Thứ Tư, 30/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Đảng

Là các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, trong những năm qua, các cơ quan Đảng Trung ương đã phát huy truyền thống đóng góp nhiều ý kiến, đề tài quan trọng, góp một phần quan trọng vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng.

Khẳng định sự đóng góp trong công tác tham mưu

Tại Hội thảo chuyên gia góp phần tổng kết 30 năm đổi mới do Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích rõ những đóng góp quan trọng của các cơ quan Đảng Trung ương, đồng thời nhìn nhận, đánh giá những mặt còn hạn chế và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu cho Đảng.

Đánh giá của Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (HĐKH CCQĐTW) nêu rõ, trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt kinh tế xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Có được những thành tựu đó trước hết là nhờ Đảng ta đã có đường lối đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kiên quyết giương cao ngọn cờ độc lập dân chủ gắn liền với Chủ nghĩa xã hội để xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thông qua công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua các nhiệm kỳ, các ban Đảng Trung ương đã góp một phần quan trọng vào việc hoạch định các chủ trương chính sách đó.

Với chức năng tham mưu, tư vấn ở tầm chiến lược, các ban, cơ quan Đảng Trung ương có trọng trách cung cấp các luận cứ lý luận thực tiễn, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng, hoàn thiện đường lối chủ trương các chính sách lớn; triển khai công tác tuyên truyền giáo dục, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện điều lệ Đảng và các Nghị quyết của Đảng, làm nòng cốt đấu tranh bảo vệ tư tưởng đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Công tác tham mưu ngày càng bám sát, nắm bắt kịp thời, trúng hơn các vấn đề thực tiễn phát triển đất nước đặt ra, từ đó kiến nghị, đề xuất, tham mưu với Trung ương để Trung ương ban hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định phù hợp với tình hình đất nước. Nhờ đó, các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương phát huy tác động tích cực, nhanh chóng đi vào cuộc sống, quyết định sự phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Hệ thống các cơ quan tham mưu ở Trung ương không ngừng được củng cố, tổ chức lại, phân công, phân nhiệm hợp lý hơn, nhờ vậy phát huy tốt hơn sức mạnh tổng hợp, năng lực của từng cơ quan, cũng như của cả hệ thống. Các ban Đảng Trung ương đã xác lập được cơ quan đầu mối, chủ trì, điều phối các đề án, dự án để chuẩn bị trình Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định.

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu không ngừng được bổ sung, nâng cao chất lượng, được thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tham mưu được đa dạng hóa: đào tạo tập trung, bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo, bồi dưỡng trong nước, ngoài nước…

Phương thức, cách thức tham mưu không ngừng được đổi mới, ngày càng khoa học, bài bản hơn. Các chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định, quy chế của Trung ương đều dựa trên sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc thông qua việc triển khai chuẩn bị các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học của các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học, công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương cũng còn một số hạn chế, bất cập như việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng chưa ngang tầm; công tác dự báo tình hình còn nhiều bất cập; việc tham mưu để hoạch định và thực hiện một số chủ trương, giải pháp còn lúng túng… Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, chúng ta cần đổi mới về nhiều nội dung, hình thức, cách thức, phương pháp nghiên cứu.

Theo đồng chí Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, có hai khâu then chốt để nâng cao chất lượng công tác tham mưu. Một là, nâng cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ tham mưu, cụ thể: năng lực nghiên cứu, đề xuất; năng lực hướng dẫn kiểm tra và năng lực chỉ đạo thực hiện ở những lĩnh vực được ủy quyền. Về phẩm chất, tiêu chí và tố chất của cán bộ lãnh đạo và cán bộ tham mưu trên cả hai mặt chính trị và đạo đức căn bản không có gì khác nhau. Tuy nhiên, đối với cán bộ tham mưu, cần nhấn mạnh thêm những đức tính như khách quan, trung thực, dũng cảm, sáng tạo và chịu trách nhiệm đến cùng. Hai là, phát huy dân chủ trong công tác tham mưu, trong đó, cần xem xét 4 nhân tố khách quan có tác động trực tiếp: Dân chủ trong sinh hoạt Đảng nói chung, dân chủ của lãnh đạo đối với tham mưu, môi trường dân chủ trong xã hội và quy chế dân chủ cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Còn theo nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương: “Yêu cầu nâng cao chất lượng tham mưu của các ban Đảng Trung ương luôn đòi hỏi cao hơn vì tình hình thực tế ngày càng phong phú và có nhiều vấn đề phức tạp. Thứ nhất là khả năng tập hợp lực lượng. Thứ hai là khả năng chân thành lắng nghe mà không cố chấp. Thứ 3 là có bản lĩnh, kiến thức khoa học và thực tiễn vững vàng để chọn lựa tiếp thu những ý kiến hợp lý. Thứ tư, cần có thái độ thẳng thắn chọn lựa chính xác các lời khuyên, kiến nghị; dám nhiệt tình ủng hộ ý kiến đúng, dám thẳng thắn phê bình, góp ý với cấp trên, cấp cao khi thấy cần góp ý, cuối cùng là vai trò thủ trưởng của các cơ quan tham mưu vì chính họ là tiếng nói quyết định của tập thể trong việc khuyến khích và bồi dưỡng đội ngũ giúp việc của cơ quan”.

Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch HĐKH CCQĐTW cho rằng, cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan tham mưu, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan tham mưu cấp chiến lược. Trước tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đòi hỏi phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu mang tính đột phá để tham mưu cho Đảng; đổi mới tư duy quyết liệt hơn nữa; phải có những đột phá về mặt lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta để tham mưu phát triển hơn nữa đường lối đổi mới.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch HĐKH CCQĐTW nêu, các cơ quan tham mưu, cán bộ làm công tác tham mưu trước hết phải nắm vững chủ trương, đường lối, chiến lược, chương trình, mục tiêu phát triển trên các lĩnh vực của Đảng và Nhà nước để tham mưu đúng và trúng vấn đề. Đồng thời, phải nắm vững chương trình, kế hoạch công tác toàn khóa, hằng năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để xây dựng kế hoạch công tác, chủ động đề xuất các đề án, dự án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn phát triển bền vững đất nước.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, các cơ quan làm công tác tham mưu phải chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, khảo sát, tổng kết thực tiễn trên các lĩnh vực được phân công tham mưu, để phát hiện vấn đề, đề xuất, kiến nghị với Trung ương.

Theo Chủ tịch HĐKH CCQĐTW, với những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, hy vọng rằng các cơ quan Đảng Trung ương sẽ khắc phục được những khó khăn, tồn tại để tiếp tục phát huy truyền thống, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, trước mắt là tham mưu các nội dung chuẩn bị tốt việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới và chuẩn bị các văn kiện trình đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Biên tập: Mai Loan,  Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam

Gửi cho bạn bè