Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phát huy “thế trận lòng dân” trong công tác PCCC và CNCH góp phần giữ vững ANTT và an sinh xã hội

Xuất phát từ đặc thù mang tính xã hội hóa sâu sắc, là một bộ phận quan trọng của lực lượng Công an nhân dân, việc giữ vững lòng dân, phát huy Thế trận lòng dân là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), góp phần xây dựng nền an ninh quốc gia, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy “thế trận lòng dân” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ góp phần giữ vững ANTT và an sinh xã hội -0
Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh kịp thời cứu ngư dân bị đuối nước trên biển trong cơn bão số 3.

Trong suốt 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thấm nhuần quan điểm của Đảng, vận dụng tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH đã luôn bám sát địa bàn, cơ sở vận động nhân dân tham gia công tác PCCC, xây dựng nhiều mô hình phong trào, điển hình tiên tiến trong các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, tạo thành Thế trận lòng dân vững chắc trong công tác PCCC và CNCH.

Để kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân tham gia công tác PCCC và CNCH phục vụ sự nghiệp đổi mới, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu, đề xuất Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xây dựng phong trào Toàn dân PCCC phát triển lớn mạnh. Ngày 29/6/2001, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy tại kỳ họp thứ 9.

Đây là văn bản pháp lý cao nhất về PCCC thể hiện tính kế thừa, tính thực tiễn dựa trên cơ sở yêu cầu phát triển của đất nước với những nguyên tắc mang tính khoa học, tính quần chúng cao, thể hiện vai trò to lớn của nhân dân trong công tác PCCC. Về nguyên tắc hoạt động, Luật Phòng cháy và chữa cháy xác định phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy; quy định nguyên tắc: “Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ”. Luật cũng quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày toàn dân PCCC ".

Cùng với Luật Phòng cháy và chữa cháy, nhiều văn bản pháp lý của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng phong trào Toàn dân PCCC, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào sự nghiệp PCCC và CNCH: Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, Nghị quyết 99/2019/QH14, ngày 27/11/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC, Quyết định 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội đều nhấn mạnh nội dung xây dựng phong trào Toàn dân PCCC phải bảo đảm sâu rộng; gắn liền với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với phương châm bốn tại chỗ, trong đó, xác định xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trên cơ sở lấy lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành là nòng cốt.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 99/2019/QH14, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC.

Để phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Bộ Công an xây dựng Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Từ những chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an các địa phương mỗi năm ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo công tác xây dựng phong trào và xây dựng đội PCCC cơ sở, dân phòng và chuyên ngành. Năm 2020, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH ban hành Quyết định số 380/QĐ/C07-P2 ban hành Quy định phân loại đội PCCC cơ sở và dân phòng. Đây là cơ sở giúp Công an các địa phương đánh giá, phân loại hằng năm, từ đó xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng và xây dựng mới các đội PCCC cơ sở và dân phòng.

Công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy được chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, trong đó đặc biệt chú trọng các đội PCCC ở các đơn vị, cơ sở, khu dân cư trọng điểm về cháy, nổ. Đến tháng 11/2021, đã có 63/63 công an địa phương phối hợp với chính quyền địa phương ban hành kế hoạch và tổ chức xây dựng mô hình phong trào Toàn dân PCCC bảo đảm theo chỉ tiêu đã đăng kí.

Toàn quốc đã xây dựng, duy trì và triển khai nhân rộng 217 mô hình điển hình, hoạt động có hiệu quả trong phong trào PCCC; 57/63 Công an địa phương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở phấn đấu trở thành đơn vị điển hình tiên tiến hoặc giữ vững danh hiệu điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân PCCC theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. Năm 2023 có 6.826 đơn vị đăng ký trở thành đơn vị điển hình tiên tiến và giữ vững danh hiệu điển hình tiên tiến. Kết quả xét có 4.431 đơn vị đủ điều kiện và được công nhận đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC…

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Nhà tôi ba có; Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy; Khu công nghiệp an toàn PCCC; Nhà tôi có bình chữa cháy; Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ; Hiến đất mở rộng hẻm; Hộp thư PCCC; Phường, xã, thị trấn điểm an toàn PCCC; Mô hình 4 lớp về PCCC; Gia đình có ít nhất 2 lối thoát nạn và có bình chữa cháy, phương tiện thoát nạn…

Trong đó, nổi lên mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC. Đây là một mô hình an toàn được sáng tạo từ thực tế công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy ở các khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ. Tổ Liên gia an toàn PCCC được thành lập bởi 5 hộ dân cư liền kề nhau trở lên (bao gồm hộ sinh sống và hộ sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ). Mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và 1 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...); lắp chuông, đèn cảnh báo cháy (nút trong nhà, 1 nút ngoài nhà). Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kỳ nút nào, toàn bộ chuông đều kêu và báo nhà bị cháy, sự cố. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong các hộ gia đình đều được hướng dẫn các biện pháp PCCC, thoát nạn và cách sử dụng các dụng cụ, phương tiện PCCC...

