Đối tượng Lê Việt Hoàn khi bị bắt, trước các chứng cứ do cơ quan điều tra đưa ra, sau 1 ngày, buộc khai nhận hành vi bắn chết anh Trí. Tuy nhiên, hắn nhất quyết khai nhận chỉ do mình hắn làm, rủ Duy cùng đi, chứ không có ai thuê mướn.
Qua tìm hiểu, các trinh sát biết giữa Hoàn và Đạt có mối quan hệ rất mật thiết, chúng coi nhau còn thân tín và tin cậy hơn cả anh em ruột. Chính vì thế, Hoàn sẽ tìm cách nhận tội để che chắn cho Đạt.
|
Lấy lời khai đối tượng Lê Sỹ Đạt thực sự là một cuộc đấu trí căng thẳng
|
Tiếp xúc với Hoàn, khơi gợi câu chuyện với hắn, các trinh sát phát hiện Hoàn rất yêu 2 đứa con nhỏ của mình. Nhắc đến con, đôi mắt hắn buồn, chực khóc, hắn luôn mồm than vãn không biết bố bị bắt, 2 đứa con ra sao, trong khi đó mẹ Hoàn lại đang bệnh trọng…
Nắm được tâm lý ấy của Hoàn, các trinh sát đã động viên hắn khai báo thành khẩn, bởi chỉ có con đường ấy mới có thể giúp hắn được hưởng khoan hồng của pháp luật và có thể có cơ hội sau này trở về với gia đình, với hai đứa con…Cuối cùng, Hoàn đã khai nhận tất cả hành vi của cả nhóm, khai tường tận, cả những chỗ bọn chúng tháo và vứt các bộ phận của súng.
Kẻ chủ mưu Lê Sỹ Đạt về độ “lỳ” còn cao hơn đàn em một bậc. Ngay cả khi bị bắt, hắn cũng còn bình thản mời các trinh sát uống uống và một mực chối tội. Tối 7-8, khi chúng tôi có mặt tại trụ sở Cục C45, tiếp xúc với Đạt, hắn cũng rất bình thản, cứ nhem nhẻm nói: “Tôi có biết gì đâu, tôi chỉ hay đi với bọn Hoàn, Duy thôi. Tôi cũng chẳng biết chúng làm gì….”
Đấu tranh với Đạt cũng là bài toán khó với lãnh đạo và các trinh sát, điều tra viên của Cục C45. Suốt 2 ngày sau khi bị bắt, hắn lặp đi lặp lại những lời khai “không biết, không làm” với gương mặt lì lợm. Biết Đạt rất quý và thương Hoàn, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45 quyết định cho thực hiện “bài tâm lý”, cho Đạt gặp Hoàn để đối chất.
Trực tiếp Cục trưởng Hồ Sỹ Tiến, Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Phó Phòng 5, Cục C45 cùng ngồi với Hoàn và Đạt trong cuộc đối chất. Các anh đã tác động tâm lý để các đối tượng hiểu rằng, đã làm thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không nên đẩy tội cho người thân thiết. Nếu thành khẩn thì sẽ được khoan hồng. Khi gặp Đạt, Hoàn đã khóc ngay và nói: “Anh à, những gì anh làm cho em em nhận hết. Nhưng em đã khai hết rồi, kể cả chỗ vứt súng. Em xin lỗi anh”.
|
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục C45 chỉ đạo việc tìm kiếm
khẩu súng gây án các đối tượng ném xuống hồ.
|
Đạt ngồi im, hắn đang bị đòn cân não khi thấy Hoàn xuất hiện. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến tiếp tục dùng kế khích tướng khuyên hắn khai báo thành khẩn, thể hiện bản lĩnh “dám làm dám chịu” của mình. Đạt im lặng một lúc rồi ngẩng lên nhìn mọi người, đôi mắt hắn hơi hoe đỏ. Lúc đó, các cán bộ Công an hiểu rằng, hắn đã bị quy phục. Đạt chỉ xin các cán bộ Công an ít phút nói với Hoàn: “Hoàn à, anh không trách gì em. Anh làm anh đã xác định có ngày hôm này, anh làm thì anh chịu….”
Sau đó, Đạt xin khai nhận và hắn đã khai rất tường tận các chi tiết trong vụ án. Vị chỉ huy cao nhất của lực lượng Cảnh sát hình sự và các cán bộ của mình có mặt trong căn phòng đối chất thở phào. Thế là, các đối tượng đều đã thành khẩn nhận tội, để chuyên án kết thúc thành công hơn.
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện