Những công nghệ mới nhất trong việc chọn tạo giống đậu nành năng suất cao thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho việc bảo toàn và phát triển đậu nành Tây Nguyên” diễn ra ở Cư Jut, Đắk Nông sáng ngày 6/11.
Tại hội thảo, ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy cho hay, giống là yếu tố quan trọng quyết định việc tăng năng suất và chất lượng của hạt đậu nành. Vì vậy, chọn tạo giống là trọng tâm hàng đầu của Trung tâm. Sau hai năm nghiên cứu, đơn vị này cùng Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ đã chọn thuần thành công giống đậu nành Cư Jut hoa trắng cho năng suất tăng 10-15% so với trước đây và đã trồng trong vụ II/2015 tại Cư Jut và Đắk Mil.
Song song với việc chọn thuần, Trung tâm đang ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để chọn tạo giống mới bảo toàn phẩm chất quý của giống đậu nành địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng của hạt đậu nành. Trung tâm cũng liên kết với Đại học Cần Thơ nghiên cứu chọn các loại vi khuẩn từ vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên để chế tạo ra phân sinh học nhằm tăng nốt rễ (nốt sần) và hiệu quả sử dụng phân lân cho loại cây này.
Toàn bộ vùng nguyên liệu trồng đậu nành hơn 8.000 ha mà Vinasoy hợp tác cùng nông dân đều là đậu nành không biến đổi gen. Ông Hải cho biết, đến năm 2018, cùng với giống mới, hệ thống canh tác đồng bộ và những ứng dụng phân sinh học, phân hữu cơ sẽ nâng năng suất của đậu nành Tây Nguyên đạt 3 tấn trên một ha, tương đương với năng suất đậu nành bình quân trên thế giới. Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy là nơi đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để tạo giống đậu nành cho năng suất cao.
|
Các chuyên gia chia sẻ những công nghệ mới trong bảo tồn, phát triển đậu nành ở Tây Nguyên.
|
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ này các nước đã áp dụng từ lâu, đòi hỏi chi phí, nhân lực cao, song hiệu quả mang lại rất lớn. Ông Vương Đình Trị đến từ Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ, Đại học Missouri, Mỹ cho biết, đậu nành ngoại nhập dễ mẫn cảm với môi trường, không thích nghi tốt với điều kiện khí hậu Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều giống quý hiếm có hương vị đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng theo thời gian đã thoái hóa dần, mất đi một số ưu điểm nổi trội.
Hiện nay, chỉ vài giống địa phương có phẩm chất hạt đáp ứng yêu cầu làm ra sữa đậu nành nhưng năng suất thấp, thời gian sinh trưởng không phù hợp luân canh. “Công nghệ sinh học phân tử sẽ giúp khâu chọn giống rút ngắn thời gian, giảm chi phí của quy trình chọn lọc, phát triển giống, chọn lọc các đặc tính mà phương pháp truyền thống không thực hiện được”, ông Trị khẳng định.
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Henry Nguyễn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ một lần nữa nhấn mạnh công nghệ sinh học và những nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực di truyền đã cải thiện đáng kể hiệu quả chọn tạo giống. Nếu trước đây, việc cho ra giống mới mất hàng chục năm thì nay đã rút xuống còn vài năm. Hiện nhiều giống đậu nành khác nhau được nghiên cứu và phát triển cho những mục đích khác nhau, từ thực phẩm bổ dưỡng cho con người đến thực phẩm chức năng và những ứng dụng trong công nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao thực sự đã tạo ra một bước đột phá trong sản xuất đậu nành trên thế giới.
|
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đậu nành là một trong những cây trồng chủ lực ở Việt Nam.
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đậu nành là một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam, nên Cục Trồng trọt phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tìm mọi cách vực dậy diện tích cây trồng này, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người trồng. Ông cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, người nông dân canh tác nhiều nhưng không chăm bón đúng cách dẫn đến tình trạng thoái hóa giống. Do đó, khâu chọn giống rất quan trọng. Nếu dùng công nghệ di truyền phân tử để lai tạo ra giống bản địa chất lượng tốt sẽ là tín hiệu tích cực cho sự phát triển cây trồng này.
Năm 2014, cả nước nhập khẩu 1,2 triệu tấn hạt đậu nành. 90% đậu nành trong nước có nguồn gốc nước ngoài và sản xuất trong nước chỉ cung ứng 3% nhu cầu. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do giá đậu nành nhập ngoại rẻ hơn hàng trong nước 4.000-5.000 đồng một kg.
Lãnh đạo Vinasoy cho biết vẫn ưu tiên sử dụng đậu nành trồng tại Tây Nguyên trong sản xuất bởi đậu nành tại đây khi làm ra sản phẩm có mùi thơm, vị tự nhiên. Do được mua và chế biến một thời gian ngắn sau thu hoạch nên hạt đậu còn tươi, chất lượng hạt đậu còn nguyên vẹn nên sản phẩm sữa có chất lượng cao. Vinasoy nhập khẩu khoảng 20% từ Canada để phối trộn nâng cao chất lượng sản phẩm. Đậu nành ngoại nhập bổ sung những yếu điểm về hàm lượng dinh dưỡng của hạt đậu nành trong nước. Điều này cũng đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm của công ty. Đây là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường sữa đậu nành trong bao bì giấy tại Việt Nam với 83,3% thị phần toàn quốc, theo nghiên cứu thị trường của The Nielsen Việt Nam tính đến tháng 8/2015. Lãnh đạo công ty khẳng định doanh nghiệp sử dụng 100% đậu nành chọn lọc không biến đổi gen để sản xuất các sản phẩm bán ra trên thị trường.