Hà Nội đang bước vào những ngày nắng nóng khắc nghiệt. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi tới thời điểm này của một năm dường như mọi người ai cũng đều trở nên vội vàng hơn. Trên đường đi làm hay đi học người nào cũng kín mít mũ áo, găng tay mau mau về nhà, đến công sở. Ai ai cũng như đang cố trốn chạy khỏi nắng nóng.
Thế nhưng nếu chậm lại một chút mỗi khi băng qua những ngã ba, ngã tư bạn sẽ thấy bóng dáng của những đồng chí cảnh sát giao thông vẫn đang kiên trì, nhẫn nại phân luồng phương tiện giữa nắng nóng và khói bụi.
Và không chỉ có những ngày Hà Nội nắng nóng mà vào bất kỳ ngày nào trong năm, cho dù thời tiết có mưa nắng hay lạnh lẽo khắc nghiệt đến đâu, trên con đường quen thuộc của bạn cũng không bao giờ thiếu vắng hình ảnh của người cảnh sát giao thông.
Trong cái nắng hè oi ả của trưa tháng 5, dừng xe ở ngã tư Trần Phú - Sơn Tây (Ba Đình - Hà Nội), tôi bắt gặp Trung tá Phạm Văn Tuyến - Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội đang tất bật chỉ huy các tổ công tác phân luồng, đảm bảo ATGT, phục vụ cho các đoàn đại biểu Quốc hội rời khỏi hội trường. Chiếc áo màu lúa chín hòa lẫn trong màu nắng chói chang giữa trưa hè. Từng giọt mồ hôi thành dòng trên khuôn mặt nghiêm nghị, dường như sạm đen hơn vì nắng nóng. Chiếc bộ đàm trên tay của người chỉ huy chẳng lúc nào ngừng tín hiệu thông báo tình hình giao thông từ các chốt. Đứng nghiêm nghị, giơ tay chào đúng điều lệnh theo quy định mỗi khi xe của đoàn đại biểu Quốc hội đi qua, từng CBCS ở các chốt làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, phục vụ hoạt động đi lại của các đại biểu Quốc hội ngày qua ngày đã hoàn thành nhiệm vụ.
Tranh thủ vài phút khi đoàn xe chở các đại biểu Quốc hội qua khỏi, lúc này mới thấy Trung tá Tuyến ý tứ rút trong túi ra một chiếc khăn mùi xoa nhỏ, lau vội những giọt mồ hôi đang chảy túa trên mặt. Người Đội phó Đội CSGT số 2 từng là 1 trong 10 tấm gương người tốt việc tốt của Phòng CSGT năm 2013 cho hay, địa bàn Đội CSGT số 2 quản lý là địa bàn trọng điểm trong mọi công tác đón, dẫn, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn đại biểu, quan khách trong và ngoài nước tham dự những sự kiện lớn của Thủ đô và đất nước.
Đây được xem là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Phòng CSGT, từng CBCS của Đội CSGT số 2. Thời điểm Quốc hội khai mạc và trong suốt những ngày qua, nắng nóng bao trùm khắp Hà Nội. Mặc dù đứng làm nhiệm vụ tại các nút giao thông giữa trời nắng nóng có lúc lên tới gần 40 độ C nhưng Trung tá Phạm Văn Tuyến và CBCS trong đơn vị chẳng hề nao núng, bởi đối với các anh làm nhiệm vụ cũng đồng nghĩa với việc không có quyền được tránh nắng mưa.
Bất cứ trong hoàn cảnh nào, người chiến sĩ Công an, CSGT cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Nắng thế này, nóng nữa thì chúng mình vẫn bám đường, bám chốt, phân luồng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, các đoàn xe của đại biểu Quốc hội đi qua được an toàn, thông suốt” - Trung tá Tuyến chia sẻ.
Thử đứng nắng cùng Cảnh sát giao thông
Nếu muốn biết thế nào là khả năng chịu nắng của Cảnh sát giao thông, xin mời bạn hãy thử có mặt ở một chốt giao thông để được cùng các anh “nếm” cái cảm giác phơi nắng là như thế nào. Để biết được cảm giác ấy, tôi cũng đã có mặt ở một chốt giao thông trên Quốc lộ 5 đoạn ở ngay chân cầu Thanh Trì.
