Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thiết thực và nhân văn "Ngày hội việc làm" cho người hoàn lương

Thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh Quảng Nam, ngày 23/10 vừa qua, Công an huyện Thăng Bình đã phối hợp Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Quảng Nam, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình tham mưu UBND huyện tổ chức "Ngày hội việc làm" với sự tham gia của hơn 100 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người CHXAPT trở về địa phương.

Ông Nguyễn Văn Húy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, việc THNCĐ sau khi CHXAPT không phải là một hành trình dễ dàng. "Những rào cản tâm lý, định kiến từ xã hội, cùng với những khó khăn về tìm kiếm việc làm và học nghề khiến cho nhiều người cảm thấy bối rối và lo lắng", ông Húy chia sẻ.

Thiết thực và nhân văn
"Ngày hội việc làm" tại huyện Thăng Bình đã giải đáp nhiều thắc mắc của người chấp hành xong án phạt tù, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người hoàn lương.

Theo Công an huyện Thăng Bình, tổng số người trong diện THNCĐ đang quản lý trên địa bàn huyện qua các năm là 773 người; trong đó, số người vi phạm pháp luật là 77 người. Riêng năm 2024, có 138 người CHXAPT THNCĐ và có 17 người (trong tổng số 138 người) vi phạm pháp luật lại. Với tỷ lệ trên, có thể thấy tỷ lệ tái phạm tội trong nhóm người đã CHXAPT vẫn còn khá cao.

Điều này cho thấy rằng, bên cạnh việc chấp hành xong án phạt, người CHXAPT còn rất cần sự hỗ trợ từ xã hội trên con đường hoàn lương để có thể bắt đầu lại cuộc sống. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ để những người tái hòa nhập bắt đầu cuộc sống mới như hỗ trợ phương tiện sinh kế, giới thiệu việc làm...

Theo ông Nguyễn Văn Húy, kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi. Chính vì vậy, tại "Ngày hội việc làm", mục đích không chỉ đơn thuần là việc cung cấp thông tin, mà còn là cơ hội để những người CHXAPT chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn mà họ đang gặp phải. Từ đó, các cơ quan chức năng cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, định hướng tương lai với những giải pháp cụ thể nhất.

Đồng thời, đội ngũ tư vấn viên của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam còn cung cấp thông tin để giúp người CHXAPT hiểu rõ về các cơ hội việc làm, học nghề hiện có; hỗ trợ, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để người chấp hành xong án có thể tự tin bước vào thị trường lao động".

Đồng thời, lãnh đạo huyện Thăng Bình cũng kêu gọi các cơ quan, tổ chức và cộng đồng hãy cùng chung tay, đóng góp để giúp những người đã chấp hành án có cơ hội bắt đầu lại cuộc sống. "Sự đồng lòng, chia sẻ của chúng ta sẽ tạo nên động lực, giúp họ vượt qua khó khăn và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng", ông Húy nói.

Tại "Ngày hội việc làm" ở huyện Thăng Bình, nhiều người CHXAPT đã nêu lên các ý kiến sát sườn như thủ tục, trình tự xóa án tích; điều kiện và thủ tục để tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tham gia sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cuộc sống… Tất cả các ý kiến của người CHXAPT đều được Công an huyện Thăng Bình và các cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng.

Dịp này, UBND huyện Thăng Bình đã trao 10 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho người CHXAPT có hoàn cảnh khó khăn; Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thăng Bình trao biểu trưng hỗ trợ vay vốn cho 2 người CHXAPT (100 triệu đồng/người). Bên cạnh đó, hàng chục lượt người CHXAPT đã được tư vấn, giới thiệu việc làm lần này; một doanh nghiệp chế biến gỗ có trụ sở tại thị xã Điện Bàn đã tiếp nhận 3 người hoàn lương vào làm việc; một công ty tư vấn xuất khẩu lao động tại Nhật Bản đã tiếp nhận 1 người hoàn lương để làm thủ tục đi Nhật làm việc.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Quảng Nam, ngoài chương trình "Ngày hội việc làm", trong những năm qua, lực lượng Công an các cấp tại Quảng Nam đã xây dựng nhiều mô hình THNCĐ hoạt động hiệu quả, điển hình như "Mô hình 4 trách nhiệm"; "Mô hình hoàn lương"; "Mô hình 3+1"; "Mô hình vươn lên"; "Mô hình quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại địa bàn dân cư", "Mô hình chung tay giúp đỡ người lầm lỡ"…

Thông qua các mô hình đã giúp đỡ người CHXAPT có thêm điều kiện, nghị lực và sự tự tin để vươn lên trong cuộc sống. Trong thời gian đến, Công an tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc điều tra, khảo sát những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu, nguyện vọng của người CHXAPT và công tác phối hợp, tham mưu UBND cấp huyện tổ chức "Ngày hội việc làm" đối với Công an các địa phương chưa triển khai thực hiện.

Công an tỉnh Quảng Nam cho biết từ đầu năm 2024 đến nay đã có 3 đợt "Ngày hội việc làm" được tổ chức tại huyện Phước Sơn, TP Hội An và huyện Thăng Bình. Theo kế hoạch, đầu tháng 11 tới, "Ngày hội việc làm" sẽ được tổ chức tại thị xã Điện Bàn. Đây là hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án "Về THNCĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" của Công an tỉnh Quảng Nam. Ngày 14/11/2023, Công an tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn số 5323/CAT-PC10 chỉ đạo Công an các địa phương chủ động khảo sát, phối hợp với Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Phòng LĐ-TB&XH tham mưu UBND cùng cấp tổ chức chương trình gặp mặt, đối thoại, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, vay vốn cho người CHXAPT.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi