Ngày 10-10-1954, các lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện cuộc hành quân lịch sử tiến về Hà Nội, tiếp quản Thủ đô từ tay thực dân Pháp. Dưới chân Cột Cờ, quân và dân Thủ đô thay mặt quân dân cả nước làm lễ chào cờ, lắng nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng với muôn vàn tình cảm thân yêu. Trong lời kêu gọi, Người có viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô kháng chiến để cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn ở cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể.”
Trong không khí của những ngày tháng 10 lịch sử này, những hình ảnh về ngày giải phóng Hà Nội - ngày của chiến thắng sau 9 năm kháng chiến trường kỳ lại trỗi dậy trong những con người trực tiếp có mặt trong thời khắc thiêng liêng ấy và mỗi người được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Nhằm giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Hà Nội và du khách hiểu thêm về truyền thống anh hùng, bất khuất của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, qua đó nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới xây dựng đất nước và Thủ đô, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Hà Nội – Ký ức tháng Mười”.
Với gần 100 hình ảnh tư liệu và hơn 30 hiện vật được lựa chọn từ kho cơ sở của Bảo tàng Hà Nội, phòng trưng bày đã thực sự đưa người xem trở lại với những ký ức của những ngày Hà Nội vùng lên, mở đầu cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho đến thời khắc hân hoan mừng Thủ đô được giải phóng.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: Những hình ảnh và hiện vật sẽ truyền tải cho người xem hình ảnh người dân Hà Nội tự lực, tự cường vươn lên cùng cả nước chiến đấu chống thực dân Pháp. Những ngày tháng của mùa Thu lịch sử năm 1954 ấy sẽ luôn là tấm gương soi, là nguồn khích lệ với mọi tầng lớp nhân dân vượt gian nan, thử thách, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại.
Thích thú với những hiện vật được trưng bày, em Đào Minh Hằng, học sinh lớp 10D1, Trường THPT Trung Văn cho biết: “Những bức ảnh và hiện vật trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội – Ký ức tháng Mười” thực sự rất ấn tượng, giúp chúng em hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả cũng như truyền thống anh hùng, kiên trung của các bậc cha ông trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Em đã xem rất kỹ từng bức ảnh, hiện vật, càng xem càng cảm thấy vinh dự, tự hào về Thủ đô và về dân tộc mình!”
Dưới đây là một số hình ảnh về những bức ảnh, hiện vật trong chuyên đề "Hà Nội - Ký ức tháng Mười" đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội:

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve vào ngày 20-7-1954, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Trong ảnh là chuyến "dạo phố" cuối cùng của những người lính Pháp trên đường phố Hà Nội (Hàng Bông).

Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên. Trong ảnh là chiếc mô-tô của quân cảnh đi cuối đoàn quân Pháp rút dọc Hàng Bông về phía Bờ Hồ.


Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức treo cờ đỏ sao vàng, đổ ra đường chờ đón bộ đội. Trong ảnh là học sinh và trẻ em Hà Nội háo hức chào mừng đoàn quân ta trở về tiếp quản Thủ đô.

Sáng 8-10-1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Trong ảnh là bộ đội hành quân đến cầu Đuống, cửa ngõ phía Đông của Thủ đô.

Đến 6 giờ ngày 9-10-1954, quân đội lại theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành, chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Lần lượt bộ đội tiếp quản nhà ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ. Trong ảnh là những bước chân của những con người vừa làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy trên đường phố Hàng Đào.

Bộ đội tiến vào đến đâu, nhân dân đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng đến đấy. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà trong ngày 10-10-1954. Trên đây là quang cảnh người dân chờ đón đoàn quân trở về bên bờ hồ Hoàn Kiếm.

Còn đây là trước cửa Nhà máy đèn Bờ Hồ trong ngày tiếp quản.

8 giờ ngày 10-10-1954, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang…. đến 9 giờ 45 phút thì tiến vào Cửa Đông Thành Hà Nội.

15 giờ ngày 10-10-1954, hàng chục nghìn người dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn: Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình

Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô sau ngày về Hà Nội.

Hình ảnh đặc trưng của Hà Nội trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. Đó là bom ba càng, súng cac-bin tại từng ụ chiến đấu...

Mũ sắt và súng của Trung đoàn Thủ đô sử dụng trong 60 ngày đêm khói lửa 1946-1947.

Kiếm, giáo của tự vệ Thủ đô trong 60 ngày đêm khói lửa 1946-1947.

Bài hát "Hà Nội giải phóng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (Đỗ Quyên) mãi mãi in đậm trong ký ức của Người Hà Nội - Những nhân chứng cho sự sang trang của Thành phố.
Biên tập: Mai Loan – Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo Quân đội nhân dân online