Đại tá Vũ Văn Tấn cũng thông tin, chiều 2/10, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ bấm nút kích hoạt thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp và Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trên toàn quốc, tất cả các địa phương trên cả nước đã đồng loạt triển khai nhiệm vụ trên.
Trước đó, để phục vụ cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID nhân rộng từ TP Hà Nội và Thừa Thiên Huế ra cả nước, ngày 20/9, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) đã ký kế hoạch phối hợp ban hành Quy trình số 570 thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Quy trình gồm 10 bước, quy định chi tiết từng nội dung cụ thể gồm: Công dân kê khai hồ sơ và thực hiện thanh toán phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; gửi hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ; cơ quan Công an thực hiện tra cứu, xác minh; nhận, cập nhật kết quả tra cứu, xác minh; lập Phiếu lý lịch tư pháp điện tử và trả kết quả cho người dân. Đối với trường hợp công dân không có thông tin về án tích, thực hiện trả kết quả giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.
Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, việc ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID nhằm cụ thể hóa chính sách, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để công dân lựa chọn phương thức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phù hợp.
Bên cạnh phương thức yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố, công dân có thể thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.
Theo báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen ngợi, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Cụ thể, Hà Nội đã tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5000 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương trên. Ước tính khi thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.
Nhằm triển khai hiệu quả việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc qua VNeID, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương thực hiện làm sạch dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu tư pháp; phối hợp với Bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và các đơn vị liên quan đồng bộ dữ liệu về an tích, dữ liệu các bản án, phục vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hoàn thành trước ngày 30/12/2024.
Các địa phương cũng chủ động rà soát làm sạch dữ liệu, duy trì dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” về lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích, tiến tới đồng bộ, rút ngắn thời gian cấp phiếu và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân…
Nguồn: Báo CAND