Nói về công tác cán bộ, Người từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”… Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là sự khái quát chân lý, có tính quy luật và giữ nguyên tính thời sự.
Trong công tác tổ chức cán bộ, yêu cầu kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” là đòi hỏi khách quan và có tính nguyên tắc. Phạm vi bài viết này, xin được trình bày vấn đề "kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Kiểm soát quyền lực là yêu cầu khách quan của Nhà nước pháp quyền. Không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát quyền lực không chặt chẽ thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm hay quyền lực bị tha hóa sẽ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Hiện nay, chưa có quy định riêng về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự của lực lượng Công an, nhưng trên cơ sở Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (Quy định số 205) thì có thể hiểu đây là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác tổ chức cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác tổ chức cán bộ để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự của CAND.
Thời gian qua, ngoài việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, biện pháp công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ.
Trong đó, một giải pháp có tính căn cơ, lâu dài đó là tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các quy định về công tác tổ chức cán bộ đảm bảo liên thông, đồng bộ, khách quan, dân chủ, minh bạch và gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ năm 2018 đến ngày 15/9/2022, đã có 26 trường hợp cán bộ thuộc Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh, cấp huyện (chiếm tỷ lệ 96,3% số cán bộ toàn ngành) bị khởi tố bị can với các tội danh về tham nhũng, chức vụ, xâm phạm hoạt động tư pháp.
Riêng trong năm 2022, lực lượng Công an đã có 15 trường hợp bị xem xét, xử lý về hành vi đưa, nhận hối, lộ; một số trường hợp vi phạm các quy định về quy trình công tác công tác tạm giam, tạm giữ, thi hành án hình sự, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực đã phải xử lý kỷ luật, xem xét xử lý hình sự theo quy định.
Đặc biệt, có trường hợp cán bộ sai phạm là sĩ quan cấp tướng, là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Công an các địa phương nhưng đã có hành vi tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng phải khởi tố, bắt tạm giam đã gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng CAND. Vì vậy, đối với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Công an cấp tỉnh), việc thực hiện tốt kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ là một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự tại Công an cấp tỉnh giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn công tác tổ chức cán bộ trong CAND; Bộ Công an đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều quy định về công tác tổ chức cán bộ có tác động tích cực trong việc kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự của lực lượng CAND nói chung và Công an cấp tỉnh nói riêng. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, thông suốt trong các cấp Công an, cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; từ năm 2012, Bộ Công an đã ban hành Đề án số 05/ĐA-BCA về bố trí Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện (đồng thời là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện) không là người địa phương và kiên trì thực hiện; đến nay, có 61/63 Giám đốc Công an cấp tỉnh không là người địa phương; 100% Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương.
Nhìn chung, việc thực hiện chủ trương bố trí Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về tình hình an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn.
Tại một số nơi, thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị đã tích cực, chủ động trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, đơn vị mình quản lý; tạo động lực, phương pháp, phong cách làm việc mới, phá vỡ sự khép kín trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác; nhiều đồng chí đã quyết liệt, mạnh dạn đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ đạo đấu tranh, điều tra giải quyết nhiều vụ việc vướng mắc, tồn đọng hoặc những vấn đề "nổi lên" về ANTT tại địa bàn gây bức xúc trong dư luận về việc có "bảo kê", có "tiêu cực, tham nhũng của các cơ quan thực thi pháp luật" nhiều năm nhưng không được giải quyết triệt để; nhiều vụ án do Công an địa phương chủ động phát hiện, điều tra được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo được sự đồng tình, ủng hộ cao, nâng cao uy tín của lực lượng Công an trong quần chúng nhân dân.
Thực hiện Quy định số 02-Qđi/ĐUCA, ngày 22/8/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở bốn cấp Công an; Kế hoạch số 376/KH-BCA-X01 ngày 01/11/2019 của Bộ Công an về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở các cấp Công an đã tạo điều kiện thuận lợi để Công an địa phương rà soát, sắp xếp lại lực lượng cán bộ, lãnh đạo chỉ huy tại các cơ quan, đơn vị làm công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng thi hành án hình sự.
Từ đó, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ điều tra, điều viên các cấp, trong đó có công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng và thi tuyển, bổ nhiệm điều tra viên, đến nay, số lượng, chất lượng đội ngũ điều tra viên đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ về phân công lãnh đạo Công an cấp tỉnh, cấp huyện, 100% Công an các địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc không bố trí đồng chí Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, cấp huyện đồng thời là Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự, Thủ trưởng Cơ quan quản lý tạm giữ tạm giam Công an cấp tỉnh, cấp huyện, đảm bảo yêu cầu khách quan, độc lập trong hoạt động tư pháp.
Thực hiện quy định về công tác quy hoạch cán bộ, nhiều Công an địa phương đã xây dựng quy hoạch chức vụ lãnh đạo Công an cấp tỉnh theo hệ lực lượng (trong đó có chức vụ Phó Giám đốc phụ trách công tác phòng, chống tội phạm); đã thực hiện việc quy hoạch theo cơ cấu đảm bảo ít nhất có 1/3 số đồng chí quy hoạch lãnh đạo Công an cấp tỉnh là lãnh đạo Công an cấp huyện, nhất là đồng chí Trưởng Công an cấp huyện - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Từ đó, có cơ sở tập trung, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo Công an cấp tỉnh có trình độ, khả năng lãnh đạo, chỉ đạo chuyên sâu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nguồn: Báo CAND