Thứ Tư, 2/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng Luật dẫn độ là cần thiết, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu hợp tác, hội nhập quốc tế

Thứ nhất, Luật TTTP điều chỉnh chung cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và tính chất, nguyên tắc hợp tác khác nhau.  

Thứ hai, chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu TTTP trong từng lĩnh vực hoàn toàn độc lập và khác nhau.

Thứ ba, từ phương diện quản lý nhà nước, Luật TTTP quy định giao Bộ Tư pháp làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước chung cũng làm cho công tác quản lý nhà nước, phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật, nhưng như trên đã đề cập mỗi lĩnh vực có đặc thù, nguyên tắc riêng, trình tự, thủ tục độc lập dẫn đến thực tiễn việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cơ quan gặp bất cập, hạn chế.

Thứ tư, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TTTP được thực hiện chủ yếu thông qua các điều ước quốc tế (ĐƯQT). Theo quy định của Luật TTTP, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Điều ước quốc tế năm 2016 thì từng bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các ĐƯQT thuộc lĩnh vực mình được giao phụ trách. Hiện nay việc ký kết các ĐƯQT về TTTP được tách riêng từng lĩnh vực độc lập, không điều chỉnh đa lĩnh vực như trước đây. Chính vì vậy, hiện nay Bộ Công an chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các ĐƯQT về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù, Bộ Tư pháp chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các ĐƯQT về TTTP dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì đề xuất ký kết và tổ chức thực hiện các ĐƯQT về TTTP về hình sự. Việc tách Luật TTTP, giao nhiệm vụ cơ quan đầu mối trong từng lĩnh vực cũng phù hợp với công tác ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các ĐƯQT mà các bộ, ngành đang chủ trì.

Thứ năm, một số quy định của Luật TTTP không còn phù hợp với các đạo luật mới trong lĩnh vực tư pháp được Quốc hội ban hành trong thời gian vừa qua khiến Luật TTTP còn thiếu gắn kết và chưa đồng bộ với pháp luật tố tụng trong nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết kịp thời các vụ việc dẫn độ như: Quy định về hợp pháp hoá lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tại Điều 7 Luật TTTP không áp dụng cho hoạt động dẫn độ do các giấy tờ, tài liệu trong hoạt động dẫn độ thường được miễn hợp pháp hoá lãnh sự. Quy định tại khoản 2 Điều 3 về “việc áp dụng pháp luật nước ngoài chỉ được thực hiện theo quy định của ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên” nhưng lại có quy định cho phép áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong pháp luật quốc tế tại khoản 2 Điều 4…

Thứ sáu, Luật TTTP chưa phân định rõ phạm vi TTTP, dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như đối với hoạt động ủy thác tư pháp (UTTP) liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài xác minh, cung cấp tài liệu và chứng cứ phục vụ điều tra.

Thứ bảy, Luật TTTP chưa đáp ứng yêu cầu mới do sự phát triển trong từng lĩnh vực TTTP, thiếu những quy định cụ thể phù hợp cho từng lĩnh vực. Một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên hoặc chưa được nội luật hóa trong Luật TTTP, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện. Trong trong lĩnh vực dẫn độ, chưa có quy định về trình tự, thủ tục lập yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, bắt khẩn cấp để dẫn độ, thủ tục dẫn độ đơn giản, quá cảnh dẫn độ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các quy định liên quan đến cam kết không áp dụng án tử hình khi phía nước ngoài có yêu cầu…

Một số quy định của Luật TTTP về dẫn độ chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế ở Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện như: quy định trách nhiệm chủ trì đề xuất áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” của Bộ Ngoại giao; quy định về ngôn ngữ; các quy định về kinh phí trong quá trình áp giải, tiếp nhận dẫn độ; quy định về phân công, phối hợp và trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động dẫn độ…

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Ca-na-đa, Nhật Bản, Thái Lan, Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên hợp quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước. Ở cấp độ khu vực, ASEAN đã xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và đang xây dựng Hiệp định về dẫn độ. Các quốc gia đã ký kết hiệp định TTTP về dân sự và hình sự với Việt Nam trong thời gian trước đây hiện đang bày tỏ mong muốn đàm phán, ký kết các hiệp định riêng về lĩnh vực dẫn độ để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Do đó, xây dựng Luật Dẫn độ là cần thiết, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần tạo điều kiện thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng ký kết các điều ước quốc tế về dẫn độ; qua đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong dẫn độ.

BỐ BỤC CỦA DỰ ÁN LUẬT

Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ.

Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 05 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 01 điều so với Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ. Cụ thể như sau:

- Chương I (Những quy định chung) gồm 15 điều (từ Điều 1 đến Điều 15).

- Chương II (Dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam) gồm 08 điều (Từ Điều 16 đến Điều 23).

- Chương III (Dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài) gồm18 điều (từ Điều 24 đến Điều 41).

- Chương IV (Quản lý nhà nước về dẫn độ) gồm 02 điều (Điều42 và 43).

- Chương V (Điều khoản thi hành) gồm 02 điều (Điều 44 và 45).

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT

1. Chương I (Những quy định chung)

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc dẫn độ; áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”; cơ quan trung ương về dẫn độ; các trường hợp có thể bị dẫn độ; hồ sơ yêu cầu dẫn độ; ngôn ngữ trong dẫn độ; hợp pháp hóa lãnh sự; kinh phí trong dẫn độ; dẫn độ có điều kiện; thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ; quá cảnh người bị dẫn độ. 