Đến nay, cả nước đã xây dựng 52.566 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 59.715 “Điểm chữa cháy công cộng trên toàn quốc”. Nhiều vụ cháy xảy ra đã được các thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC dập tắt ngay từ khi mới phát sinh, ngăn chặn được cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình vào lúc 0 giờ 53 phút ngày 15/1/2023, ông Nguyễn Hữu Nghĩa (60 tuổi), Tổ trưởng Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy tổ 8, khu phố 6, phường Tân Hưng Thuận, quận 12 cùng các thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC và người dân đã dùng búa phá cửa sắt, cứu người, di chuyển tài sản, đồng thời dùng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy tại nhà dân số 222/10 tổ 8, khu phố 6, phường Tân Hưng Thuận, hỗ trợ được 5 người thoát nạn an toàn, bảo vệ được toàn bộ tài sản trong căn nhà...

Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, dân vận, lấy dân làm gốc, “đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết”, phong trào toàn dân PCCC và CNCH đã phát triển lớn mạnh về chất và lượng, thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ở các đơn vị, cơ sở, khu dân cư. Toàn quốc đã thành lập 80.559 đội dân phòng trên tổng số 103.568 thôn, (đạt tỷ lệ 77,7%) với 824.184 thành viên. Trung bình mỗi đội có biên chế khoảng 10 thành viên.

Trong tổng số đội dân phòng được thành lập có 55.499 đội thành lập theo quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy (đạt 68%); 32% số đội còn lại được thành lập từ các lực lượng: Bảo vệ dân phố (6.261 đội), Công an xã bán chuyên trách (2.946 đội), dân quân tự vệ (2.122 đội) và các lực lượng khác (13.731 đội). Về đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, đã thành lập 325.087 đội trên tổng số 340.945 cơ sở thuộc diện phải thành lập đội PCCC cơ sở (chiếm 95,35%) với 2.321.061 thành viên.

Trung bình mỗi đội có biên chế khoảng 07 thành viên. Về đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành đã thành lập 460 đội/ 634 cơ sở chuyên ngành (đạt tỷ lệ 72,5%), với 8.540 thành viên (trung bình mỗi đội có biên chế khoảng 18 thành viên). Trong tổng số đội chuyên ngành có 132 đội hoạt động theo chế độ chuyên trách (chiếm 28,7%); 328 đội hoạt động theo chế độ không chuyên trách (chiếm 71,3%). Có 194 đội được thành lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; 19 đội được thành lập các cảng hàng không; 247/460 đội được thành lập tại các cơ sở như kho xăng dầu, công ty chế biến khí, dầu mỏ, công ty nhiệt điện...

Trong những năm qua, các lực lượng PCCC tại chỗ đã trở thành nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư. Hằng năm, lực lượng này đã phát hiện và dập tắt kịp thời trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra, góp phần ngăn chặn cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong nhiều vụ cháy, CNCH phức tạp người dân đã tình nguyện “kề vai, sát cánh” cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH lao vào đám cháy, công trình sập đổ cứu người, cứu tài sản; mang thức ăn, nước uống tiếp sức cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hoàn thành nhiệm vụ.

Điển hình như vụ cháy tại ngõ 29/70 Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội làm 56 người chết, 37 người bị thương, nhiều người dân và Đội tình nguyện sơ cứu Fas Angle đã cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH giải cứu hàng chục người mắc kẹt trong đám cháy, đưa những người thương vong ra ngoài. Nhiều tấm gương quần chúng nhân dân dũng cảm cứu người trong những tình huống cháy, sự cố, tai nạn nguy cấp được người dân tôn xưng là những "người hùng thầm lặng", được lãnh đạo Đảng, Nhà nước khen thưởng. Điển hình như anh Nguyễn Đức Chính - Nam Định, được Chủ tịch nước cảm ơn, khen ngợi về hành động dũng cảm nhảy từ cầu Thịnh Long với độ cao gần 30m để cứu một nữ sinh lớp 8 đang chới với trong dòng nước chảy xiết, đưa vào bờ an toàn; anh Trung Văn Nam, ở Hoàng Mai, Hà Nội khi phát hiện có người mắc kẹt trong đám cháy nhà dân, đã không quản ngại nguy hiểm, tiếp cận đám cháy cứu sống cháu bé 14 tuổi được Phó Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…; anh Ngô Văn Khanh và Ngô Quốc Trung được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm... về thành tích cứu sống nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ)...

Từ những nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, phong trào Toàn dân PCCC và CNCH đã ăn sâu, bám rễ trong nhân dân, trở thành một bộ phận không thể thiếu của lực lượng PCCC và CNCH Việt Nam. Những hoạt động của phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy đã góp phần đắc lực kéo giảm số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn sự cố gây ra, đóng góp vào thành quả chung của sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự, an sinh xã hội. Đây cũng là kết quả cụ thể của việc giữ vững lòng dân, xây dựng Thế trận lòng dân trong công tác PCCC và CNCH.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi