Tội phạm kinh tế là biểu hiện tập trung nhất của những nhân tố tiêu cực trong quá trình phát triển nền kinh tế quốc gia. Nghiên cứu những đặc trưng của tội phạm kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay không chỉ giúp xác định chính xác cơ chế phát sinh, phát triển tội phạm, mà còn tạo tiền đề xây dựng các chủ trương, phương hướng phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả. Từ thực tiễn, có thể xác định tội phạm kinh tế có những đặc trưng cơ bản sau đây:
Ðặc trưng phụ thuộc và "tránh né"
Một là, tội phạm kinh tế trong từng giai đoạn luôn phụ thuộc chặt chẽ vào các chính sách kinh tế, công cụ quản lý kinh tế, cơ chế vận hành nền kinh tế của quốc gia. Hành vi kinh tế hợp pháp tất yếu phải được điều chỉnh bởi các chính sách, công cụ quản lý kinh tế và tuân thủ cơ chế vận hành nền kinh tế. Tương tự như vậy, tội phạm kinh tế với tư cách là hành vi "phản kinh tế"(1) cũng phát sinh và tồn tại phụ thuộc vào các chính sách, công cụ quản lý kinh tế và cơ chế vận hành nền kinh tế. Tội phạm kinh tế lấy chính sách, công cụ và cơ chế vận hành nền kinh tế làm "vật chủ" để "ký sinh", phát triển.
Hai là, để đạt được mục đích phi pháp, các đối tượng phạm tội luôn "tránh né" các chính sách, công cụ và cơ chế quản lý kinh tế. Sự "tránh né" này được thực hiện trên cơ sở am hiểu chính sách, nắm vững công cụ, cơ chế quản lý kinh tế và thành thạo trong tổ chức thực hiện hành vi phạm tội. Có thể nói, tính "trí tuệ", sự tinh vi, xảo quyệt của tội phạm kinh tế chính là phản ánh tất yếu đặc trưng "phụ thuộc" và "tránh né" của hành vi phạm tội mà hành vi của bầu Kiên và nhiều đối tượng khác thời gian qua là thí dụ khá tiêu biểu.
Việc nhận thức rõ đặc trưng trên đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc những nhân tố liên quan đến tình hình tội phạm kinh tế, trong đó chú trọng sự ảnh hưởng của việc xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ, cơ chế vận hành nền kinh tế. Có như vậy mới đề ra đối sách chống tội phạm khả thi và có tính chiến lược.
Ðặc trưng về diễn biến của tình hình tội phạm kinh tế
Xem xét tình hình tội phạm kinh tế trong xã hội, ta thấy nó không phải ở trạng thái tĩnh mà ngược lại nó luôn ở xu thế động. Tùy từng giai đoạn lịch sử, có thể ở trạng thái tăng hoặc giảm với các mức độ khác nhau(2).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự phát sinh, phát triển của tội phạm kinh tế do rất nhiều nhân tố khác nhau gây nên, từ các nhân tố tiêu cực của xã hội, môi trường sống, đến các nhân tố xuất phát từ chính bản thân người phạm tội(3). Ðó là lực tổng hợp của các nhân tố tiêu cực làm phát sinh, phát triển tội phạm kinh tế, nói cách khác là "lực phát sinh tội phạm".
Ngược lại, trong xã hội còn song song tồn tại các nhân tố tích cực có tác dụng khống chế, kiểm soát và hạn chế, đẩy lùi tội phạm kinh tế, thí dụ như: các biện pháp kiểm soát tội phạm của Nhà nước và các thiết chế xã hội, hiệu quả quản lý kinh tế, công tác đấu tranh của cơ quan chức năng, ý thức phòng ngừa tội phạm của công chúng... Ðó chính là lực tổng hợp của những nhân tố tích cực, hay còn gọi là "lực kiểm soát tội phạm".
Như vậy, sự thay đổi, tăng, giảm của tội phạm kinh tế được quyết định bởi kết quả của sự ảnh hưởng và tác động qua lại giữa lực phát sinh tội phạm và lực kiểm soát tội phạm.
