Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
6 nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính là những quy định về nhiệm vụ của lực lượng này.

Theo Bộ Công an, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn và chính quyền cơ sở.

Tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh

Hiện nay, bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đều do UBND cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động theo quy định của  pháp luật để tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó có những nhiệm vụ chồng lấn, mâu thuẫn, khó thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay có tác động đến quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiện pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Nếu vẫn tiếp tục thực hiện hoặc chỉ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trong đó tiếp tục kế thừa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng nêu trên sẽ không đảm bảo cơ sở pháp lý đủ mạnh, đúng quy định để lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ.

6 nhóm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở -0
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định 6 nhóm nhiệm vụ của lực lượng này.

Theo Bộ Công an, việc quy định cụ thể toàn diện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong văn bản luật, mà cụ thể là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ có những tác động tích cực về mặt kinh tế, xã hội và hệ thống pháp luật. Cụ thể, về mặt kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội có ý nghĩa quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước. Trong thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự nước ta luôn được bảo đảm tốt. Đây là tiền đề và là yếu tố quan trọng để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì vậy, cần thiết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường ổn định đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế. Về mặt xã hội, việc quy định cụ thể, toàn diện, thống nhất nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ bảo đảm giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra tại địa bàn cơ sở, không để phát sinh, tích tụ các điểm nóng, gây mất an ninh trật tự từ cơ sở.

Mặt khác, việc quy định này giúp các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình.

Theo đó, việc quy định cụ thể, toàn diện, thống nhất nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu đảm bảo an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, góp phần phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật. Đồng thời, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp bố trí công việc trên cơ sở điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp với chức danh Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn với Công an xã chính quy.

 Về hệ thống pháp luật, việc quy định này sẽ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự; xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là quy định về những nhiệm vụ mà trong quá trình thực hiện có tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong luật. Bảo đảm cơ sở pháp lý tương xứng quy định về các lực lượng trực tiếp hoặc hỗ trợ tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Lực lượng tham gia hỗ trợ, không trùng lặp nhiệm vụ

Theo Bộ Công an, việc quy định cụ thể, toàn diện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong văn bản luật, nhất là những nhiệm vụ có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà hoạt động của lực lượng này có tác động là phù hợp. Qua đó, vừa cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chính sách, chế độ, tạo điều kiện cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý có hiệu quả cao để lực lượng này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như để bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.      

Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động hiện nay của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm:

1. Thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách;

2. Tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

3. Tham gia xây dựng lực lượng dân phòng, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

4. Hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội;

5. Tham gia vận động, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng;

6. Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi