Thứ Tư, 30/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kỷ niệm Ngày Pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam 9/11

Ngày 20/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, quy định rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản, bền vững trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả. Một trong những giải pháp đó là việc Quốc hội đã lựa chọn và quyết định lấy ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, để từ đó hằng năm chúng ta tổ chức tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong toàn trường, nhân ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, học viên về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt nam chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá, Thạc sỹ Phạm Hữu Tạo, Trưởng Bộ môn Pháp luật, Trường Cao đẳng CSND I.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 09/11 hàng năm được lấy là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngày này còn được gọi ngắn gọn là Ngày Pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam

Các đại biểu dự lễ công bố Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam

Trên thế giới có khoảng 40 quốc gia có Ngày Pháp luật, còn ở Việt Nam, ý tưởng tổ chức Ngày pháp luật bắt nguồn từ sáng kiến của các địa phương, từ các tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) , Long An, Tiền Giang… Ban đầu, ngày này chỉ được tổ chức trong các cơ quan, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức như một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung, để họ được phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới được ban hành trong lĩnh vực quản lý, hoạt động của mình. Từ năm 2010, mô hình Ngày Pháp luật đã được lan tỏa ra hầu hết các Bộ, các ngành và tất cả các tỉnh, thành.

Ngày 09/11/2013 lần đầu tiên Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam vừa thông qua bản Hiến pháp mới - Hiến pháp 2013.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường vai trò, hiệu lực của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi bức thiết. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định, cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phải tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cùng với việc không ngừng xây dựng, hoàn thiện pháp luật với khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phải ra sức tăng cường pháp chế XHCN, hiệu quả thi hành pháp luật mà khâu đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chính vì vậy, thông qua việc kỷ niệm Ngày pháp luật Việt Nam hằng năm, chúng ta lại tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước ta phải xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, khách quan, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển vì hạnh phúc của mọi người và mỗi người.  Để làm tốt điều đó, Nhà nước  phải được tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và phải được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ thành công khi các quy định của Hiến pháp, pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi ngư­ời. Do đó, ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ngày 09/10/2014, Bộ Công an đã ban hành Văn bản số 3477/BCA-V19 hướng dẫn triển khai thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2014 trong lực lượng Công an nhân dân. Với chủ đề: “Lực lượng Công an nhân dân tích cực tìm hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và các khẩu hiệu hành động: “Cán bộ, chiến sĩ CAND sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, “Tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND”, “Cán bộ, chiến sĩ CAND gương mẫu chấp hành và tích cực bảo vệ Hiến pháp, pháp luật”, “Tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của lực lượng CAND”. Nhân Ngày pháp luật năm 2014, lực lượng CAND tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật, về vị trí, vai trò, nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chuyên sâu các luật, pháp lệnh có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, pháp luật về chủ quyền biển, đảo, các vấn đề có liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, đất đai và môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân...

Lực lượng Công an nhân dân đã và đang thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm do Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo tại Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật trong CAND năm 2013, trong đó, chú trọng các nhiệm vụ xây dựng, quy hoạch thể chế, chính sách, pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; tổ chức phát động, hưởng ứng, tham gia tích cực cuộc thi viết: “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Tư pháp và hướng dẫn của Bộ Công an; biểu dương, khen thưởng; đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Đối với Trường Cao đẳng CSNDI, các hoạt động kỷ niệm Ngày pháp luật năm 2014 được tổ chức triển khai trong thời gian 02 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2014 đến hết tháng 11/2014, trong đó, tập trung vào tuần lễ cao điểm từ ngày 03/11/2014 đến ngày 09/11/2014 dưới các hình thức cụ thể như: Tuyên truyền, cổ động trực quan về Ngày Pháp luật thông qua hệ thống các băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tranh, hình ảnh, tài liệu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về pháp luật; cung cấp tài liệu pháp luật; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả mọi hành vi vi phạm pháp luật….

Trong thời gian tới, để thiết thực kỷ niệm Ngày Pháp luật, cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường sẽ tiến hành các hoạt động sau:

Tìm hiểu và nắm chắc các quy định của pháp luật, đặc biệt là nghiên cứu, học tập để có hiểu biết sâu sắc về Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác Công an.

Giảng viên, nhất là giảng viên dạy các môn pháp luật cần đi sâu tìm hiểu, nắm vững các quy định của pháp luật, có phương pháp sư phạm tốt để truyền đạt đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật đến từng học viên.

Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống cháy, nổ …

Thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, chấp hành nghiêm 10 điều kỷ luật và Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.

Chấp hành tốt nội quy, quy định của Trường Cao đẳng CSNDI, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do Bộ Công an và Tổng cục XDLL CAND phát động.

Đại tá, Thạc sỹ Phạm Hữu Tạo, Trưởng Bộ môn Pháp luật

Gửi cho bạn bè