
Hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù hiện nay được quy định tại Chương V (gồm 12 điều, từ Điều 49 đến Điều 60) và một số quy định tại Chương I, Chương VI Luật Tương trợ tư pháp năm 2007. Tuy vậy, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần được tháo gỡ, giải quyết. Chính vì vậy, thực tiễn công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đặt ra yêu cầu cần thiết là phải xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 45 điều; trong đó, xây dựng mới 18 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 14 điều, bỏ 01 điều so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung (gồm 11 điều: Từ Điều 1 đến Điều 11);
Chương II. Tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam (gồm 15 điều: Từ Điều 12 đến Điều 26);
Chương III. Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài (gồm 14 điều: Từ Điều 27 đến Điều 40);
Chương IV. Quản lý nhà nước về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (gồm 03 điều: Từ Điều 41 đến Điều 43);
Chương V. Điều khoản thi hành (gồm 02 điều: Điều 44 và Điều 45).
Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Về đối tượng áp dụng: dự thảo Luật quy định áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù và cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với Việt Nam. Người đang chấp hành án phạt tù là đối tượng đặc thủ của dự án Luật, phẩn biệt với đối tượng áp dụng của dự án Luật Dẫn độ.
Về nguyên tắc chuyển giao: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thì hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện theo nguyên tắc “có đi có lại” nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù: Điều 6 dự thảo Luật quy định Bộ Công an là Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có trách nhiệm lập, gửi, tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án. Quy định này phù hợp với quy định của các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết và tương thích với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Công an nhân dân năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2023). Đây là quy định mới so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
Điều kiện tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam: Người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận về Việt Nam để thi hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Là công dân Việt Nam;
- Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam vào thời điểm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù;
- Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là 01 năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể ít hơn 01 năm;
- Bản án, quyết định đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật, không còn thủ tục tố tụng nào đang chờ xử lý đối với người được chuyển giao;
- Có sự đồng ý của Việt Nam và nước chuyển giao;
- Có sự đồng ý của người được chuyển giao. Trường hợp người đang chấp hành án phạt tù không có khả năng bày tỏ sự đồng ý với việc chuyển giao vì lý do tuổi tác, sức khỏe và tinh thần thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó.
Điều kiện chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài: Người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam có thể được chuyển giao cho nước ngoài để thi hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện sau:
- Là công dân của nước nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn ở nước nhận hoặc được nước nhận đồng ý tiếp nhận;
- Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án tại Việt Nam cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật nước nhận vào thời điểm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù;
- Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành hình phạt tù phải còn ít nhất là 01 năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể ít hơn 01 năm;
- Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó, bao gồm đã thực hiện xong trách nhiệm dân sự trong bản án, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản, và các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật;
- Có sự đồng ý của Việt Nam và nước nhận;
- Có sự đồng ý của người được chuyển giao. Trường hợp người đang chấp hành án phạt tù không có khả năng bày tỏ sự đồng ý với việc chuyển giao vì lý do tuổi tác, sức khỏe và tinh thần thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó.
Về thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút đơn xin chuyển giao: Điều 7 dự thảo Luật quy định người đang chấp hành án phạt tù chỉ có quyền rút lại đơn xin chuyển giao trước khi quyết định thi hành quyết định tiếp nhận hoặc quyết định thi hành quyết định chuyển giao có hiệu lực. Quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc người đang chấp hành án phạt tù tùy tiện rút đơn xin chuyển giao gây lãng phí thời gian, công sức và kinh phí cho cả Việt Nam và nước ngoài. Đây là quy định mới so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
Về thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam: dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận. Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam của người được đề nghị chuyển giao hoặc người được đề nghị chuyển giao không thường trú tại Việt Nam thì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam.
Về thẩm quyền xem xét chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài: dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù quyết định việc chuyển giao. Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định. Điều này phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 và là nội dung mới so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
Quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù: dự thảo Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2026. Các quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại Điều 45 của Luật này.
Phòng Hành chính tổng hợp