Quốc lộ 5 là một tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội và Hải Phòng thì chốt giao thông ở chân cầu Thanh Trì cũng là một chốt huyết mạch ở trên con đường ấy. Do sự bố trí giao thông ở đây chưa hợp lý nên các dòng phương tiện từ phía cầu Thanh Trì muốn chuyển hướng xuống Quốc lộ 5 hay từ Quốc lộ 5 chuyển hướng lên đường Quốc lộ 1 thường xuyên gặp phải sự xung đột giao thông.
Chính vì vậy, tình trạng ùn, tắc xảy ra ở đây là chuyện hàng giờ chứ không phải chỉ vào mỗi lúc cao điểm. Lúc tôi có mặt ở chốt là 10h30 phút, không phải làm một ngày nắng khắc nghiệt nhưng cái nắng oi bức của đầu hè cộng thêm nhiệt lượng tỏa ra từ các phương tiện tham gia giao thông khiến cho không khí quanh chốt như bị cô đặc lại.
Trung tá Nguyễn Hữu Lý - cán bộ đội Cảnh sát giao thông số 5, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội lúc này đang cùng đồng đội tổ chức phân luồng giao thông cho các xe trọng tải lớn đang ùn khá dài trên đường dẫn xuống cầu Thanh Trì. Chỉ là đứng cùng và quan sát công việc của các anh nhưng sau ít phút tôi đã cảm thấy mình hoa mắt vì nắng nóng, mồ hôi bắt đầu chảy dọc trên má và sống lưng. Hơn thế, dưới cái nắng như thiêu vậy các anh còn phải hít cái mùi khói xe khét lẹt luôn phảng phất trong không khí.
Chẳng trách mà tại sao có một con số thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh về đường hô hấp của CSGT lúc nào cũng cao hơn những người thường. Trung tá Nguyễn Hữu Lý gạt giọt mồ hôi trên má quay sang tôi cười hỏi: Nhà báo thấy thế nào? Hôm nay thời tiết còn khá dễ chịu đấy chứ vào lúc cao điểm của đợt nắng nóng còn kinh khủng hơn nhiều. Nhưng cứ xuất hiện hiện tượng ùn tắc là chúng tôi lại phải ra “phơi nắng” thôi… Vào những giờ cao điểm thì mỗi lần “phơi nắng” như vậy thường kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Chiếc ô mong manh được trang bị ở mỗi chốt chỉ giúp các anh vơi bớt được phần nào cái nắng trong phút chốc rồi lại tất tả trở lại với vị trí của mình. Đó là còn chưa kể đến những lúc phải xử lý tai nạn hay những tình huống xe của người dân gặp sự cố, sự khắc nghiệt còn tăng lên gấp đôi.
Trung tá Nguyễn Hữu Lý tâm sự: Trước đây anh công tác ở Đội cấp phát biển số xe của phòng CSGT, khi được phân về Đội CSGT số 5 và trực tiếp đảm nhận vị trí tại chốt giao thông này, thời gian đầu cũng trùng vào thời điểm nắng nóng như vừa rồi, có những hôm anh bị sốc nắng, mệt đến mức không muốn ăn cơm. “Bám mặt đường nhiều, giờ thì cơ thể cũng đã quen và thích nghi dần với khí hậu thời tiết. Thế nhưng cũng phải thú thật là khi về đơn vị, cởi bỏ bộ quân phục anh em chúng tôi ai cũng mệt nhoài”. Rời chốt của Đội CSGT số 5, hình ảnh không thể quên đối với tôi đó là những chiếc áo cảnh phục các anh đang mặc lúc nào cũng luôn ướt sũng mồ hôi.
Niềm vui trong công việc đến từ nhân dân
Tôi vẫn còn nhớ trong một lần trò chuyện cùng Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, ông tâm sự rằng: Càng trong những ngày nắng nóng, mưa gió, thời tiết bất thường, nhiệm vụ của những người CSGT càng nặng nề. Nhưng khi đã mang trên mình bộ quân phục của chiến sĩ CSGT thì những khó khăn, thách thức đó cũng sẽ được cán bộ, chiến sỹ vượt qua bằng tất cả tinh thần, nghị lực, thái độ làm việc hết mình vì nhân dân phục vụ. Điều đó có lẽ cũng là tâm niệm chung của mỗi cán bộ chiến sĩ CSGT nói riêng và Công an TP Hà Nội nói chung.
Lực lượng CSGT thường mặc nhiên được coi là “mặt tiền” của lực lượng Công an. Thế nên trong bất kỳ tình huống nào cũng phải thể hiện một thái độ tận tâm, hết mình vì nhân dân. Nói thì dễ nhưng quả thật đối với CSGT đôi lúc việc thực hiện điều này lại không phải dễ dàng. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng nhiều lúc lên đến trên 40 độ C, phải đứng phơi mặt ngoài nắng rất dễ khiến cho người ta bị bốc hỏa, nhưng vẫn phải luôn giữ được thái độ bình tĩnh, tỉnh táo để phục vụ nhân dân. Không ít trường hợp người dân vi phạm luật giao thông khi bị lực lượng CSGT dừng xe lập biên bản, xử phạt đã tranh cãi, thậm chí… nổi khùng với lực lượng làm nhiệm vụ. CSGT cũng là những con người, trong điều kiện thời tiết và hoàn cảnh như vậy cũng rất dễ nổi nóng nhưng hầu hết anh em đều giữ một thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng để giải thích cho người vi phạm hiểu được sai phạm của mình.
Thượng úy Đặng Hồng Giang, Đội phó Đội CSGT số 5 - Công an TP Hà Nội tâm sự: Đúng là trong những ngày thời tiết nắng nóng, các CBCS Cảnh sát giao thông vất vả hơn nhiều nhưng xác định đây là công việc nên mọi người đều phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và họ cũng đã dần chai sạn với việc đó. Thượng úy Đặng Hồng Giang chia sẻ với chúng tôi câu chuyện các CBCS tuy đã hết ca trực nhưng vẫn bất chấp thời tiết nắng nóng ở lại bám chốt giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội điều tiết giao thông trong những giờ cao điểm là chuyện hàng ngày. “Điều đáng mừng là trong những lúc như vậy, sự chia sẻ, cảm thông và những tình cảm của người dân đối với lực lượng làm nhiệm vụ là hết sức đáng quý. Đôi lúc trong điều kiện thời tiết nắng nóng thấy cán bộ chiến sĩ vất vả, người dân mang đến mời một cốc nước lọc là anh em chúng tôi cảm thấy phấn khởi quên hết cả mệt nhọc”.
Còn với Trung tá Phạm Văn Tuyến, anh cho biết trong những ngày diễn ra kỳ họp Quốc hội, anh và CBCS phải dậy sớm hơn ngày thường. 5h sáng có mặt ở đơn vị, điểm danh quân số, chuẩn bị mọi thứ để 6h kém đã phải có mặt tại chốt làm nhiệm vụ. Bởi vậy, nhiều đồng chí nhà xa nhiều khi cả tháng mới có thể thu xếp về thăm được vợ con. Trung tá Phạm Văn Tuyến cho hay, nắng nóng gay gắt, kéo dài cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của CBCS. Ngoài việc nhắc nhở CBCS giữ gìn sức khỏe, các chốt làm nhiệm vụ cũng phải mang thêm nước uống. Chỉ từng ấy thôi chứ vì nhiệm vụ, yêu cầu công việc, người CSGT không được phép rời khỏi vị trí làm nhiệm vụ dù chỉ là trong thời gian nửa phút.
Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, hàng ngày, hàng giờ trên mỗi nẻo đường của Thủ đô, những cán bộ chiến sĩ của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vẫn căng mình với nhiệm vụ. Có thể ai đó còn có cái nhìn chưa thiện cảm với lực lượng CSGT, nhưng tôi tin rằng nếu được chứng kiến những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ CSGT, chứng kiến những ca trực bất kể nắng chói chang hay mưa giông, gió rét thì họ sẽ hiểu. Hãy chậm lại một chút, mỗi khi đi qua ngã tư!
Biên tập: Hồng Thắm, Trung tâm TTKH & TLGK Trích nguồn: Báo An ninh Thủ đô