Thứ Tư, 30/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kỷ niệm thiêng liêng của Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ

Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Bộ Công an ngày 20 tháng 9 năm nay tròn 60 tuổi. Ngày này đánh dấu sự ra đời của Trung đoàn Cảnh vệ ngày nay, nhưng trước đó, công tác cảnh vệ đã hình thành nên các đơn vị tiền thân AD và AT, Đại đội 32, Tiểu đoàn 600. Mỗi cái tên đều để lại dấu ấn lịch sử đáng nhớ đi vào ký ức thân thương của cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 600. Vinh dự tự hào biết bao tên Tiểu đoàn 600 được Bác Hồ đặt ngày nay lại được trở thành tên của Trung đoàn Cảnh vệ anh hùng - một “thương hiệu” tin cậy quen thuộc trong ngành Công an.

Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trung đoàn (20/9/1954 - 20/9/2014), đồng chí Đại tá Đậu Văn Diễn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 600 đã kể lại với chúng tôi những kỷ niệm thiêng liêng đáng nhớ qua mỗi thế hệ cán bộ chiến sỹ để lại hôm nay.

Những đơn vị “đặc biệt”bảo vệ lãnh tụ đầu tiên

Trong bầu không khí cởi mở vui mừng ngày kỷ niệm thành lập Trung đoàn, tiếp tôi trong căn phòng làm việc ấm cúng của đồng chí Trung đoàn trưởng, đồng chí kể.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến năm 1950 đã đi hơn nửa chặng đường, chuẩn bị bước vào giai đoạn phản công quyết liệt,  Bác Hồ và Thường vụ Trung ương hoạt động khẩn trương dồn dập trên khắp các địa bàn và chiến trường để lãnh đạo kháng chiến. Thực dân Pháp với âm mưu chiếm đóng lâu dài, muốn bóp chết bộ máy kháng chiến và ám sát cán bộ của ta cũng đẩy mạnh hoạt động tiến công phá hoại căn cứ ATK.

Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương quyết định thành lập những đơn vị “đặc biệt” để vũ trang trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và những cán bộ cấp cao của  Đảng. Tháng 5/1950, tiểu đội AD, tiếp đến tháng 7/1950, Tiểu đội AT lần lượt thành lập. Đồng chí Trung đoàn trưởng giải thích với tôi. Đặc biệt ở chỗ: Tiểu đội AD vinh dự được vũ trang trực tiếp bảo vệ Bác Hồ -  Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta.

Tiểu đội AT vũ trang trực tiếp bảo vệ đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng đều là Thường vụ Trung ương Đảng - là những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, tinh hoa vốn quí của dân tộc và thêm một nhiệm vụ nữa là canh giữ kho bạc nhà nước - một mục tiêu trọng yếu của cuộc kháng chiến, của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là những nhiệm vụ vô cùng quan trọng rất đặc biệt có quan hệ sống còn tới cuộc kháng chiến và vận mệnh dân tộc.

Một điều “đặc biệt” nữa mà đồng chí Trung đoàn trưởng nhấn mạnh, đó là những con người được lựa chọn vào những đơn vị này. Hai tiểu đội, mỗi tiểu đội có 11 cán bộ chiến sỹ đều là những đảng viên cộng sản, lý lịch gia đình rất rõ ràng, cơ bản, đã trải qua các cuộc chiến đấu, có thành tich xuất sắc trong chiến đấu, được lựa chọn kỹ từ những đơn vị bộ đội địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam.

Họ là những con người kiên trung tuyệt đối trung thành với Đảng sẵn sàng chấp nhận hy sinh tính mạng, chấp nhận gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Họ là những chiến sỹ cách mạng được tôi luyện trong chiến tranh nên không uy vũ nào làm chuyển lay được ý chí sắt đá chiến thắng kẻ thù. Tóm lại, họ là những con người như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Các đồng chí là những người đẹp đẽ nhất, được lựa chọn, đã chiến đấu chắc chắn sẽ chiến đấu đến cùng”. Để minh chứng cho phẩm chất chiến sỹ Tiểu đội AD, đồng chí nhắc lại một kỷ niệm thiêng liêng đáng nhớ của các chiến sỹ theo chân để bảo vệ Bác đi kiểm tra và chỉ đạo chiến dịch biên giới, đồng chí Trung đoàn trưởng tiếp tục kể:

Để giải phóng vùng biên giới phía Bắc, phá thế bao vậy địch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Thu Đông Biên giới 1950, nhằm khai thông đường giao thông liên lạc giữa nước ta với Trung Quốc và các nước XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, tiến đến giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, tạo ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lực lượng trực tiếp bảo vệ Người là đồng chí Long Văn Nhất, Võ Viết Định, bác sĩ Lê Văn Chánh và một số chiến sỹ trong Tiểu đội AD.

Trung tướng Vũ Xuân Sinh, Tư lệnh Cảnh vệ và tác giả
thăm nơi thành lập Tiểu đoàn 600 tại Nà Đoỏng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Trước ngày lên đường, Bác đã cho triệu tập các đồng chí bảo vệ và phục vụ đến tập trung, Bác ân cần căn dặn: “Chuyến đi này rất quan trọng, thời gian không thể định trước được nhưng ước chừng trên một tháng. Đường đi khá vất vả, các chú phải cố gắng để Bác cháu ta hoàn thành nhiệm vụ. Phải tuyệt đối giữ bí mật nếu bị lộ thì sẽ hại đến việc lớn. Muốn vậy việc chọn đường đi, đến nơi ăn ở giao tiếp với dân, với bộ đội đều phải biết cách giữ gìn bí mật”.

Đúng như dự đoán của Bác, kể từ lúc nổ súng đến kết thúc chiến dịch hơn chừng một tháng ta đã giành thắng lợi, các đồng chí bảo vệ lại đưa Bác trở lại căn cứ Tân Trào an toàn.

Được Bác đặt tên

Trong mạch tư duy xúc động các sự kiện ngày thành lập Trung đoàn, đồng chí Trung đoàn trưởng đã nhắc lại những kỷ niệm vô cùng thiêng liêng như là sự tri ân các thế hệ cán bộ chiến sỹ làm nên kỳ tích của Trung đoàn hôm nay.

Sau thắng lợi chiến dịch biên giới, cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước vào giai đoạn phản công toàn diện trên khắp chiến trường. Nhiệm vụ bảo vệ an toàn Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và an toàn khu căn cứ cách mạng càng nặng nề hơn trước, đòi hỏi cần phải có một lực lượng đủ quân số. Trên cơ sở các đơn vị tiền thân làm nòng cốt, các Đại đội 32; 33; 34… lần lượt được thành lập làm các nhiệm vụ: bảo vệ Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ; trinh sát; công binh; săn bắn máy bay địch…

Đại đội 32 vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ vũ trang trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí Thường vụ Trung ương. Đến giữa năm 1953, khi cuộc kháng chiến đã đến giai đoạn cận kề toàn thắng, yêu cầu công tác cảnh vệ cần phải có sự thống nhất chỉ huy từ vòng trong ra tận vòng ngoài. Trên cơ sở lấy Đại đội 32 làm nòng cốt, bổ sung quân số đủ để thành lập một tiểu đoàn vũ trang bảo vệ gồm có 5 đại đội, quân số mỗi đại đội được ấn định 120 người. Tháng 5/1953, khi quân số đã đủ nhưng các cán bộ tổ chức vẫn loay hoay lúng túng không biết đặt tên tiểu đoàn là gì? Biết tin, Bác đến gặp gỡ hỏi ý kiến từng người.

Bác hỏi một cán bộ đứng gần Bác:

- Chú định đặt tên tiểu đoàn là gì?

- Thưa Bác: Tiểu đoàn “đặc biệt” ạ!

Một đồng chí khác.

- Thưa Bác: Tiểu đoàn “32” ạ!

Cứ như thế, mỗi người một ý kiến khác nhau. Cuối cùng Bác nói.

- Chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người, như vậy là 600 người

Bác đặt là Tiểu đoàn 600 các chú có đồng ý không?

Mọi người lắng nghe Bác giải thích thấy có lý hay quá vỗ tay vang dậy ủng hộ.

- Thưa Bác, tên Tiểu đoàn 600 hay lắm, chúng cháu đồng ý ạ!

Bác cũng gật đầu đồng ý rồi lần lượt bắt tay từng người ra về. Từ đó cái tên 600 thiêng liêng gắn bó suốt cả chiều dài 60 năm, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn cảnh vệ nối tiếp nhau.

Nơi ra mắt Tiểu đoàn 600 là thôn Nà Đoỏng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đây là một địa danh có truyền thống cách mạng, cách trung tâm căn cứ Tân Trào không xa. Năm 2009, tôi may mắn được theo chân đoàn tháp tùng đồng chí Vũ Xuân Sinh, Trung tướng Tư lệnh Cảnh vệ trong chuyến về nguồn. Thật xúc động nơi rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp, đường đi lối lại vô cùng khó khăn, tại nơi đây lại là cội nguồn của Trung đoàn cận vệ anh hùng hôm nay.

Ông Nguyễn Đức Hậu, người trong thôn Nà Đoỏng năm đó đã hơn 70 tuổi, kể lại câu chuyện đầy xúc động, đến nay tôi vẫn còn thấy lắng đọng. Ông kể, đã có lần ông ra rìa rừng gần doanh trại tiểu đoàn đứng lặng nghe anh em hát bài Quốc ca mà trong lòng thấy rạo rực niềm vui. Ông cũng nhiều lần được đơn vị cho xem Bác Hồ cùng anh em đánh bóng chuyền. Dáng Bác mảnh khảnh nhưng nhanh nhẹn, Bác phòng thủ chắc chắn khi có thời cơ là lập tức tấn công ăn điểm liền. Kết thúc các trận bóng, Bác thường nói tất cả chúng ta đều thắng.

Lại nói thêm rằng, sau 9 năm kháng chiến kết thúc thắng lợi, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ chuyển về Thủ đô Hà Nội. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ trong tình hình mới, ngày 20 tháng 9 năm 1954, Tiểu đoàn 600 được nâng cấp thành Trung đoàn 600, ngày nay là Trung đoàn 600 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an. Về Hà Nội, Trung đoàn tiếp quản một doanh trại của quân đội Pháp, những căn nhà ngói lụp xụp, cỏ cây rậm rạp. Ngày nay, qua nhiều năm, được sự quan tâm của Bộ Công an đầu tư kinh phí nên doanh trại đã khang trang, đẹp đẽ hơn nhiều. Một kỷ niệm không bao giờ quên của thời kỳ này. Đó là năm 1958, Tiểu  đoàn 11 được giao nhiệm vụ vét bùn ao để làm ao cá cho Bác trong Phủ Chủ tịch. Vét xong bùn, anh em làm một con đường xung quanh ao và trồng hàng dâm bụt. Khi hoàn thành, Bác hỏi đồng chí Tiểu đoàn trưởng.

- Đơn vị các chú làm hết bao nhiêu công?

- Kính thưa Bác, cả thảy 600 công ạ!

Thế Bác đặt con đường này là “con đường 600”, các chú có nhất trí không?

Thật là bất ngờ, không ai nghĩ ra được cái tên ý nghĩa hay như vậy nên tất cả vỗ tay đồng ý. Ngày nay, đồng bào trong nước và nước ngoài mỗi khi vào thăm nhà sàn nơi Bác ở đều đi trên con đường đó. Kỷ niệm đẹp này có lẽ còn đi mãi với các thế hệ cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 600.

Hơn 60 năm với tên Tiểu đoàn 600 rồi Trung đoàn 600 đã gắn bó với bao kỷ niệm thiêng liêng về Bác. Bác thật là bao dung, bình dị, là vị lãnh tụ tối cao, là Cha là Bác thân thuộc của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 600 và tất cả chúng ta.

Năm 1969, khi Bác Hồ đã lâm bệnh nặng, ít ai biết rằng Trung đoàn là cơ quan đầu tiên tạm ngừng một số hoạt động quen thuộc như: Tiếng kẻng báo thức, tiếng còi tập trung, tiếng hò reo tập thể dục, đánh bóng chuyền… để Bác được yên giấc ngủ. Bên kia nhà sàn, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn… qua lại nhà Bác khác với mọi ngày đã mách bảo điều hệ trọng đã đến. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo tin đặc biệt Bác Hồ qua đời thì tất cả Trung đoàn òa khóc nức nở. Sự trống vắng ập đến, mọi người không biết làm gì hơn ngoài đưa tay vuốt dòng nước mắt để kìm tiếng khóc bật thành lời. Lòng dạ xót xa thương nhớ Bác tự thấy mình như có lỗi điều gì.

Câu chuyện kỷ niệm thiêng liêng về Trung đoàn đang cuốn hút tôi, thì ngoài hội trường Trung đoàn tiếng trống, tiếng đàn Piano của đội văn nghệ đã vang lên rộn ràng, đồng chí Trung đoàn trưởng nắm tay tôi mời lên hội trường để “sơ khảo” chương trình văn nghệ.

Ta là chiến sỹ Trung đoàn 600. Lực lượng của ta xanh tươi màu Tổ quốc. Nhiệm vụ vinh quang bảo vệ Đảng Bác. Đất nước ơi có Đảng là mùa xuân với chúng tôi luôn sẵn sàng...”, lời bài hát hào hùng, bay bổng, sâu lắng, khiến tôi xúc động, tự hào về truyền thống 60 năm của Trung đoàn Cảnh vệ Công an Việt Nam.

Biên tập: Mai Loan, Trung  tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online

Gửi cho bạn bè