Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tin tưởng rằng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu mới được thành lập sẽ là "quả đấm thép", là lực lượng mũi nhọn trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Bộ trưởng Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi với đại biểu bên lề kỳ họp Quốc hội
Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an đã có nhiều giải pháp quyết liệt để xử lý buôn lậu và đạt được những kết quả tích cực.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp với các ngành chức năng đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Xử lý 48.000 vụ buôn lậu trong 5 tháng
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, năm 2014, cơ quan điều tra công an các cấp phối hợp cơ quan chức năng đã khám phá 13.884 vụ phạm tội về kinh tế, tăng 14,38% so với năm 2013, chống thất thu thuế hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm, đã xử lý 48.000 vụ buôn lậu, thu về cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng tăng thu ngân sách Nhà nước.
Lực lượng công an các cấp đã khám phá nhiều vụ buôn lậu với số lượng lớn, như vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty TNHH Hoàng Sơn tại vùng biển Thanh Hóa, khởi tố 5 bị can; vụ Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp buôn lậu xăng dầu tại vùng biển Quảng Ninh; vụ buôn lậu than tại Quảng Ninh, thu giữ hàng trăm nghìn tấn than và nhiều tang vật, tài liệu khác liên quan đến vụ án, khởi tố 15 bị can...
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại để trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đối với các mặt hàng như xăng dầu, than, thuốc lá, đường, thực phẩm chức năng, hàng điện tử, điện lạnh.
Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này rất tinh vi, xảo quyệt, xuất hiện nhiều đường dây buôn lậu quy mô lớn, có tổ chức, đặc biệt tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, cả tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, một số vụ có sự thông đồng giữa các đối tượng trong và ngoài nước, có sự móc nối, tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan quản lý Nhà nước. Tình hình đó đòi hỏi công tác chống buôn lậu phải quyết liệt hơn với các giải pháp căn cơ, các lực lượng chống buôn lậu phải được đầu tư chuyên sâu, sắc bén.
"Quả đấm thép" trong chống buôn lậu
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới, ngày 9/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và vận chuyển, kinh doanh hàng hóa trái phép; xác lập các chuyên án trọng điểm, đấu tranh với các băng nhóm tội phạm buôn lậu có tổ chức như buôn lậu như: Thuốc lá, xăng dầu, rượu, thực phẩm chức năng, than, điện tử, điện lạnh... để bóc gỡ, điều tra, xử lý nghiêm.
Đồng thời, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và các Bộ, ngành chức năng rà soát tổng thể thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua, đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm xử lý nghiêm loại tội phạm này.
Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục củng cố lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của chỉ huy công an các đơn vị, địa phương, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án đã khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…
Thực hiện Đề án về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy Bộ Công an (đã được Bộ Chính trị phê duyệt), vừa qua Bộ Công an đã thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu.
Việc thành lập Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu là chủ trương đúng đắn, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu nhằm tập trung nhân lực, vật lực, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm trọng điểm này, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, chống thất thu thuế…
Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức cơ sở đảng, sắp xếp cán bộ phù hợp theo mô hình tổ chức mới; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy trình công tác; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện và các điều kiện đảm bảo khác để sớm ổn định, đi vào hoạt động.
Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu tập trung xác lập các kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án triệt xóa các tổ chức, tụ điểm buôn lậu, làm hàng giả. Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, đây sẽ là lực lượng mũi nhọn, là “quả đấm thép” trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết để công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu đạt hiệu quả, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm nói chung và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu nói riêng phải bám sát nhiệm vụ chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, khắc phục khó khăn, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ về mọi mặt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, kết hợp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước nhằm phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ có hành vi tiêu cực, tiếp tay, “bảo kê” cho các đối tượng buôn lậu.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK