Ngày 17-8-1952, trong buổi nói chuyện tại Trường Chính Đảng Trung ương tại Việt Bắc, Bác Hồ đã nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và Người đã đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó. Bác căn dặn: “Phải viết gọn rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào; nó sinh ra, phát triển, kết quả thế nào?”. Những lời dạy bảo hết sức tỉ mỉ, dễ hiểu của Bác chính là hành trang quý báu cho những người làm báo trong suốt sự nghiệp cầm bút. Vậy là sắp tròn 90 năm thành lập ngành báo chí Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015), dưới sự sáng lập và dìu dắt của Bác, trải qua chặng đường dài của cuộc đấu tranh chống xâm lược, của công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, cho đến hôm nay, chúng ta thấy lĩnh vực báo chí đã có những đóng góp rất lớn cho đất nước và có những bước tiến vượt bậc.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo trong và ngoài nước tại ĐH Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960)
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày kỉ niệm sự ra đời của báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21/6/1925. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có “ Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Nhưng báo “Thanh niên” đã mở ra một dòng báo chí mới: báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi có báo “ Thanh niên”, báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư TW Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Vào những năm 20 đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn làm nòng cốt cho tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội - Một tổ chức yêu nước Việt Nam đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản, đồng thời xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Ngày 21/6/1925, “Thanh niên”, tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, ra số 1.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Ban công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động, …
Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng cho ra báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.
Tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định Trung ương và địa phương sẽ ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Ngày 5/8/1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ; ngày 15/8/1930, báo Tranh đấu ra mắt.
Báo chí giai đoạn này có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền cách mạng, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm và góp phần tăng cường tình đoàn kết toàn quân, toàn dân…
Ở thời kỳ từ sau năm 1930 đến năm 1945, ngành báo chí đã khắc phục mọi khó khăn để có những đóng góp quan trọng vào công cuộc Cách mạng của cả dân tộc. Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của tổng bộ Việt Minh ra đời. Ngày 10/10/1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương: Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa…
Báo chí phục vụ tích cực cho xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ sau khi có chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh (5/1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhật-Pháp (3/1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản.
Hai tờ báo Cờ giải phóng và Cứu quốc có cống hiến lớn nhất trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám 1945.
Kể từ khi báo Thanh niên ra đời đến tháng 8/1945, tổng cộng có hơn 270 tờ báo và tạp chí được phát hành.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có một nhiệm vụ chung: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.
Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là Tạp chí Cộng sản.
Trong giai đoạn từ 1975 thống nhất nước nhà, non sông về một mối, đặc biệt từ năm 1986 nhờ có công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay đã có trên 500 cơ quan báo chí với gần 700 ấn phẩm báo chí, 2 đài phát thanh và truyền hình quốc gia, hơn chục đài phát thanh và truyền hình khu vực, 64 đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày…
Trải qua mọi thời kỳ lịch sử, báo chí hôm nay đã luôn ý thức được sứ mệnh lịch sử, vẻ vang của mình. Báo chí Việt Nam đã và đang thực sự là vũ khí đắc lực cho cuộc cách mạng, định hướng dư luận, là diễn đàn của nhân dân, tuyên truyền, cổ vũ khối đại đoàn kết dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, báo chí đã góp phần phát huy tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Có thể nói chưa bao giờ báo chí Việt Nam phát triển như hiện nay, cả về số lượng, chất lượng, cả về nội dung cũng như hình thức. Để có được một nền báo chí chuyên nghiệp như hiện nay, đó là công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã khai sinh ra một nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu tuyệt vời sức mạnh của ngôn từ và sự tác động của nó vào đời sống tinh thần, đạo đức, tư tưởng, tình cảm và hành động của quần chúng. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh. Người từng nói: “Tờ báo chỉ là giấy trắng, mực đen mà thôi. Nhưng, với giấy trắng, mực đen ấy, người ta có thể viết những tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương”. Và trong một lá thư gửi trí thức ở Nam bộ, trong đó có các nhà báo, ngày 25-5-1947, Người viết "ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà; mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc"… Từ quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các nhà báo phải sử dụng đúng sức mạnh của ngòi bút, ngôn từ để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Trong Văn kiện Đại hội XI, lần đầu tiên Đảng ta đã chính thức ghi nhận và yêu cầu nền báo chí cách mạng Việt Nam nhận thêm vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Nghị quyết nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước…” Đây là yêu cầu mới, đòi hỏi báo chí phải tiếp tục phát huy sức mạnh của mình và vươn lên để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng của loại hình văn hóa đặc biệt quan trọng này.
Tình hình trong nước, trong khu vực và trên thế giới hiện nay đã và đang đặt ra cho công tác báo chí những nhiệm vụ nặng nề, để góp phần nâng cao nhận thức về chính trị, pháp luật, củng cố niềm tin cho nhân dân và góp phần khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH, động viên mọi tiềm năng, sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong điều kiện mới, các chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng đang thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, những người làm báo đang phải hàng ngày hàng giờ xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước, để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén và đắc lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với vai trò đặc biệt quan trọng của mình, báo chí lực lượng CAND cũng đã góp phần không nhỏ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Báo chí CAND đã thực sự trở thành phương tiện quan trọng giúp Bộ Công an chỉ đạo các mặt công tác của lực lượng Công an, là diễn đàn trao đổi, học tập rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ, pháp luật của cán bộ, chiến sỹ; đồng thời là cầu nối giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, là phương tiện cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.
Kết quả tuyên truyền của báo chí CAND đã có tác dụng rất lớn trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, nâng cao ý thức chấp hành đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, động viên cán bộ chiến sỹ nâng cao lòng nhiệt thành, ý thức trách nhiệm trong công tác, chiến đấu và phục vụ nhân dân.Với những đóng góp tích cực của mình, báo chí CAND thật sự đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam; là lực lượng tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của lực lượng CAND.
Bài: Mai Hương - Trung tâm TTKH & TLGK