Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tràn lan mua bán, sang nhượng đất dự án trái phép

Nhằm thu hút đầu tư, trong những năm qua các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp để thực hiện các dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Nhưng sau nhiều năm triển khai, phần lớn các dự án này đều thất bại cả về hiệu quả kinh tế và công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kéo theo đó là những bất ổn về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và đã đến lúc những hệ lụy này cần được chính quyền địa phương giải quyết triệt để.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có hàng trăm nghìn hecta rừng, đất rừng đang được giao cho các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sau khi được giao đất, giao rừng đã buông lỏng quản lý, để rừng bị tàn phá tràn lan, đất đai sang nhượng, mua bán, tranh chấp trái phép kéo dài, gây bất ổn về an ninh trật tự…

Những ngày đầu tháng 12/2021, trong vai “cò đất”, phóng viên Báo CAND có mặt tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, một trong những điểm “nóng” để tìm hiểu thực trạng mua bán trái phép đất rừng tại các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn. Dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 6 thuộc địa bàn thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn là hàng trăm căn nhà mới cũ xen lẫn những vườn cây xanh mướt được người dân canh tác từ lâu. Thỉnh thoảng lại có những bãi đất trống được san ủi bằng phẳng và rào chắn cẩn thận. Theo tìm hiểu, những khu đất này đều nằm trên dự án của Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ (Công ty Đỉnh Nghệ) được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất, giao rừng để thực hiện dự án nông lâm nghiệp trước đó.

rrrr-1639065613028.jpgHàng nghìn hecta rừng, đất rừng ở huyện biên giới Ea Súp, Đắk Lắk được giao cho doanh nghiệp bị tàn phá, lấn chiếm, mua bán và triển khai dự án không hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, anh N.T.P. (một người dân có đất tại thôn Quảng Tiến) cho biết, vào năm 2018, gia đình anh mua lại một mảnh đất chạy dọc theo tuyến tỉnh lộ 6 có chiều dài hơn 170m với giá gần 2 tỷ đồng. “Vào thời điểm đó, thấy có người “cò” giới thiệu quen biết với lãnh đạo Công ty Đỉnh Nghệ cần bán lại mảnh đất này giá rẻ nên mình yên tâm mua lại. Tuy nhiên, tất cả thủ tục mua bán chỉ xác nhận bằng giấy viết tay, người bán cũng cam kết không có tranh chấp, vi phạm gì. Giờ tìm hiểu thì mảnh đất này nằm trong khu dự án của công ty thì đã muộn”, anh P. phân trần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có người dân mua bán, sang nhượng đất dự án trái phép mà ngay cả người trong công ty này cũng sẵn sàng tham gia chuyển nhượng, mua bán đất. Qua hồ sơ chúng tôi thu thập được, vào năm 2015, đại diện Công ty Đỉnh Nghệ là ông Nguyễn Văn Khanh (Giám đốc công ty, trú tại xã Quảng Sơn) đã sang nhượng khoảng 100ha đất của dự án cho ông V.V.T. (trú tại Gia Lai) và 1 người dân khác với giá trị hơn 12 tỷ đồng.

Theo ông V.V.T., sau khi thanh toán cho ông Khanh 3 đợt với số tiền hơn 6 tỷ đồng, ông Khanh không những không chịu bàn giao đất như cam kết mà số tiền 6 tỷ đồng ông Khanh cũng không chịu trả lại. Không còn cách nào khác, ông T. đã khởi kiện ông Khanh ra tòa.

“Cuối năm 2019, TAND huyện Đắk Glong đã xét xử và buộc gia đình ông Khanh phải trả lại cho tôi số tiền trên 10,2 tỷ đồng (gồm 6 tỷ đồng tiền gốc và trên 4,2 tỷ đồng tiền lãi). Sau khi bản án có hiệu lực, tôi đã làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết xong”, ông T. cho hay.

Cũng theo ông T., qua tìm hiểu mặc dù ông Khanh chưa trả lại tiền nhưng ông này tiếp tục chuyển nhượng mảnh đất trên cho một người dân khác. Còn theo người dân địa phương, trụ sở trước đây của Công ty Đỉnh Nghệ nằm dọc tỉnh lộ 6 nhưng gần đây, một nhà nghỉ bề thế đã mọc lên ở vị trí này. Họ cho rằng lãnh đạo công ty đã bán cả đất trụ sở. Chúng tôi cũng đã cố gắng liên hệ với ông Khanh. Nhưng các số điện thoại cán bộ và người dân cung cấp đều không thể liên hệ được. Lãnh đạo UBND xã Quảng Sơn cũng thừa nhận, rất lâu rồi xã không thể liên hệ được với ông Khanh và Công ty Đỉnh Nghệ.

Cũng trên địa bàn huyện Đắk Glong, việc tranh chấp, sang nhượng đất rừng tại dự án nông lâm nghiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hợp Tiến (HTX Hợp Tiến) cũng diễn ra “nóng” không kém. Theo đại diện lãnh đạo HTX Hợp Tiến thì năm 2016, đơn vị được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.200ha đất rừng tại 2 Tiểu khu 1644 và 1645 thuộc địa bàn xã Quảng Sơn để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, qua rà soát dự án của HTX Hợp Tiến, cơ quan chức năng xác định có khoảng 70% diện tích đất rừng được giao đã bị lấn chiếm, mua bán. Cùng với việc người dân mua, bán thì cũng có không ít trường hợp chính xã viên của HTX này cũng tham gia chuyển nhượng, mua bán đất trái phép.

Ông Nguyễn Đỗ Điệp, Giám đốc HTX Hợp Tiến thừa nhận, chính bản thân ông nhiều lần đóng giả là người đi mua rẫy để nắm bắt thông tin. Và thực sự có nhiều người khẳng định có đất của HTX để bán. Chính xã viên của HTX cũng tham gia chuyển nhượng trái phép. Chỉ cần tiền, bao nhiêu cũng có. Để khẳng định cho lời nói của mình, ông Điệp đã dẫn phóng viên vào giữa khu vực Tiểu khu 1645 do HTX quản lý. Tại khu vực này, phóng viên ghi nhận đang có rất nhiều hộ dân canh tác và trồng cây trên đất của HTX. Tuy nhiên, đa số các hộ dân đều tự nhận rằng đã mua số diện tích đất rừng này trước thời điểm HTX Hợp Tiến được UBND tỉnh Đắk Nông giao.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua tỉnh này cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, giao rừng khoanh nuôi bảo vệ và thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi dự án nông, lâm nghiệp của 9 doanh nghiệp với diện tích gần 6.000ha. Lý do thu hồi là các doanh nghiệp này được tỉnh giao đất, cho thuê đất để trồng cao su, khoanh nuôi bảo vệ phát triển vốn rừng nhưng đã tự ý chuyển đổi mục đích sang trồng cây khác hoặc vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, sang nhượng, mua bán đất trái quy định...

Điển hình như năm 2011, Công ty TNHH Anh Quốc (có trụ sở đóng tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh cho thuê 1.165,2ha đất tại Tiểu khu 293 trên địa bàn xã Cư Mlan, huyện Ea Súp để thực hiện dự án trồng cao su, trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm triển khai, dự án hoàn toàn bị phá sản. Hệ lụy để lại là đất rừng bị người dân vô tư lấn chiếm, hàng trăm hecta cao su số thì chết yểu, số thì không cho mủ. Hệ lụy đau lòng nhất chính là hàng trăm hecta rừng nguyên sinh giao cho công ty quản lý, bảo vệ đã bị tàn phá...



Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi