Sáng 23-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An ninh mạng. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với việc cần thiết có Luật An ninh mạng bởi tình hình hiện nay, an ninh mạng là vấn đề quan tâm của toàn cầu, có tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhiều quốc gia ban hành các đạo luật, đưa ra các chính sách phát triển công nghệ thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn, tấn công trên không gian mạng nhằm bảo vệ các giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước.
Ở nước ta, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, hệ thống chính sách chưa đồng bộ.
|
Đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn).
|
Tán thành với sự cần thiết có luật này, đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) dẫn chứng, hoạt động tấn công mạng vào các cơ quan Nhà nước, hệ thống tài chính, hàng không, ngân hàng phá hoại thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng gia tăng và tinh vi.
Hiện nay, Việt Nam là nước nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Lợi dụng intetnet, nhiều đối tượng xấu đã đưa tin xâm phạm an ninh quốc gia, gây bất ổn xã hội.
Đại biểu phân tích Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác an ninh mạng.
“Hoạt động tấn công mạng ngày càng gia tăng, nhiễu loạn thông tin ngày càng nghiêm trọng, nhiều thông tin nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cá nhân, cơ quan, tổ chức, gây bất bình, hoang mang trong nhân dân. Không gian mạng cũng như xã hội có hành vi tốt, xấu, tiêu cực. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là phải phát huy thông tin tích cực, hạn chế, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi xấu, tiêu cực.
Đại biểu nêu quan điểm việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết, phù hợp với thế giới, qua đó góp phần đắc lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai đảm bảo an ninh mạng cũng như công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử dụng internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đặt câu hỏi, vì sao có Luật An toàn thông tin mạng rồi nhưng vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phân tích phạm vi điều chỉnh của hai luật là hoàn toàn khác nhau.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An).
|
Viện dẫn Bộ luật Hình sự quy định tất cả các hành vi phạm tội còn Luật Phòng, chống tham nhũng hay Luật Phòng, chống ma túy quy định biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chuyên sâu hơn với các loại tội phạm mà nhà nước thấy nguy hiểm hơn, cần ưu tiên phòng, chống, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lập luận: Luật An toàn thông tin mạng bảo vệ sự an toàn thông tin trên 3 thuộc tính chung nhất, đó là tính nguyên vẹn của thông tin; tính bảo mật thông tin; tính khả dụng của thông tin.
Dự thảo Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng.
Khẳng định đây là điều khác biệt cơ bản của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thấy rằng có thêm những luật chuyên sâu trên môi trường mạng là điều bình thường, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh... đã có Luật An ninh mạng mà Ban soạn thảo đã tham khảo khi xây dựng luật này.
Đại biểu Ngô Đức Mạnh, Bình Thuận cũng cho rằng rất cần thiết phải có Luật An ninh mạng, bởi khi có Luật, không chỉ ngăn ngừa sự tấn công mạng, bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng mà còn phát triển lực lượng đủ mạnh, tinh nhuệ để thực thi nhiệm vụ này.
Đại biểu Mạnh đặt vấn đề phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng cần tập trung vào việc vận hành đồng bộ, bảo vệ an toàn thông tin, không chỉ là bảo đảm an ninh quốc gia mà còn bảo vệ bí mật đời tư, thông tin cá nhân. Đặc biệt, khác với Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng còn bảo vệ cả những mạng không kết nối Internet chung như mạng nội bộ, hệ thống điều khiển các công trình quan trọng của quốc gia.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật An ninh mạng ra đời để đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc, sự phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng để lý giải sự cần thiết ban hành Luật là chưa thuyết phục.
Đại biểu phân tích mạng chỉ là phương tiện, là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia. Nếu nói là cần có riêng một luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh hàng không, an ninh lương thực… cũng phải điều chỉnh bằng luật riêng. "Còn nếu nói về lĩnh vực bảo vệ thông tin mạng thì điều này đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng" đại biểu nêu.