Khi lực phát sinh tội phạm kinh tế lớn hơn lực kiểm soát tội phạm, thì tình hình tội phạm kinh tế sẽ gia tăng, và ngược lại.
Khi lực phát sinh tội phạm và lực kiểm soát tội phạm ở thế cân bằng, thì tình hình tội phạm kinh tế sẽ ở trạng thái ổn định tương đối.
Nói cách khác, sự thay đổi của lực phát sinh tội phạm và lực kiểm soát tội phạm quyết định diễn biến tình hình tội phạm kinh tế. Chính điều này cũng tạo nên tính chu kỳ và tính liên tục của tình hình tội phạm.
Trong thời kỳ cơ chế vận hành và thể chế của nền kinh tế thị trường bắt đầu được xác lập, tổng thể trình độ phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cơ chế quản lý kinh tế còn ở trình độ tương đối thấp. Trong giai đoạn này, lực phát sinh tội phạm của tội phạm kinh tế lớn hơn lực kiểm soát tội phạm. Do vậy, tình hình tội phạm kinh tế biểu hiện ở chiều hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất.
Khi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đi vào giai đoạn phát triển ổn định, quá trình thể chế hóa, chế độ hóa đã tương đối hoàn thiện, cơ chế quản lý kinh tế tương đối kiện toàn, chất lượng cuộc sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tổng thể phát triển của nền kinh tế được nâng cao đáng kể, thì khi đó lực phát sinh tội phạm và lực kiểm soát tội phạm đạt cân bằng hoặc lực phát sinh tội phạm yếu hơn lực kiểm soát tội phạm. Những điều kiện đó tất yếu dẫn đến tình hình tội phạm kinh tế sẽ đi vào trạng thái ổn định hoặc có chiều hướng giảm rõ rệt.
Nhận thức và nắm vững quy luật này, đòi hỏi phải phân tích và nghiên cứu thấu đáo các nhân tố cấu thành lực phát sinh tội phạm, không ngừng đề cao và tăng cường lực kiểm soát tội phạm đối với tội phạm kinh tế, đồng thời căn cứ vào sự biến đổi có tính chu kỳ của tội phạm kinh tế mà chế định các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả.
Ðặc trưng về sự lan truyền phương thức, thủ đoạn
Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế là đặc trưng và xu hướng phát triển phổ biến của kinh tế thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế vượt qua mọi biên giới quốc gia, khu vực, đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong quá trình vận động phát triển(4). Các quốc gia nhận thức ngày càng rõ ràng hơn nguy cơ đối mặt với những rủi ro từ bên ngoài cũng như tính nhạy cảm của tội phạm kinh tế và khủng hoảng kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa. Trong bối cảnh điều kiện vận hành nền kinh tế của các quốc gia có sự tương đồng và phụ thuộc lẫn nhau, phương thức, thủ đoạn của tội phạm kinh tế ở các quốc gia cũng ảnh hưởng lẫn nhau. Phương thức, thủ đoạn mới thường xuất phát từ những nền kinh tế tương đối phát triển, thông qua sự thâm nhập, mô phỏng, mà lây lan, phát tán đến các nền kinh tế kém phát triển hơn theo kiểu phản ứng lan tỏa, dây chuyền. Ðặc biệt trong điều kiện phát triển toàn cầu hóa kinh tế, sự lưu chuyển của các dòng vốn và lao động trên phạm vi toàn cầu đã tạo ra cho các tội phạm kinh tế xuyên quốc gia có không gian sinh tồn và điều kiện phát triển. Theo đó, tội phạm công nghệ cao, rửa tiền, lừa đảo kinh doanh đa cấp... có thể là những dẫn chứng.
Do vậy, chúng ta cần thông qua việc nghiên cứu lịch sử phát triển của tội phạm kinh tế, để tiến hành nghiên cứu, dự báo, từ đó đề ra các giải pháp đấu tranh với tội phạm bám sát thực tiễn đất nước, đồng thời không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Biên tập: Hồng Thắm - Trung tâm TTKH & TLGKTrích nguồn: Báo Nhân dân điện tử