Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những ngôi nhà từ lòng nhân ái

Ngoài xây mới, nhà tạm, nhà dột nát được sửa chữa; nhiều người dân nghèo, gia đình chính sách đã có nơi an cư lạc nghiệp, yên tâm lao động, sản xuất và chung tay bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.

6-1.jpg -0
Bộ trưởng Lương Tam Quang và lãnh đạo Bộ Xây dựng, Tỉnh ủy Trà Vinh trao quà, chia sẻ niềm vui cùng các hộ dân được tặng nhà tại Lễ khánh thành, Ngày 8/10/2024.

Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, với tinh thần “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm nhà” là một chủ trương đúng đắn, rất nhân văn của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an trong nhiều năm qua. Bộ đã giao các đơn vị chức năng cùng với công an địa phương, phối hợp với các cấp chính quyền rà soát, xét chọn các hộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện hỗ trợ nhà để đảm bảo công bằng, đúng đối tượng; triển khai thí điểm tại các hộ gia đình trên địa bàn, từ đó, chọn ra những mẫu nhà phù hợp để triển khai hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách trên diện rộng.

Từ năm 2021 đến nay, Bộ Công an đã tích cực, chủ động trong công tác an sinh xã hội, phối hợp hỗ trợ xây dựng, cải tạo, sửa chữa 17.365 ngôi nhà với kinh phí 703,89 tỷ đồng giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước; đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế, vùng chiến lược: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn.

Năm 2021, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị đã hỗ trợ xây dựng, cải tạo, sửa chữa 6.561 căn nhà, tương đương 192,89 tỷ đồng. Trong đó, tại Hòa Bình 200 căn nhà, Thanh Hóa 600 căn, Điện Biên 2.300 căn, Cao Bằng 879 căn, Lai Châu 1.062 căn, Yên Bái 100 căn, Tuyên Quang 200 căn và Sơn La là 1.220 căn. Năm 2022, đã hỗ trợ xây dựng, cải tạo, sửa chữa 2.500 căn nhà, tương đương 125 tỷ đồng tại các tỉnh: Lai Châu 600 căn, Hà Giang 500 căn và Tuyên Quang 1.400 căn. Năm 2023, đã hỗ trợ xây dựng, cải tạo, sửa chữa 5.220 căn nhà, tương đương 261 tỷ đồng, tại các tỉnh: Nghệ An 2.820 căn; Bắc Kạn 200 căn, Sóc Trăng 1.200 căn và Hà Tĩnh là 1.000 căn.

Năm 2024, trong bối cảnh thiên tai có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), với quyết tâm, nỗ lực cao, lực lượng CAND đã hoàn thành 1.200 căn nhà tại Đắk Lắk, tương đương 60 tỷ đồng và Trà Vinh là 1.300 căn, với số tiền tương đương 65 tỷ đồng. Hiện, các đơn vị đang thực hiện hỗ trợ xây dựng, cải tạo, sửa chữa 118 căn nhà bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ tháng 7/2024 và 466 căn nhà bị sập đổ do hậu quả của bão số 3. Cũng trong năm 2024, Bộ Công an chủ trì, kêu gọi, vận động xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ xây dựng trường học tại Lai Châu với số tiền 5 tỷ đồng để xây dựng nhà ở nội trú trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần; đang triển khai xây dựng trường THCS Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang với tổng kinh phí 15 tỷ đồng...

Hiện nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng CAND đang nỗ lực triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai thực hiện Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 6/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Cụ thể, sẽ triển khai làm 6.000 căn nhà cho hộ nghèo tại Cao Bằng, với tổng kinh phí 362 tỷ đồng.

Để có được thành công đó, có vai trò quan trọng của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, đặc biệt là dấu ấn của người đứng đầu - đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an; có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, trong đó có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự đồng tình, ủng hộ cao của bà con các dân tộc... Bộ Công an đã kêu gọi, vận động, xã hội hóa nguồn lực để ngày càng nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách có được ngôi nhà kiên cố, khang trang hơn.

Những ngôi nhà nhân ái đã góp phần giúp các hộ dân yên tâm lao động, sản xuất, bám đất, bám bản, hạn chế di cư tự do và tham gia các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật khác; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Qua đó, các giá trị nhân văn ngày càng được lan tỏa trong đời sống, góp phần tô thắm truyền thống nhân ái của dân tộc ta, lan tỏa hình ảnh đẹp “Vì nhân dân phục vụ” của lực lượng CAND.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi