Một trong những dấu ấn nổi bật của lực lượng CAND trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đó là thực hiện quyết liệt Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương với chủ trương đưa Công an chính quy về đảm nhiệm chức danh Công an xã, nhằm xây dựng lực lượng Công an theo 4 cấp, vừa tăng cường hiệu quả cho Công an xã, vừa đáp ứng yêu cầu sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Chủ trương đúng và trúng
Nhắc đến những chuyển biến tích cực về tình hình ANTT tại địa bàn cơ sở có thể kể đến tỉnh Kon Tum. Đây là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc được Bộ Công an chọn thí điểm triển khai chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Những năm gần đây, Kon Tum nổi lên khá nhiều vụ vi phạm pháp luật về hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường.
Trong đó, đáng chú ý là tình trạng một số băng, nhóm tội phạm thực hiện các hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi; tình trạng đào vàng, khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép và hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm qua biên giới…
Với đặc điểm tình hình như vậy, yêu cầu đặt ra quan trọng và hàng đầu đối với lực lượng Công an các cấp khi thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn cơ sở là phải bám dân, bám bản, bám làng, bám cơ sở, làm tốt công tác vận động quần chúng, ổn định đời sống cho người dân cũng như giữ vững ANTT ở cơ sở.
|
Cán bộ Công an xã xuống các bản làng thăm hỏi, tuyên truyền chính sách pháp luật đến người dân.
|
Thực tiễn cho thấy, từ khi triển khai đưa Công an chính quy về xã, lực lượng Công an chính quy đã phát huy được tính chuyên nghiệp trong dự báo, nắm chắc tình hình, xử lý, giải quyết các vụ việc an ninh trật tự nhanh chóng, hiệu quả. Đơn cử như tại xã Hòa Bình, một trong những xã đầu tiên của thành phố Kon Tum triển khai đưa Công an chính quy xuống xã.
Ngay khi Công an chính quy về cơ sở, CBCS đã trực tiếp đến từng hộ dân vừa gặp gỡ nắm tình hình, vừa tranh thủ tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của địa phương. Quá trình làm việc, CBCS tổ chức tuần tra 24/24h để đảm bảo “khi dân cần là Công an có” nên mọi việc được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Còn tại xã Ia Chim, địa bàn có đến 80% là người dân tộc thiểu số, bất đồng về ngôn ngữ chính là một trong những trở ngại đối với Công an chính quy khi về địa bàn. Nhưng khi xuống cơ sở, các CBCS Công an chính quy đã từng bước học tập tiếng của đồng bào, khắc phục những khó khăn ấy, cùng với cấp ủy, chính quyền chủ động giải quyết dứt điểm các vụ việc, không để phát sinh phức tạp, đảm bảo bình yên trong mỗi thôn, xóm, bản làng.
Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn triển khai thí điểm, ANTT tại Ia Chim đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Chuyển biến rõ nhất là tình trạng các đối tượng, ổ nhóm khai thác khoáng sản trái phép; tình trạng công khai hút chích, mua bán ma túy hay tụ tập đánh bạc, rượu chè, càn quấy gây rối tại địa phương đều giảm hẳn. Từ thành công bước đầu và kinh nghiệm triển khai thí điểm của Kon Tum là tiền đề quan trọng để triển khai nhân rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước.
Mỗi địa bàn một kinh nghiệm hay
Nhiều địa phương với cách làm linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế từng địa bàn đã mang lại những hiệu ứng tích cực, tạo nên những tín hiệu vui, lan tỏa từ cơ sở.
Đơn cử như Thủ đô Hà Nội, với 386 xã thuộc 18 huyện, thị ngoại thành, đây là một trong những địa phương sớm hoàn thành bố trí Công an chính quy tại 100% số xã. Có được kết quả đáng mừng trên, phải kể đến sự chủ động cùng cách làm vừa khoa học, vừa linh hoạt, phù hợp thực tế của Công an TP Hà Nội.
Kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, sau khi điều động Công an chính quy xuống xã, để đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng CAND theo Quy định số 192 của Bộ Chính trị về tổ chức Đảng trong CAND, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã báo cáo đề nghị Thường trực Thành ủy có văn bản chỉ đạo Thường trực cấp ủy các cấp sớm thực hiện quy trình bầu, chỉ định vào Đảng ủy và Ban thường vụ Đảng ủy xã đối với các đồng chí Công an chính quy được bố trí giữ chức vụ Trưởng Công an xã; đồng thời thực hiện quy trình để đảm bảo Trưởng Công an xã chính quy được giới thiệu ứng cử tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngoài ra, để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho CBCS được điều động xuống xã, Công an TP Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ, pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống và giao tiếp với nhân dân... đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn đặt ra. Sau một thời gian triển khai, qua nắm bắt tình hình từ cơ sở cho thấy, hiệu quả công tác của Công an xã chính quy khá rõ nét, góp phần bảo đảm ANTT tại khu vực nông thôn rộng lớn của Thủ đô.
