Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín để giữ buôn làng Tây Nguyên bình yên

Những ngày đầu tháng 11/2024, chúng tôi có dịp trở lại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk sau hơn một năm kể từ ngày nhóm khủng bố tấn công vào trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur hồi tháng 6/2023, đã chứng kiến nhịp sống buôn làng rộn rã, tươi vui, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số hân hoan chào đón một vụ mùa bội thu.

Nhớ lại những ngày nhóm khủng bố đến gây mất an ninh trật tự tại địa phương, già làng Y Quá Ênuôl (người có uy tín ở buôn Chiết, xã Ea Tiêu) cho biết: "Ngay sau khi nghe tin nhóm khủng bố đến địa bàn xã gây mất an ninh trật tự, bản thân mình cùng với anh em trong Ban tự quản thôn đã chia nhau đi đến từng hộ dân để giải thích, trấn an bà con không được hoang mang, lo sợ mà phải đoàn kết, thực hiện nghiêm theo chỉ dẫn của chính quyền địa phương", già Y Quá Ênuôl nhớ lại.

Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín để giữ buôn làng Tây Nguyên bình yên -0
Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên tổ chức ngày hội mừng nhà mới.

Nhờ uy tín của già làng Y Quá Ênuôl cũng như anh em trong Ban tự quản thôn, người dân nơi đây đã một lòng đoàn kết, không nghe, không theo lời dụ dỗ của kẻ xấu. Cũng chính từ đây, những đối tượng tham gia trong nhóm khủng bố đã được người dân tố giác, bắt giữ.

Còn buôn Kon H'rinh, xã Ea H'Đinh, huyện Cư M'gar một thời từng bị tà đạo Hà Mòn "quét" qua khiến cuộc sống của bà con nơi đây bị đảo lộn. Nhớ lại những ngày tháng ấy, già làng A Voan (buôn trưởng buôn Kon H'rinh) cho hay: Khi tà đạo Hà Mòn xâm nhập vào đã khiến cho cuộc sống của người dân trong buôn bị đình trệ. Toàn buôn chỉ có hơn 300 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu nhưng nhiều người dân bị dụ dỗ theo tà đạo. Ngày ngày họ chỉ biết uống rượu, không lao động sản xuất, trốn chạy khỏi lời khuyên nhủ của chính quyền địa phương khiến người dân trong buôn đói nghèo.

Cũng theo lời già làng A Voan, khi nhận thấy đồng bào mình đang bị lầm đường, lạc lối, bản thân phối hợp với cán bộ các cấp, ngành địa phương tổ chức các cuộc họp buôn để tuyên truyền, chủ động đến từng nhà người thân của các đối tượng để khuyên nhủ, tìm cách liên lạc trực tiếp với các đối tượng theo tà đạo để vận động họ trở về, qua đó bà con trong buôn đã hiểu mà từ bỏ hẳn tư tưởng theo tà đạo.

"Đến nay, hầu hết người dân trong buôn đã từ bỏ tà đạo, quay về sinh hoạt với tôn giáo thuần túy. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng so với trước đây, đời sống của bà con buôn Kon H'ring đã có nhiều khởi sắc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, bà con yên tâm sản xuất, chấp hành pháp luật của Nhà nước", già A Voan cho hay.

Nói về vai trò của người có uy tín, ông Võ Ngọc Phương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cư Kuin cho biết, toàn huyện có 8 xã, trong đó có đến 6 xã vùng I, vùng dân tộc thiểu số với 4 buôn đặc biệt khó khăn. "Huyện Cư Kuin hiện có 34 người có uy tín. Họ chính là những hạt nhân nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền vận động người thân, bà con không tin, không nghe theo lời dụ dỗ, luận điệu của các thế lực thù địch", ông Phương cho hay.

Cũng theo ông Phương, để phát huy vai trò của đội ngũ quần chúng đặc biệt này, địa phương luôn thực hiện tốt chính sách người có uy tín như thăm hỏi, tặng quà dịp Tết, tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm. "Ngoài việc thực hiện đảm bảo các chế độ, chính sách chung dành cho người có uy tín, các cấp, ngành địa phương trên địa bàn huyện cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên người có uy tín lúc ốm đau. Hàng năm, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên tổ chức biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số để họ có thêm động lực để cống hiến", ông Phương nói.

Đánh giá về vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Hà Huy Quang, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, là cầu nối chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào các dân tộc thiểu số, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ người có uy tín luôn đi đầu trong các phong trào đảm bảo an ninh, trật tự, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, ngành, địa phương phát động. Bằng lời nói, hành động, người có uy tín đã nói cho người dân nghe, giải thích cho người dân hiểu, gương mẫu thực hiện để người dân tin tưởng và làm theo, đặc biệt là trong phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cấp ủy chính quyền các cấp về vai trò, vị trí quan trọng của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", ông Quang đánh giá.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi