Thứ Tư, 30/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những bài học vô giá từ V.I.Lê-nin

“V.I.Lê-nin sống nhiều hơn cả những người đang sống”, dòng chữ trên tấm bảng tưởng niệm với niềm tiếc thương và kính yêu vô hạn này vẫn khắc sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ người Nga từ hơn 90 năm nay, kể từ ngày vị lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tháng Mười qua đời.

Sau nhiều sự cố và tranh cãi, đến nay, quan điểm của Điện Kremlin vẫn là không cần di dời di hài V.I.Lê-nin ra khỏi Quảng trường Đỏ. Điện Kremlin vẫn xem V.I.Lê-nin là một phần lịch sử của nước Nga và không có lý do gì để dời linh cữu Người cha đẻ của Cách mạng Tháng Mười 1917 ra khỏi Quảng trường Đỏ.

Qua bao năm tháng, những giá trị tư tưởng vĩ đại và công lao to lớn của V.I.Lê-nin vẫn tiếp tục ngời sáng và được trân trọng ở nhiều nơi trên thế giới, đó là điều không ai có thể phủ nhận được. Với Việt Nam, V.I.Lê-nin đã là “vị cứu tinh” khi chỉ ra con đường để đất nước ta thoát khỏi đêm trường đau khổ của hai ách thực dân và phong kiến.

Tháng 7/1920, sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, tại Pháp, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã đọc được bản “Sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lê-nin (đăng trên báo Nhân đạo, Pháp). Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

Không chỉ sau khi đất nước được giải phóng, thoát khỏi cuộc khủng hoảng của thời kỳ bao cấp và quá độ lên CNXH mà trong hoàn cảnh thực tiễn hiện nay, chúng ta ngày càng hiểu sâu sắc câu nói vô giá của V.I.Lê-nin: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”.

Đảng ta đã thành công trong công tác lý luận với thành tựu đưa đất nước vượt qua được khủng hoảng ở những năm 1980 và bước đầu hội nhập thành công trong những năm 1990. Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã biến chuyển quá nhanh, trở nên phức tạp và khó dự đoán hơn với cơn lốc toàn cầu hóa. Vì vậy, lý luận cũng buộc phải tiếp tục được sáng tạo phù hợp. Trong Chính sách kinh tế mới đưa ra năm 1921, V.I.Lê-nin đã nêu bật quan điểm: “Không thể giải quyết những nhiệm vụ của ngày hôm nay chỉ bằng những hiểu biết và kinh nghiệm của ngày hôm qua.” Có rất nhiều vấn đề về lý luận đặt ra để tiến hành những cuộc cách mạng về mọi lĩnh vực như: Giáo dục, cải cách hành chính - tư pháp, nông nghiệp - nông thôn - nông dân, khoa học - công nghệ…. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện đang khó khăn, Việt Nam rất cần tìm ra cách đi để phát triển kinh tế cho chính mình.

Ngay trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng (khóa X) tại Đại hội XI đã nêu rõ: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình"...

Chúng ta trân trọng quá khứ nhưng hãy lấy đó là những bài học để làm cho công tác lý luận phải được phát huy trong tình hình mới. Lý luận phải định dạng và dự báo được tương lai, cách mạng không thể nhờ ứng phó mà phải do sáng tạo mới có được.

Để có cuộc cách mạng đúng nghĩa thì trước hết phải có được cơ sở lý luận. Nhưng để cách mạng đạt được thắng lợi như mong muốn thì cần phải có “kỷ luật” như lời V.I.Lê-nin: “Kỷ luật là chiến thắng”. Tư tưởng này được Lê-nin thể hiện rõ trong tác phẩm “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản”. Theo V.I.Lê-nin, Đảng và chính quyền của những người Bôn-sê-vích trụ vững vàng được là nhờ có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật sắt thật sự. Đảng có kỷ luật nghiêm minh, chặt chẽ thì mới thực hiện được sự lãnh đạo tập trung thống nhất, mới xây dựng được khối đoàn kết trong nội bộ Đảng. Có kỷ luật mới tăng cường được sức mạnh của Đảng, mới chiến thắng được mọi kẻ thù. Đảng có kỷ luật nghiêm minh mới vạch mặt và đuổi được bọn cơ hội chủ nghĩa dưới mọi màu sắc ra khỏi Đảng, làm trong sạch hàng ngũ Đảng… Kỷ luật là nguồn gốc tạo nên nhiều thắng lợi vẻ vang ở các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của chúng ta. Và nay, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng toàn diện để tiến lên một xã hội mới với mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, trên hành trình này, chúng ta lại phải đối mặt với hàng loạt “cuộc chiến”: Xóa đói giảm nghèo; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức và công dân trẻ; bảo vệ môi trường; tệ nạn xã hội…. Những thực trạng nguy hiểm này đều bắt nguồn từ sự thả nổi về “kỷ luật”. Hệ thống pháp luật còn có hàng loạt lỗ hổng, vừa thiếu lại vừa lỏng lẻo; chính sách quản lý trên nhiều lĩnh vực còn sơ sài và kẽ hở. Ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị vẫn còn có “vùng cấm”, vẫn còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”… Bên cạnh đó, trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị chức năng và cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, còn chưa rõ ràng và cụ thể. Tất cả những bất cập đó đã tạo điều kiện để nhiều hiện tượng tiêu cực nảy sinh, gây cản trở công cuộc đổi mới đất nước do làm mất mát rất nhiều nguồn lực để phát triển, từ niềm tin, con người, cơ sở vật chất đến thời cơ…  Do vậy, để bảo đảm có được thắng lợi trong hành trình tiến đến một xã hội tiến bộ thì tiền đề tiên quyết là phải xây dựng được một nhà nước pháp quyền XHCN và xã hội pháp trị, một đất nước "thượng tôn pháp luật".

Muốn củng cố công tác lý luận và chấn chỉnh kỷ cương thì cần phải có những con người ưu tú phù hợp. Yêu cầu này càng bức thiết hơn trong hoàn cảnh Đảng ta đang lãnh đạo đất nước, vấn đề xây dựng Đảng vững mạnh và trong sạch là yếu tố sống còn.

V.I.Lê-nin đã nói rằng: “Trong lịch sử chưa hề có giai cấp nào giành được quyền thống trị nếu nó không tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào.” Đối với người Việt Nam thì từ xưa đến nay, chúng ta đã quá hiểu chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.” Tuy nhiên, thực tế lại còn lắm lo âu. Công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng người còn nhiều bất cập. Ngành Giáo dục - đào tạo đang phải đổi mới căn bản và toàn diện. Hàng năm vẫn có hàng ngàn công dân nhận bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng số người đáp ứng được yêu cầu của công việc chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Không những vậy, nhiều nhân tài muốn vào các cơ quan công quyền phải chấp nhận những “nguyên lý bất thành văn” như “nhất thân nhì thế”, “bằng cấp thua bằng lòng”… Hệ quả là nhiều nhân tài đành sống "vật vờ" hay trở thành những ro-bot trong các công sở; cơ quan nhà nước đối mặt với nạn chảy máu chất xám. Đây là thực trạng báo động lớn đối với nước ta. Bài học này không hề cũ!

Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Bác Hồ đã viết bài “Nhân tài và kiến quốc”; tiếp đó, ngày 20/11/1946, báo đã đăng bài thông cáo “Tìm người tài đức” cũng của Bác với những lời lẽ tha thiết, chân thành trọng thị nhân tài. Nhờ vậy mà Bác đã tập hợp được nhiều nhà trí thức lớn về phục vụ đất nước như: Phan Anh, Bùi Bằng Đoàn, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch… Điều tất yếu, Đảng và chế độ XHCN sẽ trường tồn nếu xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân sự có đức, có tài, vừa hồng vừa chuyên, hội đủ tâm và tầm.

Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè