Cảm hóa học sinh bằng tình yêu thương
Trường Giáo dưỡng số 2 là nơi giáo dục những học sinh phạm tội từ trộm cắp, cướp tài sản, cố ý gây thương tích cho đến phạm các trọng tội. Sau khi được tòa án xét xử, do chưa đủ tuổi chấp hành hình phạt, các em được đưa vào đây. Mỗi đứa trẻ trước khi được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2 đều là những đứa trẻ hư nên chúng là đủ loại tâm lý, từ bất ổn, lầm lì khép kín đến ngỗ ngược, khó bảo. Hoàn cảnh của không ít học sinh cũng rất éo le.
Là người dân tộc Mông, M.T.H (Lai Châu) phạm tội trộm cắp tài sản nên được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2 để giáo dục. Điều đầu tiên khiến Đại úy Lê Thị Hồng Lụa chú ý đến H là cậu luôn giữ gương mặt buồn rầu, đôi mắt cúi xuống, lầm lì khó gần. Trong giờ học, cậu bé luôn tỏ ra lơ đễnh, không làm bài tập. Giờ ra chơi, H lủi thủi một góc mà không hòa đồng với các bạn. Tìm hiểu, cô Lụa biết H có hoàn cảnh gia đình éo le, bố mẹ ly hôn khi cậu bé chỉ hơn 7 tuổi. Sau đó, cả hai đều xây dựng gia đình riêng và để cậu bé sống cùng bà ngoại. Bà tuổi cao, kinh tế khó khăn nên H hay đi lang thang, có những hôm ngủ bờ ngủ bụi cùng lũ bạn lêu lổng. Không có tình yêu thương và sự dạy dỗ của bố mẹ, cậu bé nhanh chóng sa ngã vào con đường tội lỗi, theo chúng bạn đi trộm cắp tài sản.
Cô Lụa kể, trong khi các bạn khác có người nhà đến thăm, nhưng suốt quá trình học tại trường, H chỉ lủi thủi một mình. Nhìn cậu học trò lạc lõng, bơ vơ, tình yêu thương của một người giáo viên, một người mẹ trào dâng trong lòng cô Lụa. Tranh thủ vào những giờ ra chơi, cô gặp riêng và trò chuyện với H. Với giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, cô hỏi han về cuộc sống gia đình của cậu bé, đồng thời động viên H cố gắng học tập tốt để sau này về nhà với bà, trở thành người có ích cho xã hội. Trong lớp học, cô Lụa cũng đặc biệt chú ý tới H, tích cực tương tác với em để cậu học trò mạnh dạn hơn. Biết H không có người thân đến thăm, nhiều hôm, cô Lụa mua một túi bánh để mang tặng cho cậu học trò nhỏ. Dần dần, sự yêu thương, quan tâm săn sóc của cô Lụa đã khiến H mở lòng mình. Em nghe lời cô và chăm chỉ học văn hóa và chấp hành nghiêm túc nội quy.
Là người dân tộc Mông, lại chưa từng đi học nên việc dạy chữ, dạy đọc cho H không hề dễ dàng. “H phát âm những chữ đơn giản cũng luôn bị khuyết vần, như chữ “ang” thì phát âm thành “an”. Nét chữ nguệch ngoạc”, cô Lụa nhớ lại. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì động viên uốn nắn, dạy dỗ của cô giáo Lụa, H đã biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính, trở thành học sinh xuất sắc. Đến ngày hoàn thành xong khóa học, trước khi được trở về địa phương, H đã đến tận phòng giáo viên để chào cô Lụa cùng lời hứa “sẽ học nghề, làm người có ích cho xã hội”. Trước khi chia tay cậu học trò, cô Lụa cũng không quên gửi món quà nhỏ cho H để cậu vui vẻ trở về quê hương.
Trao gửi niềm tin hướng thiện cho học trò
Trong ánh nắng mát dịu của những ngày mùa thu, giờ ra chơi của các học sinh Trường Giáo dưỡng số 2 cũng diễn ra sôi động như bao ngôi trường khác. Thế nhưng, những học trò đang nói cười, vui vẻ này lại từng có quá khứ bất hảo. Giáo dục, dạy dỗ những học sinh “đặc biệt” này là sự khổ công, vất vả của những thầy cô giáo như Đại úy Lê Thị Hồng Lụa.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Ninh Bình, năm 2014, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa về nhận công tác tại Đội Giáo viên văn hóa, Trường Giáo dưỡng số 2. Là cô giáo trẻ mới ra trường, học sinh tại đây đều là trẻ vị thành niên hư, đa phần các em ở ngoài xã hội phạm tội trộm cắp, gây rối trật tự, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán ma túy, thậm chí là giết người. Có những em, khi đã vào trường vẫn thể hiện sự ngổ ngáo do ảnh hưởng từ quá khứ bất hảo.
Như trường hợp của em Nguyễn Văn K., quê ở Hà Nam. Với bề ngoài khá sáng sủa, thông minh, ít ai nghĩ rằng K. lại phạm tội trộm cắp. Không những vậy, tuổi còn ít nhưng do bạn bè rủ rê, lại thích thể hiện cái “tôi” của mình, K. xăm trổ khắp người. Cậu đã từng đi học nhưng do bỏ học lâu nên bị tái mù chữ. Ngày đầu K. thể hiện sự chống đối không chịu nghe giảng, không làm bài tập, chỉ ngồi chơi và nói chuyện, trêu đùa các bạn trong lớp. Mỗi khi có bài tập, K. luôn thể hiện mình đã “biết tuốt” không cần phải làm. “Tâm lý của tuổi mới lớn lại thích thể hiện mình nên tôi một mặt vừa nghiêm khắc nhắc nhở khi K. có lỗi, mặt khác lại tranh thủ những lúc rảnh rỗi để hỏi han, tâm sự với cậu bé để em hiểu được những lầm lỗi trong quá khứ và thay đổi suy nghĩ. Có lẽ, điều quan trọng nhất là tôi đã xây dựng được niềm tin trong K. về việc em sẽ thay đổi, hướng thiện và trở thành người có ích cho xã hội”, cô Lụa nhớ lại.
Như được “cởi trói” về tâm lý, K. bắt đầu nghe lời cô giáo trẻ, chịu khó tập trung học tập vè rèn luyện kỷ luật. Không chỉ sôi nổi trong giờ học, đối với những bài toán khó, tranh thủ giờ ra chơi, K. còn mạnh dạn mang sách vở sang phòng giáo viên tìm cô giáo Lụa để nhờ cô hướng dẫn ôn bài. Sự gần gũi, thân tình, tiếp lửa niềm tin từ cô giáo trẻ đã khiến cho cậu học trò ngỗ ngược ngày nào đã được cảm hoá. K. đã tâm sự với cô giáo và mong muốn thay đổi để sau này sống có ích hơn. Ngày chia tay trở về với gia đình, cậu học trò đã bật khóc nói: “Chưa có ai đặt niềm tin ở em nhiều như ở cô. Chính cô đã tạo cho em sức mạnh để vượt qua được chính mình”.
10 năm qua, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa đã chứng kiến bao lứa học sinh hoàn thành xong khóa học và trở về với gia đình, cô vẫn dõi theo mỗi bước chân của học trò trong quá trình tái hoà nhập. Nhiều em về địa phương đi học nghề, hoặc học tiếp văn hoá, ra trường có việc làm, xây dựng gia đình hạnh phúc. Dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã không dễ dàng, cảm hóa, khơi dậy niềm tin trong một đứa trẻ có quá khứ lầm lỗi lại càng khó khăn gấp bội.
Thế nhưng, với lòng say mê yêu nghề dạy học, cô Lụa đã luôn dành hết tâm huyết của mình, dùng tình yêu thương để cảm hóa, dạy dỗ những đứa trẻ đang chông chênh trước ngưỡng cửa cuộc đời trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội. Với những nỗ lực, cố gắng của mình, năm 2019, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa đã nhận được giải Nhất trong Hội thi giáo viên đạt giỏi các trường giáo dưỡng. Đặc biệt, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là một trong 60 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức tối 15/11.
Nguồn: Báo CAND