Sáng nay 22-3, Tổng Giám đốc tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry đã có buổi làm việc chính thức với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) xung quanh việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với WIPO đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của WIPO trong các vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo.
|
Tổng Giám đốc WIPO đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam
|
Ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KHCN) cho biết, tỉ lệ thương mại hoá của các sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ ở Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam có trên 12.000 Tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, số lượng đơn xin xác lập quyền bảo hộ SHTT đối với nhóm "chất xám cao" này chỉ chiếm khoảng 10%. Trong số này, tỉ lệ được thương mại hoá còn thấp hơn nữa. Theo ông Sơn, việc thương mại hoá tài sản SHTT ở mức thấp là do thị trường KHCN ở Việt Nam còn chưa thực sự phát triển.
Tổng giám đốc WIPO cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam đạt được trong việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong bối cảnh đất nước vẫn còn khó khăn. "Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, dân số tăng nhanh... Điều đó đòi hỏi chúng ta không thể chỉ hành động theo cách thông thường mà phải theo phương thức đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ buổi làm việc với Bộ KHCN, các chuyên gia của WIPO cũng chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp Việt Nam khởi động dự án về thương mại hoá tài sản trí tuệ.
Ông Andrew Michael Ong, Giám đốc đại diện văn phòng WIPO châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh: "Việt Nam hiện đang xếp hạng 59 về chỉ số đổi mới sáng tạo. Việc của các bạn là làm sao để xếp hạng 20 hoặc 30. Nếu các trường của Việt Nam có công nghệ trong tay, có sản phẩm cần thương mại hoá thì hãy tìm đến chúng tôi. Tháng sau, WIPO sẽ tìm kiếm các trường đại học có phong trào nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển mạnh ở Việt Nam để kết nối vào mạng lưới của WIPO".
|
Kí kết hợp tác giữa WIPO và Bộ KHCN
|
Nhân dịp này, WIPO cũng kí bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Khoa học – Công nghệ về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT của Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia quốc tế của WIPO sẽ sang Việt Nam để cùng các chuyên gia trong nước khảo sát về thực trạng SHTT của Việt Nam, trên cơ sở đó sẽ xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược trình Chính phủ.
Nguồn: Báo CAND
Biên tập: Đỗ Thu (T2)