Thứ Ba, 29/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (22-12-1944 / 22-12-2014); Ký ức Núi Đất, Rùm Đuôn…

Suốt 15 năm tồn tại, với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện cách mạng miền Nam theo nghị quyết của Đảng, Trung ương Cục đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử đưa cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng. Những chiến công vang dội đó có dấu ấn quan trọng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong những năm đảm nhiệm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam và vai trò chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên, chặt chẽ của Tổng cục Chính trị.

Dấu ấn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Trở lại thăm Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam, trên gương mặt những cán bộ, chiến sĩ từng công tác ở mảnh đất này năm xưa, ánh lên niềm xúc động và tự hào khôn tả. Bao năm gắn bó với chiến trường miền Nam, đất và người nơi đây dường như đã trở thành một phần máu thịt của họ. Lặng nhìn những nhà bia tưởng niệm trong khu di tích, ông Nguyễn Quốc Trung, nguyên Trạm trưởng thuộc Tổng phát hành B1 (Ban Giao bưu vận Trung ương Cục miền Nam), kể: “Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, miền Đông Nam Bộ là địa bàn chiến lược quan trọng, vùng “đất thánh cách mạng”, nơi có đại bản doanh của Trung ương Cục-cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Trải qua bao khó khăn, gian khổ, Trung ương Cục vẫn hiên ngang tồn tại, trở thành biểu tượng của ý chí và sức mạnh Việt Nam”.

Theo sử liệu tại khu di tích, ngay sau ngày thành lập lại (23-1-1961), Trung ương Cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, trực tiếp lãnh đạo toàn diện cách mạng miền Nam. Hoạt động CTĐ, CTCT của các đơn vị LLVT thực hiện thống nhất theo hướng dẫn chuyên môn của Tổng cục Chính trị và sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền. Đặc biệt, từ khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị phân công đảm nhiệm chức vụ Bí thư Trung ương Cục, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam (giai đoạn căn cứ Trung ương Cục đóng tại Núi Đất, Rùm Đuôn-Bắc Tây Ninh), dấu ấn của Đại tướng và hoạt động CTĐ, CTCT được Đảng, quân đội và nhân dân ghi nhận. Nổi bật là những nhận định, tư tưởng chỉ đạo sắc sảo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”; “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”; “Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ”… Ông Nguyễn Thành Danh, nguyên Trưởng ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam, nhớ lại: “Chúng tôi không được trực tiếp nghe Đại tướng phân tích tình hình, nhưng sau đó đã được chỉ huy cơ quan quán triệt cụ thể ý kiến của ông. Từ thực tiễn chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phân tích những điểm yếu chí mạng của quân Mỹ. Chúng vào miền Nam Việt Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược; Mỹ có cả một kho vũ khí khổng lồ nhưng lại vấp phải một núi mâu thuẫn; Mỹ là tỷ phú về đô-la, nhưng quân và dân ta lại là tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước; ta có đường lối chiến tranh cách mạng, có chiến thuật đúng, ta sẽ bắt quân Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, nên ta nhất định thắng… ”. Thực hiện chỉ đạo đó, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam thêm yên tâm tư tưởng, phấn chấn tinh thần, liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường.

Trước đó, vào ngày 31-3-1965, Quân ủy Trung ương phát động phong trào thi đua trong các LLVT “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ở miền Nam, Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo các đơn vị bám sát hướng dẫn của Tổng cục Chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả. Cũng giai đoạn này, Tổng cục Chính trị chỉ thị cho các đơn vị tăng cường CTĐ, CTCT, yêu cầu các cấp ủy, chi bộ, các cơ quan chính trị đi sâu lãnh đạo tốt hơn nữa nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu; hướng dẫn phát động và duy trì phong trào thi đua hiệu quả. Đại tá Nguyễn Viết Tá, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục kiêm phóng viên Báo Quân giải phóng, hồi tưởng: “Chính ủy Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp chỉ đạo Cục Chính trị Miền phát động mọi cá nhân, đơn vị thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới, diệt máy bay”… Phong trào thi đua làm dấy lên khí thế giết giặc lập công trên toàn miền Nam. Trong đó, Chiến dịch Đồng Xoài nổ phát súng vang dội cho phong trào thi đua ấy. Cùng với chiến thắng Đồng Xoài ta đã giành thắng lợi ở Ba Gia (Quảng Ngãi). Ngay trong đêm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thức rất khuya viết bài báo lấy tựa đề là “Ba Gia gọi Đồng Xoài”, phân tích sâu sắc về hai chiến thắng vang dội này, với bút danh Trường Sơn. Bài báo gây sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước, báo hiệu sự phá sản hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ-ngụy”.

Sự chỉ đạo chặt chẽ của Tổng cục Chính trị

Căn nhà, nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng ở và làm việc
tại Trung ương Cục.  Ảnh: Bảo tàng Tây Ninh.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, chiến trường miền Nam luôn nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Tổng cục Chính trị nên các hoạt động CTĐ,CTCT trong LLVT được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bước vào giai đoạn chống chiến tranh cục bộ, chiến trường miền Nam vô cùng khốc liệt. Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam nặng nề, gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ tác động tới tư tưởng cán bộ, chiến sĩ. Nắm được đặc điểm tình hình, Tổng cục Chính trị đã có công điện chỉ đạo các đơn vị LLVT miền Nam gấp rút chấn chỉnh tổ chức, củng cố tinh thần, chuẩn bị thực lực; đồng thời, nhanh chóng cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Trung ương Cục miền Nam (tháng 3-1966), động viên và đoàn kết toàn miền Nam, cùng với sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược (17-7-1966), thực hiện lời kêu gọi của Người “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục miền Nam và Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tư tưởng, bám sát từng lực lượng; các đơn vị trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông… xây dựng trách nhiệm chính trị đối với cách mạng và với đơn vị. Đại tá Nguyễn Viết Tá kể tiếp: “Thời gian đó, Ban Tuyên huấn và Báo Quân giải phóng quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Quân ủy Miền tăng cường tuyên truyền, phản ánh các hoạt động của đơn vị cơ sở; truyền tải thông tin chỉ đạo, định hướng của Trung ương Cục, Quân ủy Miền xây dựng, củng cố tinh thần, niềm tin, ý chí quyết tâm cho bộ đội. Cũng vào thời điểm này, Mỹ và quân chư hầu phối hợp với ngụy quyền Sài Gòn đẩy mạnh các cuộc hành quân tìm diệt. Phân tích kỹ tình hình và những tác động trên chiến trường, Tổng cục Chính trị chỉ đạo, đội ngũ cán bộ các cấp bằng hành động, việc làm thiết thực, gương mẫu, ân cần giáo dục, động viên bộ đội giữ vững tư tưởng, tránh giảm sút ý chí, đấu tranh chống mọi biểu hiện chủ quan, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật; đề cao cảnh giác sẵn sàng đối phó với quân thù. Sự chỉ đạo kịp thời, sát đúng này đã có tác dụng quan trọng nâng cao tinh thần, khí thế của cán bộ, chiến sĩ trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Miền tổ chức Hội nghị công tác Chính trị toàn miền lần thứ hai (tháng 8-1966), đánh giá kết quả công tác tư tưởng, chính trị, tổ chức trong LLVT nhân dân miền Nam. Bà Đặng Hồng Nhựt, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hồ Chí Minh, nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, người có nhiều năm làm việc tại Trung ương Cục, nhớ lại: “Tại hội nghị này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc công điện của Tổng cục Chính trị; đồng thời, nêu bật vấn đề tư tưởng phải chủ động, linh hoạt, kịp thời, phải làm cho các LLVT luôn tin tưởng ở mục tiêu chiến đấu; duy trì nền nếp CTĐ, CTCT, nâng cao trình độ, năng lực của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

Sau hội nghị rút kinh nghiệm công tác chính trị, các đơn vị nhanh chóng kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh tác phong, nền nếp làm việc, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tăng cường sức mạnh mọi mặt của LLVT chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Theo ông Huỳnh Văn Mai, nguyên cán bộ Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam, càng vào thời điểm quan trọng, trước những trận đánh lớn, lực lượng thông tin càng nhận được nhiều công điện của Tổng cục Chính trị gửi Trung ương Cục, Bộ tư lệnh Miền và Cục Chính trị Miền hướng dẫn, triển khai các hoạt động CTĐ,CTCT cho LLVT, bám sát mọi diễn biến và hoạt động của bộ đội trên chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc…

Chiều biên giới Tây Nam nắng hừng hực. Rừng già Chàng Riệc, Rùm Đuôn vẫn mát rượi, yên bình. Một màu xanh ngút ngàn, sâu thẳm khiến lòng người khắc khoải, nao nao. Những ký ức về một thời rực lửa vẫn còn đó vẹn nguyên trong tâm trí mỗi cựu chiến binh. Cũng tại nơi đây mấy chục năm về trước từng là niềm tự hào và hy vọng của đất và người phương Nam… Núi Đất, Rùm Đuôn, Bắc Tây Ninh… gan bền, chí thép!

Trích nguồn: Báo QĐND  Online
Biên tập: Mai Loan,  Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè