Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
3 con làm ăn xa, mẹ mắc kẹt trong tường nhà đổ sập được Công an Hải Dương cứu thoát nạn

Dưới cơn mưa rả rích chiều 11/9, tổ công tác của Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu qua do bão, lũ trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.

2600 CBCS Công an tỉnh Hải Dương tham gia phòng chống mưa lũ -0
Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ.

Kiểm tra thực tế các vị trí xung yếu trên các tuyến đê thuộc huyện Cẩm Giàng, các vị trí trũng, thấp, bị ngập úng và động viên các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu huyện Cẩm Giàng quyết liệt trong công tác chỉ đạo sơ tán, di dời ngay người dân ở các khu vực nguy hiểm, dễ bị ảnh hưởng do mưa lũ. Đồng thời, lựa chọn các vị trí cao, an toàn như trường học, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang để làm nơi ở cho người dân. Bố trí, hỗ trợ đầy đủ nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho người dân tại các điểm tập kết. Tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố theo đúng kế hoạch đã đề ra. Những trường hợp phát sinh cần báo cáo ngay ban chỉ đạo từ cấp huyện lên cấp tỉnh để có chỉ đạo kịp thời nhằm tăng cường, bổ sung lực lượng, phương tiện phù hợp với thực tế, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng chống lụt, bão và cứu nạn cứu hộ.

2600 CBCS Công an tỉnh Hải Dương tham gia phòng chống mưa lũ -0
2600 CBCS Công an tỉnh Hải Dương tham gia phòng chống mưa lũ -0
2600 CBCS Công an tỉnh Hải Dương tham gia phòng chống mưa lũ -1
Công an tỉnh Hải Dương giúp đỡ nhân dân.

Trước đó, sáng cùng ngày, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 12 điểm cầu Công an cấp huyện chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

Tại hội nghị, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo về công tác phòng, chống lụt bão và khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra; tiếp tục nắm, theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ, đồng thời, phải bám sát chỉ đạo của cấp trên để tham mưu, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp ứng phó, có phương án ứng phó với trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ. Trưởng Công an các địa phương tham mưu cấp uỷ, chính quyền triển khai phương án di dân đến nơi an toàn theo phương án của địa phương; nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật, người yếu thế...; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho nhân dân tại nơi sơ tán, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Phối hợp với các lực lượng tập trung cao độ bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tăng cường tuần tra, canh gác nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố, đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu; phối hợp với lực lượng quân đội tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp, phương tiện, lực lượng ứng phó với tình hình mưa lũ, cứu nạn, cứu hộ; làm tốt công tác nắm hộ, nắm người; rà soát, thống kê ngay toàn bộ hộ khẩu, nhân khẩu, nhất là tại các khu vực xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, đảm bảo không để sót, lọt trong việc di dời người dân, hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và Nhà nước.

Cùng ngày (11/9), Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục tăng cường gần 500 CBCS, nâng tổng số CBCS tham gia phòng, chống mưa lũ là 2.600 người, cùng với vật chất, phương tiện phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão và sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp phát sinh do tình hình mưa, lũ, sạt lở đất diễn biến phức tạp.

 Theo đó, để chủ động ứng phó với từng cấp độ của mưa lũ theo phương châm “3 trước” (chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ), lực lượng Công an cấp xã đang tiến hành tuyên truyền, vận động và khẩn trương sơ tán người dân tại các điểm xung yếu và các xã có đê đến nơi an toàn.

Lực lượng CSGT phối hợp với Công an cấp xã tăng cường tuần tra, canh gác, nắm tình hình diễn biến của các đê kè, các trọng điểm xung yếu về đê điều, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, đặc biệt là các cống qua đê, kịp thời phát hiện và xử lý mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu; cảnh báo người dân để chủ động phòng, tránh, di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản ngoài bãi sông, trên sông.

Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cầu, cống trên địa bàn; triển khai chốt chặn, hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua các điểm xung yếu, các khu vực tràn, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở, hoặc nguy cơ sạt lở; kiên quyết không để người và phương tiện lưu thông khi không đảm bảo an toàn.

Trong quá trình thực hiện phòng, chống mưa bão, có nhiều câu chuyện cảm động như trường hợp của bà Vũ Thị Thuỳ (SN 1968, trú tại khu dân cư Tống Buồng, phường Thái Thịnh, thị xã Kinh Môn). Khoảng 15h ngày 7/9, trong quá trình tuần tra khép kín địa bàn khi bão số 3 đổ bộ, Công an phường Thái Thịnh nhận được tin nhắn cầu cứu của bà Vũ Thị Thuỳ về việc gió bão to, nhà dân lợp mái tôn có nguy cơ đổ sập.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an phường Thái Thịnh đã kịp thời tiếp cận nhà bà Thuỳ, phát hiện tường nhà bị đổ sập và đưa được bà Thuỳ đi cấp cứu tại Trung tâm y tế thị xã Kinh Môn. Vì vết thương quá nặng nên bà Thuỳ được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Bà Thuỳ làm nông nghiệp, có 3 con trai đều đi làm ăn xa. May mắn được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nên bà Thuỳ đã qua cơn nguy kịch. Hiện tình trạng sức khoẻ của bà đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi.

Ngoài trường hợp của bà Thuỳ, Công an phường Thái Thịnh đã cứu được 2 người khác bị thương trong bão số 3 và đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế thị xã Kinh Môn. Đó là ông Vũ Văn Mạnh (SN 1978) ở khu dân cư Nhất Sơn và anh Vũ Văn Trường (SN 1995) ở khu dân cư Tống Buồng. Hiện sức khoẻ của ông Mạnh và anh Trường cũng đã ổn định.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi