Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bộ Công an và Bộ Tư pháp nâng cao hiệu quả phối hợp công tác

Chiều 26/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết phối hợp công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp dự và chỉ đạo hội nghị.

Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp công tác khá nhuần nhuyễn và hiệu quả -0
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận tại hội nghị.

Tham dự hội nghị về phía Bộ Công an có Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an.

Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Thứ trưởng Mai Lương Khôi.

Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp công tác khá nhuần nhuyễn và hiệu quả -0
Các đại biểu Bộ Công an dự hội nghị.
Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp công tác khá nhuần nhuyễn và hiệu quả -0
Các đại biểu Bộ Tư pháp dự hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Công tác phối hợp giữa hai bộ, hai ngành Công an và Tư pháp được triển khai toàn diện, đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Qua đó có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo hai bộ; sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của CBCS, công chức, viên chức hai ngành.

Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp công tác khá nhuần nhuyễn và hiệu quả -0
Toàn cảnh hội nghị.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, hai bộ tiếp tục triển khai phối hợp chặt chẽ, toàn diện các lĩnh vực công tác, từ các công việc vĩ mô về xây dựng, hoàn thiện thể chế của hai ngành đến các tác nghiệp cụ thể trong quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý.

Trong đó, tập trung một số nội dung lớn như tiếp tục hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Cảnh sát cơ động; Luật Bảo đảm, trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, hoàn thiện các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành các luật nêu trên. Phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển quy phạm pháp luật...

Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp công tác khá nhuần nhuyễn và hiệu quả -0
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Thực hiện hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021-2027”.

Thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Quy chế phối hợp liên ngành số 14 trong công tác THADS. Tăng cường phối hợp trong quá trình áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản trong giai đoạn điều tra, nhất là trong các vụ án tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Xây dựng Quy chế phối hợp công tác kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Phối hợp tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, kịp thời.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác giám định tư pháp; quản lý hoạt động của luật sư. Thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Thực hiện có hiệu quả trong hợp tác quốc tế về pháp luật, bảo đảm phù hợp với định hướng và các quy định về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Tại hội nghị, lãnh đạo các cục, vụ của 2 bộ đã trao đổi về một số vấn cần tăng cường phối hợp hiệu quả hơn nữa như công tác xây dựng pháp luật, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lý lịch tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự…

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, hai bộ đã phối hợp khá nhuần nhuyễn, thực chất và chia sẻ thông tin trong quá trình công tác và tiếp tục đồng hành với nhau trong công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, thi hành pháp luật, kết nối và vận hành cơ sở dữ liệu về hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá cao sự phối hợp, kết nối và chia sẻ công tác giữa hai bộ, góp phần quan trọng vào những kết quả to lớn của ngành Công an và ngành Tư pháp trong năm qua và thành quả quan trọng của đất nước.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, hai bộ cần đẩy mạnh kết nối và chia sẻ về hồ sơ, cơ sở dữ liệu, nhất là công việc liên quan đến quyền và lợi ích của người dân như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về hộ tịch, lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp, tuyên truyền và phổ biến pháp luật… Qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác của hai Bộ nói chung và các Cục, Vụ nghiệp vụ nói riêng để ngày càng làm tốt hơn công tác của hai ngành trong công tác cải cách hành chính của Chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

“Sắp tới, hai bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, nhất là đối với công tác cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, hiện đại”, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý.

Bộ Công an xác định mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Tư pháp, nhất là trong các vấn đề xây dựng pháp luật, thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để pháp luật đi vào cuộc sống.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề cập đến một trong những vấn đề cụ thể để làm tốt hơn công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý Nhà nước và cải cách hành chính như đấu giá biển số xe cơ giới, nghiên cứu có thể đồng bộ số định danh cá nhân với biển số xe của người sử dụng. Trường hợp, nếu người có 2 xe thì được cấp 2 số và khi bán xe thì vẫn được giữ lại biển số của mình.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi