Sau phiên thảo luận ở tổ ngày 3/11, Chính phủ và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Người đấu giá không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi
Một vấn đề được đông đảo người dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm, cũng là một chính sách đặc biệt trước đây chưa từng có, đó là Bộ Công an mạnh dạn đề nghị Quốc hội cho phép người trúng đấu giá biển số ô tô theo nghị quyết được mua biển số của bất kỳ địa phương nào trong cả nước mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh ở Thanh Hóa cho biết: “Tôi thích nhất là biển có nhiều số 68. Tuy nhiên, cả nước chỉ có tỉnh Kiên Giang có đầu số này, trong khi tôi không thể chuyển hộ khẩu vào Kiên Giang để mua được xe. Vì vậy, nếu được đấu giá, tôi sẽ đăng ký biển 68.688. Như vậy, với số 68 là mã tỉnh, số tôi mong muốn sẽ là 68-68.688”. Cũng với mong muốn đó, anh Lê Văn Quang ở Hà Giang chia sẻ, anh vô cùng thích dãy số tiến bắt đầu từ số 3.
“Nếu được đấu giá thì tôi sẽ đăng ký biển Hải Dương với dãy số 56.789. Theo đó, nếu trúng thì tôi sẽ có dãy số tiến 34-56.789”. Còn anh Hoàng Văn Phong ở Bắc Ninh cũng mong muốn được đấu giá, vì với đầu số 99 của Bắc Ninh, nếu mua được biển 5 số 9 thì toàn bộ biển số sẽ là 7 số 9. “Một biển số không thể nào đẹp hơn”, anh Phong cho biết.
Tại các phiên thẩm tra ở Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại cho việc quản lý phương tiện khi “người tỉnh này đăng ký biển tỉnh khác”.
Giải đáp vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, với cơ sở dữ liệu về công dân, hạ tầng của Bộ Công an hiện nay, việc này chắc chắn thực hiện được. Một trong những nguyên tắc then chốt khi xây dựng nghị quyết này là công dân Việt Nam có quyền đấu giá biển số xe bất cứ tỉnh, thành phố nào trên lãnh thổ Việt Nam.
Tại Báo cáo số 1805 của Bộ Công an giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết này, Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định việc quy định người dân tham gia đấu giá trên toàn quốc không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi vì Bộ Công an đang thực hiện việc quản lý bằng dữ liệu điện tử, nên quy định như dự thảo về việc đăng ký xe không phụ thuộc vào nơi cư trú tại Điều 2 khoản 1 hay sang tên, thay đổi địa chỉ từ tỉnh này sang tỉnh khác vẫn được giữ nguyên biển số trúng đấu giá theo xe quy định tại Điều 3 khoản 1 điểm d hoặc Điều 4 khoản 1 của dự thảo luật thì vẫn bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước về phương tiện giao thông và bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân.
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) nhất trí cao với việc thí điểm thực hiện quyền cấp, lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; đại biểu đánh giá nội dung này đã có quá trình chuẩn bị nghiên cứu công phu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đã lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực có liên quan. Chính phủ, đặc biệt làcơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an đã hết sức khẩn trương, nghiêm túc, cầu thị trong quá trình chuẩn bị hồ sơ về dự thảo nghị quyết.
“Theo quyết định của dự thảo nghị quyết, việc cấp biển số xe sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú như hiện nay nữa. Điều này là một thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện hiện nay”- đại biểu nhấn mạnh, đồng thời cho biết, đây là một bước tiến lớn trong công tác quản lý nhà nước nói chung, cũng như trong việc chuyển đổi số của Bộ Công an.
“Đây là một nội dung thí điểm được thực hiện trong vòng 3 năm, nhưng hệ quả của chính sách này có tác dụng và ảnh hưởng rất lâu dài, do nghị quyết đang quy định biển số trúng đấu giá có thể đi theo người trúng đấu giá từ phương tiện này sang phương tiện khác, tối đa có thể kéo dài đến 50-60 năm sau khi nghị quyết này đã chấm dứt hiệu lực. Do đó, khi các vấn đề về quyền tài sản, về phương thức đăng ký, quản lý phương tiện còn chưa thật rõ, tôi đề nghị cần có quy định giới hạn về thời gian được sử dụng quyền của người trúng đấu giá có thể tối đa là 20 năm hoặc là tương ứng với niên hạn sử dụng của phương tiện được gắn biển số” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị.
