Ngày 7/11, tiếp tục chương trình chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về công tác PCCC.
Bộ Công an đã hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong công tác PCCC
Theo đại biểu, vừa qua, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về PCCC, đặc biệt là các công trình sử dụng sơn chống cháy. Đại biểu nêu câu hỏi, với vai trò quản lý Nhà nước về PCCC, Bộ Công an đã có hành động gì đối với những vướng mắc nêu trên?
Trả lời chất vấn, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC đối với 17 địa phương trọng điểm; chỉ đạo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để Công an các đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) chất vấn về công tác PCCC.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đến nay, Công an các địa phương đã rà soát lại tất cả các cơ sở có khó khăn, vướng mắc và trực tiếp làm việc, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác PCCC; thành lập các tổ công tác trực tiếp đến 100% các cơ sở còn tồn tại, vi phạm, để hướng dẫn các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC.
Trên cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tính đến 30/10/2023, 100% các dự án xây dựng mới (khoảng 1.800 dự án) có khó khăn, vướng mắc đã được hướng dẫn và thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa, không còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thiết kế, hoàn thiện hồ sơ để thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC.
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời các vấn đề đại biểu nêu.
Đối với các cơ sở còn tồn tại vi phạm về PCCC, Công an các địa phương đã tập trung quyết liệt rà soát, nghiên cứu và đề ra các biện pháp, giải pháp; đã tổ chức 2.590 hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp và người dân, hướng dẫn trực tiếp giải pháp để khắc phục. Đến nay, có hơn 15 nghìn trên tổng số hơn 30 nghìn cơ sở vi phạm đã khắc phục được, đạt khoảng 40% tổng số cơ sở vi phạm.
Đối với vướng mắc về sơn chống cháy, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, đây là vấn đề kỹ thuật. Sau khi hướng dẫn, các chủ đầu tư thấy khó khăn, vướng mắc là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm vững kịp thời các quy định về PCCC. Việc lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế nên dẫn đến việc thực hiện chưa đúng quy định.
“Thực tế không phải tất cả các dự án phải gia tăng giới hạn chịu lửa của kết cấu thép mới phải dùng sơn chống cháy, mà còn nhiều giải pháp khác. Như các nhà máy sản xuất hạng C, chịu lửa bậc 4 trở lên, có diện tích trên 25.000m2 mới cần gia tăng giới hạn chịu lửa của kết cấu thép.
Nếu sử dụng sơn chống cháy thì phải thử nghiệm trước khi thi công nhưng nhiều đơn vị thi công xong mới thử nghiệm không đạt kết quả nên không nghiệm thu” - Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ và cho biết, đến nay, sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn cặn kẽ của các lực lượng thì Bộ Công an chưa nhận thêm phản ánh nào về việc này.
Ngăn chặn sự gia tăng của ma tuý học đường
Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) cho rằng, thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên sử dụng ma túy bị phát hiện khiến nhiều cử tri không khỏi lo lắng, nhất là nguy cơ xâm nhập vào môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp để xử lý, ngăn chặn vấn đề này.
Đại biểu Hà Hồng Hạnh chất vấn về vấn đề ma tuý học đường.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có khoảng 213.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó, có khoảng trên 81.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm khoảng 38%. Trong khi đó, ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, dễ mang vào trường học và núp bóng dưới những cái tên rất mĩ miều, gây tò mò như tem giấy, bùa lưỡi, nước vôi, trà sữa…khiến cử tri và phụ huynh học sinh rất lo lắng.
Cùng với những giải pháp đấu tranh phòng chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt, coi trọng giảm nguồn cầu, vì giới trẻ, thanh niên và học sinh là đối tượng rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giảm cầu về ma túy.
Các đại biểu tại phiên họp.
Bộ Công an đã thực hiện các giải pháp để giảm cầu. Thứ nhất, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị số 31 ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Thông tư liên tịch số 06 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo, ngày 28/2/2015 về phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, phát huy vai trò của chủ thể gia đình, nhà trường, của xã hội, đặc biệt vai trò của gia đình rất quan trọng.
Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện, phòng tránh.
Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp phòng vệ, phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy ở các trường học, trong các quán bar, karaoke, vũ trường, triệt phá các tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép của các địa phương.
Thứ tư, kiến nghị với một số các ngành chức năng như: y tế, quản lý thị trường, ngành công thương… nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm tra, giám sát về các vấn đề an toàn thực phẩm, phòng chống các tác hại của thuốc lá, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động ma túy núp bóng các loại thực phẩm, kể cả thuốc lá điện tử.
Nguồn: Báo CAND