Bản lĩnh liêm chính, kiên trung, không quản vất vả, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng ANKT được minh chứng nổi bật qua các thời kỳ lịch sử.
Thời kỳ 1945 – 1954
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, cả dân tộc đã đoàn kết, nhất tề đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, làm nên Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập, tự do cho dân tộc và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Để bảo vệ nền độc lập non trẻ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, vận mệnh của Đảng, dân tộc như “ngàn cân treo sợ tóc”, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23, thành lập Việt Nam Công an vụ. Theo đó, Ty Chính trị được thành lập, trở thành lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ chính trị, trong đó có lực lượng ANKT ra đời.
Quán triệt, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, của Ngành về bảo vệ chính trị, bảo vệ kinh tế, trong lúc tổ chức bộ máy vừa hình thành, chức năng bảo vệ kinh tế mới định hình, trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm hầu như rất mới, nhiệm vụ lại nặng nề song bằng nhiệt huyết, bản lĩnh kiên trung của người Công an cách mạng, những thế hệ bảo vệ ANKT đã không ngại gian khổ, hy sinh. Chủ động phối hợp các lực lượng bảo đảm thực hiện hiệu quả đường lối phát triển kinh tế của chính quyền cách mạng theo chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “giữ cho hậu phương được vững mạnh”; bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị điều kiện cần thiết cung cấp nhân tài, vật lực cho chiến dịch. Đồng thời, tích cực đấu tranh với bọn tay sai, bán nước, chống đối, phá hoại kho hàng, tham ô, trộm cắp...
Ngày 13/5/1953, trước yêu cầu của cách mạng, Phòng Bảo vệ kinh tế, thuộc Vụ Bảo vệ chính trị - tổ chức tiền thân chuyên trách bảo vệ kinh tế ra đời. Tháng 8/1953, Hội đồng Chính phủ có Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là bước ngoặt quan trọng về bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của CAND nói chung, bảo vệ kinh tế nói riêng, điều kiện để lực lượng bảo vệ kinh tế triển khai nhiều giải pháp, đối sách công tác, trọng tâm đẩy mạnh phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo vệ cơ quan”, “Bảo mật phòng gian”...
Kết quả đã bảo đảm tuyệt đối an toàn các nhà máy, công xưởng, hầm mỏ, đê điều, công trình hạ tầng giao thông, thông tin, hoạt động sản xuất, đời sống nhân dân, hoạt động vận chuyển lượng lương thực, nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược, góp phần bảo đảm thắng lợi Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Thời kỳ 1954 – 1975, cả nước đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam
Thực hiện chủ trương về kế hoạch 3 năm trong giai đoạn đầu là “phục hồi” và “cải tạo” nhằm đưa miền Bắc tiến lên CNXH, hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam. Mục tiêu cao nhất là tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước đều mới, nền tài chính hạn hẹp, tư liệu sản xuất thiếu thốn; các thế lực cũ tìm mọi cách cản trở, chống đối, phá hoại chính sách cải tạo, phát triển, làm cho sản xuất bị đình đốn, hàng hóa, lương thực khan hiếm, đời sống nhân dân gặp khó khăn khiến tình hình an ninh chính trị và TTATXH diễn biến hết sức phức tạp.
Để đối phó hiệu quả tình hình, phục vụ thực hiện thắng lợi mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ ANKT, bộ máy, tổ chức của Ngành từng bước được củng cố, hoàn thiện. Ngày 29/9/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/NĐ-CP, theo đó Cục Bảo vệ kinh tế tách 2 cục là Cục Bảo vệ kinh tế I và Cục Bảo vệ kinh tế II; số lượng, chất lượng đội ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ kinh tế được tăng cường, nâng cao, gồm những đồng chí ưu tú, có nhiệt huyết, bản lĩnh trung kiên. Chủ động tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Bộ Công an ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác bảo vệ ANKT.
Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ ANKT với quyết tâm, trách nhiệm, hiệu quả cao; sẵn sàng lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, kịp thời tham mưu cho chính quyền cách mạng, phối hợp cùng các lực lượng diệt ác, phá kìm, bảo vệ cán bộ lãnh đạo, nhân dân, cơ sở sản xuất, nhà máy. Phối hợp cùng các lực lượng trong CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm ANTT, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời kỳ 1975 -1986
Sau 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH trên phạm vi cả nước. Ở miền Bắc, Đảng, Chính phủ chủ trương củng cố và hoàn thiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức toàn dân và tập thể.
Ở miền Nam, tiến hành cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế nhằm xoá bỏ chế độ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu. Trong điều kiện đất nước vừa hòa bình, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, công tác quản lý điều hành nền kinh tế của Đảng, Nhà nước còn thiếu kinh nghiệm, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đời sống thiết yếu của nhân dân và tích luỹ… Đặc biệt trong thập kỷ 70, đất nước lại phải đương đầu với 2 cuộc xung đột ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam nên kinh tế đất nước càng vô cùng khó khăn. ANTT tiềm ẩn nhiều phức tạp. Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư doanh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để kịp thời đối phó tình hình, đặc biệt trên lĩnh vực bảo vệ nội bộ, bảo vệ kinh tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bộ máy tổ chức của Bộ Công an được kiện toàn, tăng cường hơn, riêng lĩnh vực bảo vệ kinh tế có thời gian có đến 3 cục.
Đội ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ kinh tế được tuyển chọn là những cán bộ ưu tú, đã qua rèn luyện, thử thách, luôn có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh kiên trung, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất cứ địa bàn, lĩnh vực, công việc khó khăn, gian khổ, phức tạp, nguy hiểm nhất và thực tế đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn lực lượng CAND giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo TTATXH.
Thời kỳ từ 1986 đến nay
Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) với rất nhiều cơ chế, chính sách được thay đổi; tiếp đó là các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, trên cơ sở kế thừa sáng tạo các nghị quyết Đại hội trước đó.
Đảng, Nhà nước xác định đổi mới đất nước trước hết là đổi mới tư duy; tái cấu trúc nền kinh tế, tiến hành cải tạo XHCN nhằm giải phóng được mọi năng lực sản xuất, khai thác mọi lợi thế đất nước; tranh thủ hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất XHCN; thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, đồng nghĩa cho phép cá nhân được sử dụng vốn để sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật; thực hiện khoán sản phẩm đến nông dân; phân phối theo lao động… Do vậy đã phát huy được tính năng động, chủ động, sáng tạo của các thành phần kinh tế, người lao động – động lực thúc đẩy phát triển xã hội.
Đất nước sau hơn 10 năm thống nhất, cả nước quá độ lên CNXH, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội rất khó khăn, sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối, lưu thông bộc lộ nhiều bất cập; sự mất cân đối trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất XHCN chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều vất vả, thiếu thốn. ANCT và TTATXH, đặc biệt là tệ quan liêu, cửa quyền, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm… diễn ra phổ biến, kéo dài, nghiêm trọng ở hầu khắp các lĩnh vực, bộ ngành, doanh nghiệp và địa phương…
Thực tiễn đó khiến tội phạm kinh tế gia tăng, diễn biến phức tạp, nhiều khi lộng hành, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế của đất nước, ảnh hưởng ANCT, ANKT; làm chậm tiến trình CNH, HĐH, xây dựng, phát triển đất nước; gây bức xúc, suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.
Để phục vụ thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, các thế hệ lực lượng ANKT với tổ chức bộ máy không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, lớn mạnh. Cán bộ, chiến sĩ ANKT được đào tạo cơ bản, chuyên sâu; trang bị công nghệ, khoa học tiên tiến; được tôi luyện, thử thách trong công tác, chiến đấu; có ý thức, tổ chức kỷ luật cao, phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng; bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; chiến đấu, công tác với bản lĩnh, trách nhiệm và vì hiệu quả công vụ cao nhất; không quản khó khăn, vất vả, gian khổ, dám đối mặt với áp lực công việc, đối mặt với quan điểm trái chiều, kể cả hy sinh quyền lợi, cả tính mạng bản thân; không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Chủ động phối hợp các lực lượng, đề xuất Bộ Công an, các bộ, ban, ngành kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chủ trương, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Đổi mới căn bản về tư duy, nhận thức cũng như phương pháp lãnh đạo, điều hành nền kinh tế, bảo đảm ANKT đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đồng thời, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp công tác, nắm tình hình, phân tích, đánh giá và dự báo đúng những yếu tố bất ổn về ANQG, ANKT của đất nước.
Nắm bắt tình hình và chủ động đấu tranh với âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp, phá hoại nội bộ, phá hoại kinh tế; tình hình tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong triển khai các dự án, đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; chủ trương, chính sách của các nước có tác động, ảnh hưởng ANKT; những bất cập, chậm đổi mới trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nguy cơ làm chậm tiến trình CNH, HĐH, xây dựng, phát triển đất nước; tình hình lộ lọt bí mật về an ninh chính trị nội bộ, ANKT, thiệt hại lợi ích quốc gia trong đàm phán, ký kết hợp tác, đầu tư, triển khai các hiệp định thương mại tư do (FTA) thế hệ mới… Đồng thời, phối hợp các lực lượng nghiệp vụ tập trung điều tra, xác minh, kết luận làm rõ, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật các vụ án kinh tế theo chức năng, thẩm quyền.
Ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1953 - 2023), các thế hệ lãnh đạo, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ ANKT có quyền tự hào rằng, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào đều luôn giữ được phẩm chất, bản lĩnh kiên trung, bất khuất của người Công an cách mạng, đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, tận trung với Đảng, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Chủ động phối hợp tốt với các lực lượng, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân và luôn được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Vì vậy, đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lập nhiều kỳ tích, chiến công to lớn – bảo đảm ANKT, ANQG, góp phần giữ gìn ANCT và TTATXH; phục vụ thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, công cuộc xây dựng, đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước; cùng toàn lực lượng CAND bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, bảo vệ Đảng, Nhà nước, vì ANTQ, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Nguồn: Báo CAND