Ít ai biết rằng, trong những tháng năm được Đảng, Nhà nước giao giữ các trọng trách lớn lao đó, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn có hơn 10 năm kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương (1952 – 1962), Trường Sĩ quan an ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân - ANND).
Công lao của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên diện mạo, uy tín, danh tiếng của Trường C500 trước đây và của Học viện ANND ngày nay. Đây là một tài sản vô giá, một vinh dự to lớn cho các thế hệ thầy và trò Học viện ANND tiếp tục gìn giữ, phát huy.
|
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, giáo viên Trường Sĩ quan An ninh (nay là Học viện ANND) năm 1974
|
Người Hiệu trưởng luôn chăm lo xây dựng, phát triển nhà trường
Học viện ANND - tiền thân là Trường Huấn luyện Công an được thành lập ngày 25-6-1946 theo Nghị định số 215 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách là đào tạo và bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Ngay sau khi thành lập, đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương kiêm Hiệu trưởng nhà trường (1946 - 1952).
Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7 (tháng 8/1952), tại Tuyên Quang, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương cử sang làm Giám đốc Nha Công an thay đồng chí Lê Giản, kiêm Hiệu trưởng Trường Công an trung cấp. Một năm sau, do yêu cầu công tác đào tạo, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trường Công an Trung cấp được nâng cấp, đổi tên thành Trường Công an Trung ương.
Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi tên Nha Công an Việt Nam thành Thứ bộ Công an; đồng thời, cử đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức Thứ trưởng Thứ bộ Công an và tiếp tục kiêm Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương.
Tiếp đó, tại phiên họp từ ngày 27 đến 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra quyết định đổi Thứ bộ Công an thành Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an, kiêm Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương.
Giai đoạn 1946 - 1954, cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động của trường vô cùng khó khăn. Do điều kiện chiến tranh, nhà trường chưa có địa điểm cố định mà phải thường xuyên di chuyển với phòng học đơn sơ, chủ yếu là tranh tre nứa lá. Đội ngũ cán bộ, giảng viên lúc đó của nhà trường rất ít ỏi, lại chưa được đào tạo cơ bản.
Trong khi yêu cầu đào tạo cán bộ cho cách mạng đang rất bức thiết. Để tăng cường đội ngũ cho nhà trường, ngay từ khi nhận nhiệm vụ Giám đốc nha Công an, kiêm Hiệu trường Công an trung cấp, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có tờ trình Ban Bí thư “về việc đề nghị Trung ương cho cán bộ”.
Một trong những nội dung của tờ trình là đề nghị bổ sung cán bộ cho Trường Công an trung cấp. Đồng thời, đồng chí chỉ đạo lựa chọn những học viên có kết quả học tập tốt, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong các khóa đào tạo để giữ lại trường tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ, giảng viên của nhà trường.
Nhiều năm sau đó, đồng chí Trần Quốc Hoàn tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của trường, đồng thời chỉ đạo việc lựa chọn địa điểm ổn định để xây dựng trường sau khi giải phóng, tiếp quản Thủ đô. Nhiều cán bộ, giáo viên đã được cử đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài.
Đồng chí cũng là người khởi xướng việc mời chuyên gia các nước anh em lúc đó đến giúp đỡ, giảng dạy, trao đổi về nghiệp vụ, võ thuật, khoa học - kỹ thuật để vừa đào tạo cán bộ, vừa góp phần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhà trường. Nhiều cán bộ thực tiễn ở các đơn vị chiến đấu, có khả năng sư phạm cũng được mời tham gia giảng dạy hoặc điều động về trường làm công tác giảng dạy.
Khi không còn kiêm nhiệm Hiệu trưởng nhà trường, đồng chí Trần Quốc Hoàn với cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an vẫn giữ vai trò là Trưởng ban Sư phạm của Bộ, trực tiếp chỉ đạo xây dựng, phê duyệt mục tiêu, chương trình giảng dạy của nhà trường.
Đặc biệt, với tầm nhìn xa, trông rộng của một người đứng đầu luôn trăn trở với việc xây dựng lực lượng CAND ngày càng chính quy, tinh nhuệ, với mong muốn đưa công tác đào tạo cán bộ của lực lượng Công an phát triển nhanh và hội nhập với hệ thống giáo dục quốc dân, ngay từ năm 1964, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ quyết tâm xây dựng và đã được Chính phủ công nhận Trường Công an Trung ương là trường đại học và trung học của ngành Công an.
Do điều kiện chiến tranh, đến năm 1969, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, nhà trường mới tổ chức tuyển sinh, đào tạo khóa đầu tiên trình độ đại học (khóa D1) bao gồm cả cán bộ đã công tác và học sinh phổ thông. Khóa D1 - “mẻ thép đầu tiên” đã khẳng định quyết tâm chính trị đúng đắn, kịp thời của đồng chí cố Bộ trưởng. Nhờ vậy, ngành Công an là một trong những ngành đào tạo đại học sớm nhất. Đây cũng chính là tiền đề để phát triển hệ thống nhà trường CAND sau này.
Người đặt nền móng xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ
Do yếu tố bí mật của mỗi quốc gia, lý luận nghiệp vụ Công an, đặc biệt là nghiệp vụ an ninh rất ít được kế thừa, trao đổi quốc tế. Vì vậy, lý luận nghiệp vụ CAND Việt Nam chủ yếu được xây dựng, đúc kết thông qua thực tiễn cách mạng và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong những năm đầu mới thành lập, hệ thống lý luận, nội dung, chương trình đào tạo của nhà trường còn rất sơ khai.
Nhận thức được những khó khăn đó, ngay trong Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7, với vai trò Bộ trưởng, chủ trì hội nghị, trên cơ sở tổng kết hoạt động của lực lượng CAND từ khi thành lập, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã kết luận 7 vấn đề quan trọng có tính chất lý luận nghiệp vụ của lực lượng Công an.
Những vấn đề này sau đó đã được cụ thể hóa thành phương châm, đối sách trong đường lối đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự và thành quả cách mạng và cũng là cơ sở để xây dựng thành giáo trình, tài liệu nghiệp vụ của lực lượng an ninh, cảnh sát Việt Nam, phục vụ cho công tác giảng dạy của nhà trường.
Trong những năm tiếp theo, theo chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, hội nghị Công an toàn quốc hằng năm vừa là hội nghị tổng kết công tác năm của ngành Công an, đồng thời là hội thảo khoa học để đúc rút ra những vấn đề lý luận mới. Theo đó, nhiều chuyên đề lý luận đã được bàn thảo và đưa ra nghị quyết để phục vụ công tác, chiến đấu. Và cứ như thế, lý luận nghiệp vụ Công an nhân dân Việt Nam dưới thời cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã không ngừng phát triển và hoàn thiện.
Nhiều vấn đề lý luận nghiệp vụ, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn cho đến hôm nay, mặc dù bối cảnh, điều kiện xã hội đã có nhiều thay đổi, song vẫn là bài học nằm lòng của nhiều thế hệ học viên Trường C500 và vẫn đang phát huy giá trị.
Những huấn thị của đồng chí với lực lượng CAND không cần đao to búa lớn mà vẫn có sức lay động và sức sống mãnh liệt với thời gian: “…Quan điểm phục vụ thì phấn đấu theo hoài bão và lý tưởng cao đẹp, là thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mọi cán bộ, chiến sĩ”.
Bên cạnh tư duy sắc bén về lý luận và khoa học kỹ thuật, đồng chí Trần Quốc Hoàn trên cương vị Bộ trưởng kiêm Hiệu trưởng nhà trường, đã có những quyết định lịch sử để Trường C500 trở thành cơ sở giáo dục luôn gắn bó và đồng hành trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Theo đó, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng cung cấp nhân lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp, trường đã đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp hàng vạn cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần giải phóng, thống nhất đất nước.
Trong tám lần Bác Hồ về thăm và làm việc tại trường thì có năm lần Bác về thăm trường dưới thời cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Bác Hồ, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho trường và cũng là nhờ vai trò, uy tín cá nhân của cố Bộ trưởng để nhà trường có được những dấu ấn lịch sử vô cùng đáng tự hào đó.
Hình mẫu của một nhà sư phạm mẫu mực
Ngoài vai trò là chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của lực lượng của CAND Việt Nam, hơn 10 năm gắn bó trực tiếp với công tác nhà trường với vai trò Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương và sau này là Trường sĩ quan An ninh, hơn ai hết, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn là nhà giáo có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển lớn mạnh của nhà trường.
Ngoài việc chỉ đạo xây dựng phát triển nhà trường về đội ngũ, lực lượng, cơ sở vật chất, hệ thống lý luận, những vấn đề cốt yếu nhất của một nhà trường, mặc dù bận trăm công ngàn việc, đồng chí Trần Quốc Hoàn vẫn dành thời gian trực tiếp lên lớp giảng dạy, huấn thị vào các dịp đầu khóa, khai giảng, bế giảng các lớp học viên. Đặc biệt, đồng chí còn nhận nhiệm vụ trực tiếp tham giảng bài “Tính chất, nhiệm vụ Công an” cho một số lớp.
Ngoài giảng dạy lý thuyết, đồng chí còn tham gia báo cáo thực tế và yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, tham mưu của Bộ dành thời gian báo cáo thực tế cho học viên về một số vụ án lớn và các chuyên đề về nghiệp vụ với phương châm “Học đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn”. Dù giảng dạy chuyên đề gì, đồng chí cũng luôn là người thầy giáo say sưa, tâm huyết, trách nhiệm.
Trong chỉ đạo chuyên môn, đồng chí yêu cầu đội ngũ giảng viên luôn đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; luôn sâu sát, tỷ mỷ, lắng nghe cấp dưới. Đối với đồng nghiệp, học viên, mặc dù với cương vị Bộ trưởng nhưng đồng chí luôn ân cần, gần gũi, quan tâm đến đời sống cán bộ, giảng viên, học viên. Đồng chí thực sự là mẫu hình của một nhà giáo, nhà sư phạm cho đội ngũ giảng viên nhà trường noi theo.
Có thể nói, bằng công sức, trí tuệ, tâm huyết và sự chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo, uy tín, danh tiếng của Trường C500 trước đây và Học viện ANND hiện nay.
Đội ngũ giảng viên, cán bộ, học viên Học viện hôm nay vô cùng biết ơn, vinh dự, tự hào được tiếp nối, thừa hưởng và phát huy thành quả, sự quan tâm, đóng góp to lớn của lãnh đạo Bộ Công an và các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên qua các thời kỳ, đặc biệt là những đóng góp đặc biệt to lớn của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong giai đoạn khó khăn nhất của nhà trường.
Gần 75 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên Học viện ANND nguyện chung sức, đồng lòng, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, luôn nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống, hoạch định tương lai, tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện ANND luôn xứng đáng với những cống hiến, hy sinh, những đóng góp thầm lặng của các thế hệ lãnh đạo Bộ Công an, của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên đi trước cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân và cho sự lớn mạnh của nhà trường.
Thiếu tướng, PGS. TS Lê Văn Thắng -Giám đốc Học viện ANND
Nguồn: Báo CAND