Đối với các lý do Luật An ninh mạng ra đời để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế, đại biểu Thúy cho rằng thực chất những quy định về vấn đề này tại Chương 2 dự thảo Luật An ninh mạng chỉ là sự cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng đã được quy định tại Chương 2 Luật An toàn thông tin mạng. Những nội dung cụ thể này đã được quy định tại Chương 4, Nghị định 85 của Chính phủ về trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin.
Dự thảo Luật lần đầu tiên được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Qua các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phát biểu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận, qua đó hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Có rất nhiều hệ thống mạng không kết nối Internet cần được bảo vệ trong Luật An ninh mạng
Đại biểu Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng):Theo tôi, Luật An ninh mạng thực sự cần thiết. Hiện nay không gian mạng không chỉ là mạng lưới kết nối toàn cầu nơi có thể thực hiện các hành vi không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Ở đây có rất nhiều hệ thống mạng quan trọng không kết nối mạng thông tin toàn cầu, không kết nối mạng mở internet. Tôi nói ví dụ hệ thống mạng nội bộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rồi các mạng giám sát tự động ví dụ mạng giám sát an ninh của tòa nhà Quốc hội của ta ở đây cũng không kết nối vào mạng internet.
Các mạng điều khiển của điện lưới quốc gia, mạng điều khiển của thủy điện Hòa Bình Sơn La. Nếu sắp tới chúng ta quay lại nhà máy điện hạt nhân thì mạng điều khiển của hệ thống lò thủy điện đó về nguyên tắc là không bao giờ kết nối với các mạng mở internet. Nhưng tất cả các mạng này đều là đối tượng nhắm đến để phá hoại.
Công nghệ và các thủ đoạn gián điệp hiện nay hoàn toàn có thể cho phép cấy các phần mềm gián điệp hoặc các thiết bị gián điệp vào trong các thiết bị mạng. Các thiết bị này có thể “ngủ đông” với thời gian đủ để cơ quan chủ quản hệ thống thông tin đó yên tâm với các biện pháp bảo vệ của mình, lúc đó các hệ thống này mới kích hoạt phá hoại. Các hệ thống này dứt khoát phải nằm trong đối tượng bảo vệ của luật này. Tôi đề nghị giải thích từ ngữ cần đầy đủ hơn để bao quát hết các nội dung mà ta cần bảo vệ.
|
An ninh mạng tác động trực tiếp, toàn diện đến đời sống xã hội, an ninh quốc phòng…
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội):Tôi nhất trí về việc ban hành Luật An ninh mạng chuyên biệt là hết sức cần thiết, cấp bách vì nó tác động trực tiếp, toàn diện đến lĩnh vực đời sống xã hội và an ninh quốc phòng, là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn Việt Nam. Nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo vũ khí khủng bố trong thế kỷ 21 không chỉ là súng đạn mà là một chiếc máy tính, điều đó nói lên tính quan trọng, cấp thiết của an ninh mạng. Dự thảo luật đã được xây dựng một cách nghiêm túc, công phu, bao trùm đầy đủ các nội dung về việc bảo vệ an ninh trên môi trường mạng.
|
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương):Hiến pháp năm 2013 và tất cả chúng ta đều khẳng định chủ quyền quốc gia là tuyệt đối. Nếu chúng ta xác định không gian mạng quốc gia có chủ quyền thì điều ban hành luật này là hết sức cần thiết. Khái niệm của Luật An toàn thông tin mạng nêu 3 đặc tính là: Tính nguyên vẹn, tính bảo mật, tính khả dụng.
Riêng tính đúng đắn và bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công dân thì Luật An toàn thông tin mạng chưa đề cập thỏa đáng. Chính vì thế lại là lý do nữa để ban hành luật này. Một số đại biểu phát biểu trước đã khẳng định điều này, tôi không phân tích lại. Các khái niệm về an ninh tồn tại rất nhiều như an ninh hàng không, an ninh nước, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh môi trường nhưng những khái niệm này hoàn toàn khác khái niệm về an ninh quốc gia.
|
Nguồn tin: Báo diện tử CAND
Biên tập: Nguyễn Cường