Còn với tỉnh Thanh Hóa, một trong những tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất toàn quốc với tổng cộng 525 xã, thị trấn. Đây là một trong những khó khăn, thách thức không nhỏ trong quá trình sắp xếp, bố trí Công an chính quy về xã.
Bởi diện bố trí rộng, số lượng điều động đông và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, bố trí sắp xếp nhiệm vụ mới đối với lực lượng Công an bán chuyên trách, nhất là các đồng chí Trưởng, Phó Trưởng Công an xã bán chuyên trách.
Nhưng với sự tham mưu của Công an tỉnh Thanh Hóa và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến nay, 100% các xã tại Thanh Hóa đã được bố trí Công an chính quy, với tổng cộng gần 2.700 CBCS được điều động về cơ sở. Trong đó, 525 đồng chí đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã đều là những chỉ huy giỏi cấp Phòng và Công an cấp huyện.
Còn với tỉnh Hà Nam, dù là tỉnh có diện tích nhỏ thứ 2 trong toàn quốc, với tổng cộng 89 đơn vị cấp xã. Nhưng Hà Nam lại là tỉnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô và gần đây có tốc độ đô thị hóa rất mạnh. Để kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, nhiệm vụ bảo đảm ANTT là một trong những mặt công tác trọng tâm luôn được tỉnh quan tâm chú trọng.
Bởi vậy, ngay sau khi có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã của Bộ Công an, Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Hà Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc. Với cách làm bài bản, quyết liệt, đến tháng 7/2020, Hà Nam đã hoàn thành đưa Công an chính quy “phủ kín” tất cả địa bàn 89 xã, “về đích” sớm so mục tiêu đã đề ra.
Hiệu quả là bình yên trên các bản, làng
Chủ trương đưa Công an chính quy về xã được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành cả nước chưa lâu, nhưng kết quả đều cho thấy, sau khi được triển khai xuống xã, dù mới đầu gặp không ít khó khăn, vất vả, nhưng các CBCS Công an chính quy đã tích cực triển khai nhiều nội dung công tác, qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trước hết là đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã ban hành, triển khai nhiều kế hoạch công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn; tăng cường gắn kết, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đảm bảo ANTT. Chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo đảm ANTT được nâng cao.
Quản lý nhà nước về ANTT được thực hiện bài bản hơn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và nhân dân địa phương tin tưởng, đánh giá cao, hết lòng giúp đỡ, ủng hộ.
Xét về mặt tâm lý xã hội, sự có mặt của Công an chính quy ở xã đã phần nào nâng cao tính răn đe, ngăn ngừa ý định phạm pháp của các đối tượng ngay từ cơ sở. Khi về xã, lực lượng Công an chính quy nhanh chóng bám sát địa bàn, bám dân, tổ chức trực ban 24/24h, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, nhất là vào ban đêm, tại các khu vực trọng điểm. Công tác quản lý các đối tượng tại cơ sở được đẩy mạnh và thực hiện bài bản, có hiệu quả hơn.
Mặt khác, khi Công an chính quy về xã, việc triển khai các mặt công tác chuyên môn, biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn TTATXH tại địa bàn cơ sở được chủ động, thường xuyên. Việc tổ chức trực ban, tiếp dân, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm được triển khai nghiêm túc, số lượng tin báo, tố giác tội phạm tiếp nhận tăng lên so với thời gian trước khi Công an chính quy về xã.
Tình hình ANTT tại các xã được bố trí Công an chính quy hầu hết đều có những chuyển biến rõ nét; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật giảm. Qua đó góp phần ổn định ANTT ở cơ sở, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đem lại cuộc sống bình yên hơn cho nhân dân.
Bên cạnh đó, khi Công an chính quy về xã đã triển khai nghiêm túc việc tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm của quần chúng nhân dân ngay từ cơ sở; góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền và lực lượng CAND. Đồng thời góp phần giảm bớt số lượng cán bộ công chức hoạt động không chuyên trách tại cơ sở; giải quyết tình trạng mất cân đối trong việc bố trí cán bộ tại Công an các địa phương.
Với những kết quả đã đạt được khi thực hiện triển khai đưa Công an chính quy về xã thời gian vừa qua, có thể khẳng định, đây là chủ trương rất đúng và trúng của Bộ Công an, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 01 của Chính phủ. Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Tỉnh ủy, chính quyền tất cả các tỉnh, thành và nhân dân. Tính đến ngày 30/9/2020, 43.175 CBCS Công an chính quy đã được điều động về 8.621 xã trên địa bàn cả nước.
Trích nguồn: Báo CAND