2. Chương II (Dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam)

- Về cơ quan của Việt Nam lập yêu cầu dẫn độ:

Dự thảo Luật quy định cơ quan trung ương về dẫn độ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án.

Đây là quy định được kế thừa, đồng thời được bổ sung so với Luật TTTP. Việc quy định theo hướng này là phù hợp với việc bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ, phù hợp với chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về tư duy mới trong xây dựng pháp luật.

- Về hồ sơ yêu cầu dẫn độ của Việt Nam gửi đi nước ngoài:

Về cơ bản nội dung hồ sơ yêu cầu dẫn độ kế thừa các quy định của Điều 37 Luật TTTP 2007 và bổ sung một số nội dung để phù hợp với tình hình mới, phù hợp với các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên.

- Về tiếp nhận, kiểm tra, chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ và bổ sung thông tin, tài liệu:

Cơ quan lập yêu cầu dẫn độ có trách nhiệm gửi hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến Bộ Công an để kiểm tra, trừ trường hợp cơ quan lập yêu cầu dẫn độ là Cơ quan trung ương về dẫn độ. Bộ Công an kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì Bộ Công an chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho nước ngoài. Trường hợp nước ngoài đề nghị bổ sung thông tin, tài liệu trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Cơ quan lập yêu cầu dẫn độ bổ sung thông tin, tài liệu để trả lời nước ngoài.

- Về tiếp nhận, áp giải người bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam:

Sau khi nhận được quyết định dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Bộ Công an thành lập đoàn tiếp nhận, áp giải người bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam.

3. Chương III (Dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài)

- Hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam:

Hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam phải đáp ứng điều kiện tương tự như hồ sơ yêu cầu dẫn độ của Việt Nam gửi đi nước ngoài.

- Về tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam và xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ:

Quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung quy định về cơ quan Công an có thẩm quyền tiến hành xác minh địa điểm của người bị yêu cầu dẫn độ tại Việt Nam.

- Về thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam:

Về cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung nội dung “Trên cơ sở ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an có thể đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy quyết định thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ”.

- Về quyết định dẫn độ cho nước ngoài:

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra một trong các quyết định sau đây: a) Quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ; b) Quyết định đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ. Tòa án nhân dân cấp tỉnh mở phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ.

- Về kháng cáo, kháng nghị quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn độ:

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dẫn độ và kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp cao mở phiên họp xem xét, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.

- Về xem xét yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người:

Về cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung quy định “Trường hợp yêu cầu dẫn độ của nhiều nước đối với một người mà yêu cầu dẫn độ sau được gửi đến khi Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã thụ lý yêu cầu dẫn độ trước thì Bộ Công an đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền đó hủy quyết định đã thụ lý theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật này và trả lại hồ sơ yêu cầu dẫn độ đã thụ lý cho Bộ Công an để tiếp tục xem xét, quyết định”.

Quy định này được bổ sung sẽ giải quyết được nhiều tình huống khác phát sinh trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, cần thiết phải hủy quyết định thụ lý.

- Về các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ:

Dự thảo Luật quy định để đảm bảo thực hiện yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được thực hiện khi nước ngoài chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức đến Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại  khoản 1 Điều 31 của Luật này.

- Về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ:

Dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại các ĐƯQT mà Việt Nam và nước đó là thành viên thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu nước yêu cầu cung cấp đủ thông tin và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định “Trường hợp nước ngoài chưa ký kết ĐƯQT về dẫn độ với Việt Nam yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ thì trình tự, thủ tục bắt khẩn cấp để dẫn độ được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam”.

Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật TTTP nhằm góp phần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Việt Nam trong các ĐƯQT về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, dự phòng cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự trong thời gian sắp tới; phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, phù hợp với chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về tư duy mới trong xây dựng pháp luật, đồng thời nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.

- Về dẫn độ đơn giản:

Dự thảo Luật quy định trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đồng ý bằng văn bản với việc bị dẫn độ về nước ngoài thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét áp dụng thủ tục dẫn độ đơn giản. Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật TTTP.

- Về thi hành quyết định dẫn độ:

Dự thảo Luật quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định dẫn độ của Tòa án nhân dân có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định thi hành quyết định dẫn độ. Sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định dẫn độ, cơ quan công an có thẩm quyền tiến hành bắt người bị dẫn độ theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Về hoãn dẫn độ và tiếp tục thi hành quyết định dẫn độ:

Về cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ, phù hợp với các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký với các nước.

- Về dẫn độ tạm thời:

Về cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế về dẫn độ, phù hợp với các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký với các nước.

- Về từ chối dẫn độ cho nước ngoài:

Về cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung một số trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ; bổ sung trường hợp có thể từ chối dẫn độ, bao gồm tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự.

- Về xử lý trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ công dân Việt Nam cho nước ngoài: Về cơ bản, quy định này được kế thừa từ Điều 498 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Về xử lý trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài trong các trường hợp khác:

Dự thảo Luật quy định “Trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài những người không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này, trên cơ sở đề nghị của nước ngoài, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thể xem xét áp dụng thủ tục được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

Việc bổ sung quy định này bảo đảm tránh bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Chương IV (Quản lý nhà nước về dẫn độ)

Chương này quy định nội dung quản lý nhà nước về dẫn độ; trách nhiệm quản lý nhà nước về dẫn độ.

5. Chương V (Điều khoản thi hành)

Chương này gồm 02 điều quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp. Theo đó, Luật này dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2026.

         Phòng Hành chính tổng hợp

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi