Các nhà khoa học thuộc Đại học King Abdulaziz (Saudi Arabia) đã phát hiện ra bằng chứng về việc virus Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) có khả năng lây nhiễm từ lạc đà sang người.
Phát hiện này được đăng trên Tạp chí Y học New England số ra ngày 5/6 dựa trên nghiên cứu bệnh án của một người đàn ông Saudi Arabia 44 tuổi tử vong do virus MERS hồi tháng 11/2013.
Được biết, 1 tuần trước khi phát bệnh, người đàn ông này này đã tiếp xúc với 4 con lạc đà có triệu chứng nhiễm bệnh về đường hô hấp. Các chuyên gia đã so sánh loại virus tìm thấy trong các con lạc đà nhiễm bệnh cùng virus MERS của bệnh nhân. Kết quả cho thấy bộ gene của hai loại virus này là tương đồng, chứng tỏ trường hợp nhiễm virus MERS này là do lây nhiễm từ lạc đà.
Ông Ian Lipkin, Giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch thuộc Đại học Columbia cho biết đây là bằng chứng chắc chắn đầu tiên về khả năng lây nhiễm virus MERS từ lạc đà một bướu sang người. Bước tiếp theo là xác định khả năng lây nhiễm diện rộng của lạc đà hay bất cứ loài động vật nào khác sang người và mở ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng cho thấy rằng loại virus này khá phổ biến ở lạc đà trong 20 năm trở lại đây và có khả năng lây sang người.
MERS gây các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, viêm phổi và được coi là họ hàng của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng ám ảnh châu Á năm 2003 khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 9% trong số đó tử vong. Mặc dù số trường hợp nhiễm chủng virus này trên thế giới tương đối thấp, song tỷ lệ tử vong lên tới gần 30% tại Trung Đông khiến giới khoa học và nhà chức trách lo ngại. Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết kể từ khi ca đầu tiên nhiễm virus MERS được công bố năm 2012, đến nay đã có tổng cộng có 688 ca nhiễm, trong đó 282 ca tử vong. Hầu hết trường hợp nhiễm và tử vong do MERS là tại Saudi Arabia, tuy nhiên virus MERS đã lây lan ra hàng chục quốc gia khác chủ yếu là từ những người bị ốm trong thời gian lưu lại Trung Đông.
Biên tập: Hồng Thắm, Trung tâm TTKH & TLGK Trích nguồn: Báo Điện tử Chính Phủ