Không tạo đầu cơ biển số
Quan tâm đến vấn đề cho, tặng, chuyển nhượng biển số đấu giá, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng tại điểm c khoản 1 Điều 3 quy định người trúng đấu giá có quyền được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Cũng quan tâm nội dung này, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) bày tỏ tán thành với hồ sơ dự thảo nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ thêm điều kiện của xe ô tô thuộc sở hữu của mình được phép đăng ký gắn với biển số xe trúng đấu giá. “Ví dụ như phải là xe mới chưa đăng ký hoặc xe đã đăng ký rồi nhưng được chuyển sang biển đã trúng đấu giá” - ông Mạc đề nghị. Với nội dung: quá thời hạn 12 tháng mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số trúng đấu giá với xe thuộc sở hữu thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số xe, đại biểu đề nghị cần quy định rõ thêm thu hồi biển số xe đã trúng đấu giá nhưng không hoàn tiền đấu giá, lý do là để hạn chế trường hợp đầu cơ.
Các đại biểu quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Nguyễn Văn Cảnh và Nguyễn Thị Yến Nhi.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng khẳng định việc đăng ký xe 12 tháng sau khi trúng đấu giá là hợp lý, để người trúng đấu giá có đủ thời gian mua xe, thời hạn này không tạo cơ hội để đầu cơ biển số vì nghị quyết không cho phép mua, bán biển số trúng đấu giá.
“Để tăng thu cho ngân sách nhà nước, tôi đề nghị, bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số được sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số là những số bắt buộc đấu giá và nhóm số này cũng có giá mức khởi điểm cao hơn những số bắt buộc đấu giá là những số Bộ Công an đã đề xuất trước đây và có bổ sung thêm gồm: Có 5 chữ số giống nhau, có 4 chữ số đầu hoặc 4 chữ số cuối giống nhau, có 5 chữ số tiến đều...”, đại biểu nêu ý kiến.
Là người thích chơi xe, anh Đỗ Đức Mai ở Hà Nội cho biết, anh mong muốn Nhà nước sẽ cho phép được chuyển nhượng biển số vì nếu được chuyển nhượng thì giá sẽ cao hơn. “Tuy nhiên, nếu cho phép chuyển nhượng thì sẽ tạo điều kiện cho “cò” biển số hoạt động, sẽ hình thành thị trường thứ cấp phức tạp. Vì vậy, mặc dù muốn mua bán biển số nhưng tôi cho rằng, quy định không cho mua bán thứ cấp là phù hợp”.
Giải thích vấn đề này, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, người trúng đấu giá sẽ có quyền giữ biển số. Nghĩa là, trường hợp có nhu cầu bán xe, người trúng đấu giá vẫn được giữ lại biển số đó để đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, quyền sở hữu chỉ được áp dụng với người trúng đấu giá biển số. Trường hợp muốn bán biển số thì phải bán kèm theo xe và biển số này sẽ gắn với chiếc xe được bán đến suốt đời. Người mua, người được tặng, được thừa kế biển số đấu giá từ người trúng đấu giá chỉ được bán xe kèm biển và không có quyền giữ lại biển số. Nghĩa là “F1” được giữ lại biển số nhưng từ “F2”, “F3” trở đi thì không được giữ lại biển số. Việc quy định người được nhận chuyển nhượng, mua, cho tặng không được giữ lại biển số nhằm tránh việc đầu cơ, trục lợi.
Được biết, khi xây dựng nghị quyết, cơ quan chức năng đã tính toán các tình huống và có các phương án giả lập để ngăn việc đầu cơ, tích trữ biển số sau khi trúng đấu giá vì biển số là tài sản công, không cho phép đầu cơ, tích trữ để sinh lợi. Trong đó, về mặt pháp luật, thì việc xây dựng nghị quyết đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Về mặt công nghệ thì sẽ có bức tường lửa để tránh trường hợp hacker xâm nhập cuộc đấu giá, làm thay đổi nội dung, khiến cuộc đấu giá không thành. Lực lượng Công an cũng sẽ rà soát phát hiện các trường hợp đầu cơ tích trữ để xử lý theo quy định.
Theo dự kiến, hình thức đấu giá sẽ được tổ chức trực tuyến mỗi một biển số khi có người đăng ký đấu giá, đơn vị tổ chức sẽ lập một group (nhóm) những người tham gia đấu giá biển số đó. Sau khi người tham gia đấu giá nộp tiền cọc thì đơn vị tổ chức sẽ cấp một mã để trả giá. Khi tham gia đấu giá, trên màn hình của group sẽ hiện giá của những người tham gia đã trả. Vì vậy, tất cả người trong group sẽ biết được mọi người đã/đang trả giá bao nhiêu để cân nhắc, lựa chọn giá mình đưa ra. Khi hết giờ thì máy sẽ tự lựa chọn người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất. Mỗi người tham gia đấu giá được trả giá nhiều lần cho đến khi đạt được mong muốn.
Dự kiến mỗi cuộc đấu giá sẽ diễn ra trong vòng 24 hoặc 48 giờ, trong thời gian đó, những người tham gia sẽ được thoải mái trả giá.
Nguồn: Báo CAND