông báo lưu trú đạt tỷ lệ 96,1% hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân (CCCD) đạt tỷ lệ 8% mức độ 3. Cấp, cấp lại, cấp đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông trực tuyến mức độ 4 đạt 2,2%. Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đạt tỷ lệ 20% mức độ 4.
Kết quả đạt được của Bộ Công an theo các nhóm và ngoài lộ trình Đề án 06 được Chính phủ đánh giá cao. Trong nhóm dịch vụ công phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an đã sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để phục vụ người dân rút tiền tại các cây ATM. Người dân được đảm bảo bảo mật tài khoản ngân hàng. Đảm bảo chủ thẻ mới có thể rút tiền. Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế cho thẻ ngân hàng để rút tiền tại các cây ATM không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí mà còn tiết kiệm nguồn lực cho các ngân hàng trong việc phát hành thẻ và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Bộ Công an, ứng dụng VNEID hiện đã tích hợp các giấy tờ như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký xe, người phụ thuộc, bằng lái xe… Những thông tin phục vụ thông báo lưu trú nhanh chóng, thuận tiện trên ứng dụng, không phải đến Cơ quan Công an. Đây cũng là kênh thông tin giúp cho người dân dễ dàng tố giác tội phạm, phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật khác đến cơ quan chức năng nhanh chóng, thuận tiện, bí mật.
Bộ Công an thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai. Đối với chữ ký số, mỗi người dân được cấp một chữ ký số miễn phí phục vụ giao dịch điện tử đảm bảo an toàn, bảo mật và tin cậy, tạo thuận tiện nhất trên môi trường điện tử, cải cách hành chính.
Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Bộ Công an đang phấn đấu đẩy mạnh 227/227 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về ANTT. Điều này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra yêu cầu cao hơn đối với lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) nói riêng trong việc số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số. Trao đổi về vấn đề này, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, vấn đề số hóa hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh cũng như thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác giải quyết thủ tục hành chính của lực lượng CAND. Tiếp tục nêu cao quan điểm gắn kết cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ, thay vì chỉ tập trung chủ yếu vào áp dụng công nghệ và coi công nghệ là yếu tố quyết định, để hiện đại hóa nền hành chính, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá nỗ lực cải cách của các cơ quan Nhà nước và việc giám sát của người dân, doanh nghiệp để tạo sự công khai, minh bạch.
Cần đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC, tổ chức thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết TTHC sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giai đoạn 2022-2025 để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc mới của Chính phủ. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 06.
Tăng cường việc thực hiện TTHC trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tăng cường sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID trong việc thực hiện các TTHC. Đồng thời, thực hiện đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu và theo thời gian thực tại bộ, ngành, địa phương.
Lắp đặt hơn 7.300 màn hình Led tuyên truyền Đề án 06
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công và các tiện ích của Đề án 06, thời gian qua, đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mỗi người dân thông qua màn hình công cộng, phát tờ rơi, truyền thanh cơ sở… Điển hình, gần 8 tháng (từ tháng 3/2022 đến nay), Cục phối hợp với các đơn vị đã lắp đặt 7.300 màn hình Led tại các khu vui chơi công cộng, sân bay, bến xe, khu chung cư…; nhiều dịch vụ công trong các lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, điện lực, thuế… đã được liên thông.
Bộ Công an tiếp tục tham mưu Chính phủ thành lập tổ công tác triển khai Đề án 06 từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, thôn. Tổ công tác thực hiện tuyên truyền trong các cuộc họp chi bộ, thôn, tổ dân phố, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…
Nguồn: Báo Công an nhân dân