Tại sao Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất với số lượng kit rất lớn cung cấp gần như cả nước mà địa chỉ không rõ ràng, các bộ kit được sản xuất ở đâu, sản xuất như thế nào, liệu chất lượng có bảo đảm và cơ quan nào cấp chứng nhận cho bộ kit test của Việt Á? Và cơ quan nào chịu trách nhiệm cho những điều này...?
Trụ sở chính chỉ có biển hiệu đặt nhờ, không có nhân viên
Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt giam Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 đã khiến dư luận thực sự rúng động vì sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cá nhân và tổ chức có liên quan đến vụ việc này. Và cũng chính vì sự nghiêm trọng của vụ việc này mà sau đó hàng loạt những vấn đề “không thể hiểu nổi” đã được phát hiện từ chính Công ty Việt Á này.
Theo giới thiệu, Công ty Việt Á được thành lập vào tháng 2-2007, hoạt động trong lĩnh vực y tế và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, chỉ đến gần đây, cái tên Việt Á và ông Phan Quốc Việt mới được công chúng biết đến nhiều từ khi xuất hiện dịch COVID-19, đặc biệt là việc hợp tác với Học viện Quân y sản xuất thành công kit xét nghiệm COVID-19 “made in Vietnam” vào tháng 3-2020.
Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm COVID-19 và đã cung ứng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế, Công ty Việt Á đăng ký với cơ quan chức năng địa chỉ trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê (nay là 134/3D Đào Duy Anh), phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Tìm hiểu thực tế tại địa chỉ này thì chủ căn nhà 3 tầng cho biết Công ty Việt Á chỉ mượn chỗ để đặt cái bảng hiệu công ty mấy năm nay. Tại đây, hoàn toàn không có bất cứ hoạt động doanh nghiệp nào.
Người dân sinh sống kế bên căn nhà cũng cho biết từ ngày có người tới đây lắp biển hiệu, họ chưa từng thấy có nhân viên của công ty này đến làm việc hay hoạt động gì khác…
Tiếp tục tìm về địa chỉ chi nhánh của Công ty Việt Á ở số 1/9A Quốc lộ 1A, Bình Đường 2, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chúng tôi được biết chi nhánh này được cấp phép hoạt động vào ngày 29-8-2018 do ông V.Đ.H đại diện pháp luật, ngành nghề hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa.
Đáng nói, địa chỉ này là một dãy nhà hàng tiệc cưới, kế bên là một số căn ki-ốt đóng cửa im lìm, không có bảng hiệu hoặc thông tin kinh doanh. Một số người dân tại khu vực này cho biết, từ trước tới nay chưa thấy trụ sở nào của Công ty Việt Á hoạt động tại đây, khu vực này chủ yếu tổ chức tiệc cưới và quán cà phê ăn uống, phía trong là nhà ở của người dân.
Trước đó, tại cuộc họp báo do Bô Khoa học và Công nghệ tổ chức vào tháng 3-2020, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt cho biết năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Qua quan sát thực tế có thế thấy, trụ sở ở Bình Dương chính là nhà máy sản xuất chính của Công ty Việt Á, để cung cấp kit test COVID-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế, tại thời điểm cơ quan Công an vào khám xét thì phần lớn diện tích nơi đây chỉ là khu chứa thùng carton, khu hành chính. Còn khu sản xuất “dây chuyền tiêu chuẩn ISO…” chỉ là căn phòng rộng hơn 10m2 với vài tủ lạnh, tủ cấp đông, máy chiết tách cũ kỹ, vài chiếc hộp kính khung nhôm đặt trên mặt bàn đá nhân tạo.
Chưa hết, Công ty Việt Á quảng bá là đơn vị tư nhân chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm cùng khách hàng gồm nhiều bệnh viện lớn. Tuy nhiên, trên thực tế phòng sản xuất chỉ có 10 người, trong đó có cả nhân viên làm thời vụ, không có chuyên môn, học hành gì liên quan y tế. Còn lại hơn 100 người khác chủ yếu nhân viên bán hàng, văn phòng, kế toán...
Khai báo với cơ quan chức năng, nhân viên kỹ thuật ở “nhà máy” tại Bình Dương cho hay, nơi đây họ chỉ có nhiệm vụ phối trộn nguyên liệu lại để hoàn thiện bộ kit test COVID-19. Còn nguyên liệu sản xuất ở đâu, ra sao thì họ không được biết và chỉ có Tổng giám đốc là ông Phan Quốc Việt nắm rõ khâu này. Trong khi đó, theo công bố của Công ty Việt Á thì nguyên liệu để làm nên bộ kit test COVID-19 gồm 5 loại hóa chất sinh phẩm khác nhau.
Mọi thứ lại đúng… “quy trình”?
Có thể thấy, với cơ sở vật chất tạm bợ và đầy nghiệp dư như vậy, trong khi kit xét nghiệm lại liên quan đến bệnh tật và sức khỏe của con người thì liệu có đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu và cơ quan nào thẩm định, cấp phép để rồi chấp thuận cho lưu thông sản phẩm? Và với “nhà máy” sản xuất chính ở Bình Dương chỉ làm nhiệm vụ phối trộn nguyên liệu, tức khâu cuối trong “dây chuyền” sản xuất thì 5 loại nguyên liệu kia được sản xuất ở đâu?
Đáng nói kit test COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất, được cả công ty và bộ ngành liên quan quảng bá là “đề tài khoa học quốc gia”, là sản phẩm “made in Vietnam” đầu tiên được công nhận trong lĩnh vực này với kinh phí từ ngân sách Nhà nước 18,98 tỷ đồng. Thông tin này trước đó đã được đăng tải công khai trên cổng thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời, Bộ cũng công khai thêm nhiều thông tin khác liên quan đến bộ kit xét nghiệm này.
Cụ thể, thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2-2020 đến tháng 7-2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2-2020 đến tháng 10-2021 sau khi được gia hạn đến tháng 10-2021. Thời gian nghiệm thu là tháng 12-2021, nhưng cho đến nay chưa có thông tin nghiệm thu. Câu hỏi đặt ra là thời gian nghiên cứu từ tháng 2-2020 - 10-2021 và chưa nghiệm thu, nhưng ngày 3-3-2020, Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã thông qua và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất?
Tương tự, tại sao hợp đồng ký tháng 2-2020, nhưng ngày 4-3-2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục hai sinh phẩm chuẩn đoán invitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2). Có thể thấy chỉ trong vòng một tháng, các nhà khoa học và những người liên quan đã nghiên cứu thành công một công trình khoa học quan trọng như vậy thì quả là... thần tốc(!) Nếu cho rằng trước đó công trình đã được nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm, vậy thì nghiên cứu vào thời gian nào, cơ quan nào thẩm định chất lượng khoa học của công trình nghiên cứu?
Một điều đáng lưu ý nữa là Việt Nam phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên vào ngày 23-1-2020. Vậy nhóm nghiên cứu bắt đầu thực hiện từ khi nào để có kết quả cho Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua vào ngày 3-3-2020. Có nghĩa là từ khi phát hiện ra ca dương tính COVID-19 đầu tiên đến khi cấp giấy phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR chỉ mất vỏn vẹn 41 ngày.
Càng khó hiểu hơn khi công trình nghiên cứu này có tổng kinh phí để thực hiện là 18,98 tỷ đồng, được chi từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Nhưng cuối cùng lại chuyển cho Công ty Việt Á kinh doanh, “thổi giá” trên trời. Lại thêm câu hỏi đặt ra là tiền ngân sách Nhà nước bỏ ra để đầu tư nghiên cứu xong chỉ nhằm mục đích cho doanh nghiệp kinh doanh thu lợi?
Ngoài ra, qua thực tế các trụ sở, chi nhánh của Công ty Việt Á như nói trên có thể thấy việc sản xuất kit xét nghiệm COVID-19 theo quy trình công nghệ cao thật khó có thể đảm bảo chất lượng tại chi nhánh nhà máy ở Bình Dương kể trên. Và để được cấp phép, khuyến nghị mua bán sử dụng, có lẽ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế chắc chắn đã đi kiểm tra nhà máy, quy trình của Công ty Việt Á, nên mới công nhận, cấp phép, nhưng thực tế như trên thì thật khó hiểu (?!).
Có thể thấy khá nhiều câu hỏi khó hiểu mà hai Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế cũng như các cơ quan liên quan phải trả lời cho dư luận được rõ.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo các đại biểu Quốc hội về việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch. Tại báo cáo này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á và khẳng định bộ kit test của công ty này trải qua nhiều khâu “đúng quy trình” trước khi được cấp phép sử dụng…
Dẫn báo cáo của Học viện Quân Y, ông Long cho biết bộ kit được sản xuất tại cơ sở có hệ thống quản lý được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 13485:2016. Các tiêu chuẩn của bộ kit đã được kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh - Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế. Kết quả kiểm định sau khi sử dụng 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế đều cho kết quả chính xác 100% tại tất cả các thiết bị và tất cả các lần thử nghiệm.
Tiếp tục đánh giá chất lượng sản phẩm đến tháng 10-2021, Học viện Quân y nhận định, sinh phẩm chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 (kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ) tương đương với kit Realstar SARS-CoV-2 (Altona, Đức) đã được FDA cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Nhận định về vụ việc vi phạm của Công ty Việt Á, ông Long nhấn mạnh, đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm. “Công ty Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, đồng thời một số cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Bộ trưởng Long báo cáo.
Hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương rà soát toàn bộ quá trình nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép, quản lý giá... để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra của các cơ quan chức năng, làm rõ các sai phạm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Nguồn: Báo CAND