Thật giả trở nên lẫn lộn, đặc biệt khi những người nổi tiếng có liên quan liên tục trưng ra bằng chứng là các chứng từ sao kê ngân hàng. Những ai vốn tin họ lấy đó làm căn cứ củng cố thêm vững chắc cho niềm tin của mình. Còn những ai mặc định đã không tin từ đầu thì lại càng soi mói kỹ hơn các bản sao kê để đặt ra thêm nhiều câu hỏi nghi vấn.
Và không có gì buồn hơn khi những ngày cuối năm lại rộ lên một cuộc đấu tố giữa chính nghệ sỹ với nghệ sỹ và vấn đề chính cũng lại xoay quanh từ thiện. Đó là chuyện của Thương Tín và Trịnh Kim Chi. Thực hư ra sao không ai hay, nên cũng chẳng ai dám cả quyết đúng - sai thế nào. Nhưng bẽ bàng là cảm giác có thật của những người trong giới showbiz khi chứng kiến câu chuyện này. Là một nghệ sỹ luôn xuất hiện hào nhoáng và lộng lẫy, không một ai muốn mình trở nên tiều tụy trong mắt công chúng. Nhưng Thương Tín đã xuất hiện như thế, và không phải chỉ một lần. Những nhà hảo tâm cũng đã chìa cánh tay đùm bọc lấy Thương Tín cũng không chỉ một lần. Song, có lẽ, lần này sẽ là lần cuối khi mà đồng nghiệp đàn em đã cố gắng làm gì đó để giúp đỡ ông, nhưng kết quả nhận về lại là những tố cáo và hoàn toàn có khả năng sẽ trở thành một vụ kiện.
Xuyên suốt tất cả các câu chuyện từ thiện này, điều đọng lại lớn nhất là gì? Khi chưa có những kết luận chi tiết của cơ quan điều tra đối với từng trường hợp cụ thể, chúng ta chưa có quyền phán xét phải quấy. Nhưng chúng ta dễ nhận thấy, nghệ sỹ thực tế rất dễ bốc đồng. Làm việc bốc đồng theo hứng là một chuyện. Làm thiện nguyện cũng bốc đồng. Hơn thế nữa, trong cái bốc đồng đó cũng có cả những “sân si” đúng nghĩa khi thấy người này, người kia làm được nên mình cũng phải ráng mà làm để chứng tỏ đẳng cấp. Cái dở của họ là không có sự tham chiếu luật. Một khi đã làm không tuân theo luật thì sẽ có những sơ hở phát sinh.
Để rồi khi bắt đầu có những phát pháo đấu tố hướng tới các nhân vật công chúng đã làm từ thiện, mạng xã hội trở nên hỗn loạn thực sự với quá nhiều tranh cãi qua lại, các thông tin đa chiều. Ngờ vực chắc chắn là có. Và một khi sự việc đã được đưa cho các cơ quan pháp luật tiến hành điều tra, xử lý, cái kết cuối cùng chắc chắn là không có hậu. Nghệ sỹ có đúng đi nữa thì cũng như con chim đậu cành cong, họ sẽ cảm thấy e dè trong các hoạt động từ thiện sau này. Nghệ sỹ mà sai thì coi như toàn bộ sự nghiệp vứt bỏ, đúng nghĩa “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”. Chỉ có điều, từ trong các tranh cãi gay gắt, các đấu đá ầm ĩ ấy, thứ bộc lộ duy nhất là sự vô cảm, cái độc ác, đặc biệt là của những người thích tìm kiếm sự hả hê khi nhìn kẻ khác “ngã ngựa”.
Trong cuốn phim “The two Popes” (Hai giáo hoàng) nói về các cuộc gặp gỡ trước đây giữa Giáo hoàng Benedict và Giáo hoàng Francis có một câu thoại rất hay. Giáo hoàng Francis khi nói tới sự thật và tình yêu thương đã thốt lên câu: “Sự thật có thể là sống còn nhưng không có tình yêu thương thì cũng không thể chịu đựng nổi”. Đúng là chúng ta luôn đi tìm sự thật như một lẽ sống còn, chấp nhận cả sự thật đắng ngắt như một liều thuốc dã tật và nhân danh việc kiếm tìm sự thật để có thể làm tất cả. Nhưng nếu kiếm tìm được sự thật ấy rồi mà không còn lẽ yêu thương trong cõi đời này thì sự thật liệu có còn giá trị gì nữa hay không. Và ở câu chuyện từ thiện xuyên suốt của năm, người ta kiếm tìm sự thật không phải nhân danh lẽ yêu thương nào cả, mà nhiều khi còn vì thù ghét, vì mong muốn bóc trần một ai đó trước bàn dân thiên hạ.
Và chính các nghệ sỹ cũng rất cần phải suy nghĩ kỹ về câu chuyện kéo dài dai dẳng này. Họ muốn tôn vinh lòng yêu thương bằng công tác từ thiện, điều đó là tốt, nếu không nói là quá tốt. Nhưng họ cần hiểu luật để việc mình làm bắt đầu từ sự thật và luôn kết thúc bằng sự thật. Chỉ có cách đó mới ngăn cản được các thù ghét khác sau này, những thù ghét có thể nhân danh sự thật chỉ để thoả mãn cái thú được thấy kẻ khác phải bẽ bàng.
Nguồn: Báo CAND