Người dân có thể tra cứu những quy định pháp luật mà mình quan tâm tại Cổng Thông tin điện tử pháp điển địa chỉ http://phapdien.moj.gov.vn/.
Cổng Thông tin điện tử pháp điển - Ảnh VGP/Hoàng Diên
Cổng Thông tin điện tử pháp điển vừa được Bộ Tư pháp ra mắt hôm nay. Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) pháp điển là một cổng TTĐT độc lập, đăng tải Bộ pháp điển điện tử, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và duy trì hoạt động.
Bộ pháp điển đang xây dựng được cấu trúc theo chủ đề, chứa đựng những quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất được được xác định theo lĩnh vực; mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Những chủ đề, đề mục của Bộ pháp điển sau khi được Chính phủ thông qua sẽ được đăng tải, duy trì, cập nhật thường xuyên, liên tục trên Cổng TTĐT pháp điển và sử dụng miễn phí.
Theo ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, trong nhiều lĩnh vực pháp luật, các quy định còn tản mát trong nhiều văn bản dẫn đến khó khăn cho việc tìm kiếm, tra cứu, áp dụng. Mặt khác, trong điều kiện các quan hệ kinh tế - xã hội ở nước ta đang tiếp tục thay đổi mạnh mẽ, hệ thống pháp luật đang phát triển không ngừng cả về lượng và chất.
Trong điều kiện đó, việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tạo chuyển biến mới về chất, nhất là tính đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới của đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước.
Cũng theo ông Đồng Ngọc Ba, Bộ pháp điển có 45 chủ đề, trong đó chứa 265 đề mục. Người dân có thể tra cứu những quy định pháp luật mà mình quan tâm theo chủ đề và đề mục này. Ví dụ: Chủ đề số 33 chứa đựng các đề mục về thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu. Qua đó, mọi cá nhân, tổ chức có thể tra cứu, tìm kiếm và áp dụng các quy định pháp luật một cách thuận lợi, dễ dàng.
Thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện pháp điển và hoàn thành 20 đề mục. Bộ Tư pháp đã thẩm định đối với 20 đề mục này và đang chuẩn bị trình Chính phủ thông qua trong thời gian sớm nhất. Sau khi Chính phủ thông qua, các đề mục này sẽ được đăng tải tại Bộ pháp điển điện tử trên Cổng TTĐT pháp điển. Hiện nay, các đề mục này được đăng tải tạm thời tại mục "Kết quả pháp điển đã thẩm định" trên Cổng TTĐT pháp điển để người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước có thể tham khảo, tra cứu trước.
Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng Bộ pháp điển được thực hiện trong 10 năm (2014- 2023) với 3 giai đoạn. Tuy nhiên với mong muốn đưa Bộ pháp điển vào khai thác sử dụng đáp ứng nhu cầu tra cứu, áp dụng pháp luật của người dân, doanh nghiệp, một số Bộ, ngành đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước năm 2018.
Tại Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật quy định: “Pháp điểnlà việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”.
|
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK