Thứ Năm, 21/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ba cán bộ Công an trẻ tiêu biểu tham gia Diễn đàn Tri Thức trẻ Việt Nam toàn cầu

Tại đây, các trí thức trẻ được bày tỏ về vai trò và khả năng đóng góp cho công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước. Đoàn Bộ Công an vinh dự có 3 trí thức trẻ tham gia diễn đàn lần này.

Nhìn vào “bảng thành tích” của 3 trí thức trẻ của Đoàn Bộ Công an, tôi thực sự khâm phục vì họ đúng là những “hạt giống đỏ” tiêu biểu cho tuổi trẻ CAND. Đó là Đại úy Lê Quỳnh Mai, công tác tại khoa Luật, Học viện ANND. Ngoài “bộ sưu tập” giấy khen của Giám đốc Học viện ANND, Mai còn được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp Học viện năm học 2019-2020.

Tuy mới 35 tuổi, nhưng Đại úy Lê Quỳnh Mai đã chủ nhiệm 1 đề tài cơ cở, tham gia biên soạn 3 giáo trình và tài liệu dạy học cấp học viện; có 3 bài hội thảo quốc tế, 5 bài tạp chí trong nước, hơn 5 bài hội thảo cấp quốc gia và cấp trường. Giảng viên trẻ này còn hướng dẫn nhiều lượt sinh viên, nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải nhì, giải ba tại Học viện ANND, và giải nhất trong cuộc thi tìm hiểu Luật Biển tại Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2018.

Có một điều thú vị là Đại úy Lê Quỳnh Mai đã tham gia Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019 tại Hà Nội và là 1 trong 8 đại biểu có bài phát biểu xuất sắc nhất tại diễn đàn. Cô cho chúng tôi hay, qua diễn đàn, em thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong nghiên cứu khoa học và đưa kết quả nghiên cứu vào những hoạt động cụ thể. 

Điểm thú vị của diễn đàn, theo Đại úy Lê Quỳnh Mai là đã tạo sân chơi để các bạn trẻ được đề xuất ý kiến, đóng góp đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho sự phát triển trong tương lai của đất nước, đồng thời đây cũng là nơi họ có thể học hỏi kiến thức khắp nơi trên thế giới. Đến với diễn đàn năm nay, Đại úy Lê Quỳnh Mai sẽ tham gia thảo luận về “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”.

Cô chia sẻ, quyền văn hóa là nhóm quyền ít được chú ý trong các nhóm quyền con người. Nhóm quyền này bị “đánh giá thấp” và sự lãng quên “quyền” này là do việc hiểu khái niệm quyền văn hóa và thực hiện quyền văn hóa còn nhiều bất cập.

Từ trăn trở đó, Đại úy Lê Quỳnh Mai sẵn sàng mang đến diễn đàn thông điệp, tuy văn hóa không phải là trụ cột thứ tư cùng với ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường và Liên Hợp Quốc cũng không dành mục tiêu riêng trong 17 mục tiêu phát triển bền vững cho văn hóa, nhưng văn hóa sẽ là nền tảng, là cơ ở xuyên suốt trong việc thực hiện các mục tiêu về xóa nghèo, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và việc làm bền vững, giải quyết bất bình đẳng và hòa bình, công lý…

Đại úy Nguyễn Minh Hằng (ngoài cùng bên phải), Đại úy Lê Quỳnh Mai (giữa) và Thượng úy Vũ Duy Linh đang thảo luận về một số chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn.

Trí thức trẻ thứ hai của Đoàn Bộ Công an tham gia diễn đàn là Đại úy Nguyễn Minh Hằng, công tác tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Nguyễn Minh Hằng từng là thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học Học viện CSND năm 2007. “Bảng vàng” thành tích của đồng chí đã cho thấy một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của em, và em đã giành được nhiều thành tích đáng nể.

Minh Hằng từng là 1 trong 10 thanh niên Tổng cục XDLL CAND xuất sắc tiêu biểu lần thứ nhất năm 2009; 1 trong 10  học viên Học viện CSND xuất sắc toàn Khóa học 2007-2012. Đại úy Nguyễn Minh Hằng từng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và “Thanh niên CAND xung kích trong cải cách hành chính” 2008-2010; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Giải thưởng “Sinh viên Nghiên cứu khoa học” năm 2009; Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về thành tích trong công tác đoàn và phong trào thanh niên trường học năm 2008.

Đại úy Nguyễn Minh Hằng được lựa chọn phân công tham gia phiên thảo luận nhóm 4: Vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước đến năm 2045 và có bài tham luận cá nhân với chủ đề “Vai trò của thanh niên, tri thức trẻ trong nhận diện, phòng, chống tội phạm phi truyền thống thời đại 4.0”.

Cô cho rằng, phòng, chống tội phạm phi truyền thống là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi lực lượng cán bộ Công an trẻ phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, hiểu biết pháp luật trước những thủ đoạn, cách thức mà tội phạm công nghệ 4.0 tác động tới; đồng thời chủ động phòng ngừa cho chính mình, người thân, gia đình; góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật - phát huy tính sáng tạo, cùng đóng góp các kỹ năng, ứng dụng khoa học trong đấu tranh chống lại các thủ đoạn cách thức của tội phạm phi truyền thống.

Minh Hằng còn cho rằng, thanh niên phải rèn luyện lối sống lành mạnh, xây dựng cá nhân, gia đình, xã hội văn minh, nhân ái.

Cũng giống như hai nữ cán bộ Công an trẻ tiêu biểu Quỳnh Mai và Minh Hằng, Thượng úy Vũ Duy Linh, giảng viên Khoa Luật, Học viện ANND cũng có một “bộ sưu tập” bằng khen, giấy khen, trong đó có Bằng khen của Trung ương đoàn và 2 giấy khen của Tổng Cục Xây dựng Lực lượng Bộ Công an; 4 giấy khen của Giám đốc Học viện ANND…

Thượng úy Vũ Duy Linh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Duy Linh tham gia diễn đàn với nội dung “Phát huy vai trò của thanh niên trong nâng cao và phổ biến văn hoá đọc ở Việt Nam thời  đại 4.0. Theo Linh, đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng dành cho giới trẻ Việt Nam vì hiện văn hóa đọc đang xuống cấp, người trẻ ngày càng đọc ít; họ quá lệ thuộc vào điện thoại thông minh, vào công nghệ. Thói quen đọc sách đang dần bị mai một, họ ít nhắc về tác phẩm kinh điển hơn.

Thời gian của họ chủ yếu là lướt “facebook”, lướt “web”, xem game và nếu không sớm có giải pháp khắc phục, thì tương lai chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ như những con robot, tâm hồn xơ cứng. Do đó, theo Thượng úy Vũ Duy Linh, cần phải chú trọng hơn đến việc giáo dục văn hóa đọc sách trong nhà trường; giáo dục về việc đọc sách trong gia đình, để tạo cho giới trẻ một nền tảng đúng đắn, và có lòng đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách…


Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi