Các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể đã quán triệt, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trực thuộc không trực tiếp, gián tiếp tham gia hoạt động “tín dụng đen”...
Như Báo CAND đã thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng Tạ Văn Hưng (SN 1986), trú tại TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, là Phó Quản đốc phân xưởng khoan nổ mìn của Công ty Hoá chất mỏ Bắc Trung Bộ về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Hiện vụ án đã chuyển cho Tòa án nhân dân tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào tháng 6, qua công tác nắm tình hình địa bàn, rà soát đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn TP Tam Điệp, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Ninh Bình đã đấu tranh, triệt phá thành công chuyên án, làm rõ hành vi của Tạ Văn Hưng.
Đấu tranh mở rộng, cơ quan Công an xác định Hưng đã huy động số tiền gần 2 tỷ đồng cho 17 người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vay với mức lãi suất từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/ngày, thu lợi bất chính số tiền trên 300 triệu đồng.
Trên thực tế, trước nhu cầu vay vốn do khó khăn trong cuộc sống của nhiều người dân, bị hấp dẫn bởi lãi suất “khủng” thu được từ dịch vụ cho vay lãi nặng, một số cán bộ, viên chức, thậm chí có cả sinh viên cũng tham gia vào hoạt động cho vay “tín dụng đen”.
Mới đây, vụ nữ sinh ở Bình Định mắc “bẫy” “tín dụng đen” với lãi suất lên đến 750%/năm của một người bạn cũng đang là sinh viên một trường đại học TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Khi nữ sinh không có khả năng trả nợ, người cho vay đã “khủng bố” tinh thần cả người vay và gia đình họ, về bản chất giống như các đường dây “tín dụng đen” khác.
Trước tình hình trên, trong 2 năm qua, thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể đã tiếp tục triển khai thực hiện nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự.
Quán triệt, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trực thuộc không trực tiếp, gián tiếp tham gia hoạt động “tín dụng đen”, chấp hành nghiêm pháp luật về vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn, môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ… để vi phạm pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ lồng ghép các nội dung về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Bộ Công an cũng thực hiện rất nghiêm nội dung này, đã có văn bản nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn, môi giới cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, cầm đồ, đòi nợ… Khuyến khích cán bộ, chiến sĩ vận động người thân, nhân dân nơi cư trú không trực tiếp, gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
Xây dựng các văn bản về xử lý cán bộ của ngành, quy định xử lý nghiêm hành vi “Biết cha, mẹ đẻ, vợ, chồng, con cùng sống trong gia đình cho vay lãi nặng dưới mọi hình thức mà không có biện pháp ngăn chặn hoặc không báo cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; sử dụng giấy tờ, vật dụng do ngành Công an cấp hoặc bản sao, bản in, bản chụp các giấy tờ, vật dụng đó để thế chấp, cầm đồ vay tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân; tham gia góp vốn, điều hành cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay lãi nặng; sử dụng các hành vi trái pháp luật để đòi nợ dưới mọi hình thức”.
Bộ Nội vụ cũng đã xây dựng chuyên đề “Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ”, báo cáo Ban Nội chính Trung ương nhằm ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó quy định hình thức khiển trách đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và hình thức cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Nguồn: Báo CAND